Tôi từng du học ở châu Âu, đã đi qua nhiều nước, chứng kiến cuộc sống của người mình bên đó. Và tôi đi đến kết luận: cuộc sống của người mình ở nước ngoài nói chung thua xa cuộc sống trong nước, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Về vật chất, thì đúng là Việt Nam còn rất nghèo so với các nước Âu Mỹ, nhưng không có nghĩa là người sống ở Việt Nam được hưởng thụ kém hơn. Trái lại là đằng khác. Đó là nhờ mọi thứ hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam đều rất rẻ.
Một người đi làm bình thường ở Việt Nam với lương 3 triệu/tháng, thì lúc nào cũng có thể mời bạn bè đi ăn nhà hàng, xem phim, mát-xa, tắm trắng, làm móng tay, gội đầu mà không cần đắn đo. Hứng lên thì cuối tuần đi biển chơi. Cần gì chỉ gọi một tiếng là có người mang đến tận nhà, phục vụ đâu ra đấy. Sống ở nước ngoài làm sao có được những cái đó! Nhà cửa ở Việt Nam cũng không chật chội hơn, vật dụng chẳng thua kém: thì cũng chỉ tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại thôi chứ gì!
Tôi hay quan sát cuộc sống của người dân thành phố và thấy ít người có vẻ lo âu, căng thẳng với cuộc sống. Họ cũng không thực sự vất vả nếu so với cuộc sống của người sống ở nước ngoài. Này nhé, bà bán cháo huyết đầu hẻm chỉ bán độ hai tiếng buổi sáng, sau đó là đi chơi, hay ngả người đọc báo Phụ nữ trong khi cô bé làm móng chân phục vụ bà. Cô bé làm móng chân đó cũng chẳng có vẻ gì lo âu, mỗi ngày cô phục vụ vài người là đủ tiền ăn, tiền nhà, tiền đi làm đầu, shopping đồ sida. Anh thợ cắt tóc bên kia đường vừa cắt tóc cho ông xe ôm vừa bình luận về trận đấu giữa AC Milan và Lyon ở cúp C1, cả hai đều nhất trí là Pipo Inzaghi đá không thua gì Văn Quyến. Anh ngoắc tay một cái, 2 phút sau cô bé ở quán cà phê bên cạnh mang tới cho anh ly cà phê đúng điệu … xóm Gà! Mọi người cứ loanh quanh phục vụ lẫn nhau, với giá rất rẻ, và tất cả đều đủ sống một cách lương thiện, chẳng mấy lo lắng về khả năng mất việc làm, phải sống nhờ trợ cấp xã hội, hay là bị cảnh sát bắt trục xuất về nước.
Với những người có thu nhập cao, độ 10-15 triệu đồng/tháng trở lên, chưa nói những người thu nhập mấy chục triệu, thì cuộc sống còn sung túc hơn nữa, mà ngay cả những người có công ăn việc làm đàng hoàng bên Âu, Mỹ, lương cả chục ngàn đô la, cũng chưa chắc bằng. Ví dụ đơn giản nhất: có bao nhiêu gia đình Việt kiều có được người giúp việc?
Về vật chất đã thế, về tinh thần lại càng khác biệt. Người Việt ở nước ngoài luôn là công dân hạng 2, 3, 4 gì đó, và chỉ biết hùng hục kiếm sống, ngoài ra chẳng còn mối quan tâm gì lớn về chính trị, văn hóa, xã hội. Những người sống bất hợp pháp thì lại càng khổ.
Trong khi đó ở Việt Nam kể cả người dân bình thường nhất cũng có quyền lên tiếng trên báo chí về vấn đề này vấn đề khác của cuộc sống, của chính quyền, coi như một cách tham gia điều hành xã hội.
Thỉnh thoảng chán đời vì cãi cọ với người yêu tôi lại mò tới tiệm gội đầu, gọi thêm cô bé làm móng chân đến, coi như một kiểu thư giãn không tốn kém lắm, và trong câu chuyện giữa đám phụ nữ với nhau tôi khuyến khích họ gửi ý kiến cho báo chí, về chuyện gì cũng được. Nhờ làm trong ngành PR nên tôi giúp họ đăng các ý kiến đó, và mỗi lần như thế khu phố tôi ở như có một Big Bang thực sự!
Các bạn có hình dung được nỗi vui sướng của những người phụ nữ nhỏ bé đó khi thấy tên mình trên báo không? Họ như trẻ lại đến mười tuổi, và cảm thấy yêu đời hơn bao giờ hết khi thấy mình không phải là loại vớ vẩn đâu nhé, báo đưa tin cơ mà!
Thử hỏi người Việt ở nước ngoài có thể làm được điều đó không? Ở bên kia ai thèm nghe họ nói, và họ biết gì mà nói, mà đòi góp ý với chính quyền sở tại? Bất quá họ chỉ có thể lên những tờ báo điện tử như VnExpress để tham gia ý kiến về những vấn đề ở… Việt Nam mà thôi!
Tóm lại, tuy nhiều người ở Việt Nam vẫn còn khá cực khổ, thu nhập thấp, nhất là ở vùng nông thôn, nhưng vẫn có cuộc sống phong phú, ý nghĩa hơn nhiều so với cuộc sống của đại đa số người mình ở nước ngoài, nhất là ở những nước Đông Âu. Với đà phát triển của đất nước thì sự khác biệt đó sẽ càng lớn hơn nữa.
Có lẽ những người đang vất vả mưu sinh ở nước ngoài nên nghĩ đến việc hồi hương đi là vừa.
Còn bạn nghĩ sao?
Nguồn: Vnexpress