Mấy ngày gần đây, tình cờ tôi thấy trên mạng xã hội xuất hiện dòng Status với tâm trạng tha thiết là: "Xin mọi người giúp đỡ một ít… mì tôm để… cứu đói cho mẹ". Người thanh niên này đang bị bệnh nặng, đã nghỉ làm công nhân một thời gian dài và người mẹ tuổi cao, sức yếu, trong mình cũng có không ít căn bệnh quái ác hoành hành.
Sống xa quê, lại bị bệnh tật đeo bám dai dẵng nên sức khỏe giảm sút và những gì hai mẹ con dành dụm được đều đã cạn.
Châu, một trong 25 triệu công nhân, hoặc trong hàng chục triệu nhân dân chúng mình…luôn ở thế đi làm chỉ đủ sống/không tích lũy/dừng tay là đói, và chẳng may gặp phải bệnh trọng thì rơi thẳng xuống “hố sâu đói khát”, nơi mà sự tuyệt vọng không lối thoát còn đang sợ hơn cả nghèo đói, bệnh tật.
Bán cả… bếp gas để mua thuốc!
Bệnh tật có thể khiến người cận rơi xuống nghèo, còn người nghèo thì xuống đáy của sự nghèo khổ và tuyệt vọng. Không lối thoát, không cả nhìn thấy ánh sáng.
Những lời cầu xin đơn sơ nhưng chân chất của chàng công nhân cứ ám ảnh trong giấc ngủ của phóng viên tạp chí Lao Động và Công đoàn. Thế là chúng tôi quyết định phải tìm cho ra sự thật
Chàng thanh niên ấy tên đầy đủ là Hoàng Thủy Châu (SN 1987, quê quán ở tỉnh Quảng Nam). Hơn mười năm trước, Châu cùng mẹ lang bạt vào tận Bình Dương mưu sinh. Hai mẹ con thuê căn phòng trọ tại địa chỉ số 629/3 (khu phố Thạnh Bình, phường An Thạnh, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Bình thường, Châu làm công nhân cho doanh nghiệp tư nhân, khi có điều kiện, Châu cố gắng làm thêm nhiều việc để mong có tiền thuốc thang cho mẹ. Có lẽ vì quá cố sức làm lụng nên Châu đổ bệnh, bệnh tình càng thêm phức tạp và kéo dài.
Dòng Status của Châu đăng trên mạng xã hội xin... mì tôm cho mẹ. Ảnh chụp lại từ màn hình. |
Hôm đó là một buổi chiều tối, Châu và mẹ vẫn chưa có gì trong bụng. Cậu bị nhiều chứng bệnh hoành hành, cơ thể yếu ớt, không đi nổi, chỉ có thể nằm một chỗ. Trong túi Châu cũng chỉ còn hơn 10.000đ, không đủ mua một phần cơm cho mẹ.
Cậu nhìn về hướng bếp xem còn gói mì tôm nào không; thì sực nhớ: Những gói mì cuối cùng đã hết sạch sau bữa ăn tằn tiện lúc sáng. Chỗ nấu bếp giờ cũng trống trơn do mấy tháng trước, không đủ tiền mua thuốc, Châu đành phải bán cái bếp gas và vỏ bình gas được 550.000đ. Trước đó, trong lần nhập viện tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, Châu đã phải bán luôn chiếc xe máy (6 triệu đồng) để có tiền điều trị…
Biết được hoàn cảnh của Châu, có người đã “chat” với cậu, hỏi số tài khoản ngân hàng để hỗ trợ, nhưng Châu nói: mình không nhận tiền, vì sợ mọi người nghĩ mình lợi dụng lòng xót thương để trục lợi.
Còn khi chúng tôi liên hệ được với Châu, chàng thanh niên này luôn giữ lòng tự trọng và rất nhiều lần từ chối sự trợ giúp mặc dù tôi chỉ yêu cầu cho biết địa chỉ nhà người bà con để đến tận nơi thăm hỏi, động viên tinh thần.
Châu nhiều lần nhắn tin qua lại với chúng tôi: “Em cảm ơn tấm lòng tốt của các anh rất nhiều. Hôm qua đến giờ em đã được cho 5 thùng mì, gạo, có thêm bánh ngọt, xúc xích, nên em xin dừng tiếp nhận quà ở đây, nhường phần anh dự định cho em lại cho những hoàn cảnh như em ạ”. Châu “ước lượng” những phần quà này có thể duy trì cuộc sống của mình và mẹ trong 2 tháng.
Giấy ra viện gần nhất của Châu vào tháng 03/2024 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam với chẩn đoán của bác sĩ về những căn bệnh mắc phải. Trong đó, Châu bị suy kiệt cơ thể. Ảnh: P.V. |
“Con đau quá mẹ ơi...”
Liên lạc mấy ngày, khi chúng tôi đến được chỗ trọ của Châu ở Bình Dương thì mới biết, Châu vừa đưa mẹ về Bạc Liêu bốc thuốc.
Mấy ngày nay, trời miền Tây mưa như trút nước, từ sáng sớm đến chiều tối, có khi mưa gió cả nguyên đêm không ngớt hạt như muốn thử thách lòng người. Từ khu nhà trọ của Thủy Châu ở Bình Dương, chúng tôi về Sài Gòn rồi xuôi miệt sông nước miền Tây tìm mẹ con Châu.
Dầm mưa, đội gió lạnh cóng mấy trăm cây số trên chiếc xe gắn máy cà tàng chúng tôi về ấp Ninh Thạnh II, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, với quyết tâm tìm được nơi tá túc trị bệnh của hai mẹ con Thủy Châu.
Căn nhà Châu và mẹ đang tá túc ở Bạc Liêu để hốt thuốc Nam điều trị bệnh. Ảnh: P.V. |
Đón tôi từ ngoài cửa, Thủy Châu lê từng bước đi khó nhọc bởi đôi chân bị sưng do biến chứng của nhiều căn bệnh: viêm loét dạ dày, xuất huyết đại tràng, nhiễm trùng đường ruột và có nguy cơ bị ung thư...
Bước được vài bước, cơn đau làm Châu phải đứng lại nghỉ ngơi lấy sức rồi mới đi tiếp. Châu lấy cái ghế nhựa cũ kỹ mời tôi ngồi để hỏi chuyện.
Hai mẹ con Châu tá túc tại ngôi nhà này để hốt thuốc nam trị bệnh. Vì uống thuốc tây đã lâu mà căn bệnh không thuyên giảm, đôi khi còn có tác dụng phụ gây thêm nhiều căn bệnh khác. Nếu trị bệnh tại Bình Dương hay Sài Gòn thì khả năng tài chính không cho phép, còn về đây đỡ lo phần nào chuyện chi phí nhà trọ, điện nước; lại có cháo ăn cháo, có rau ăn rau cùng họ hàng thân thuộc.
Hồ sơ, giấy tờ điều trị bệnh của Châu. Ảnh: P.V. |
Từ một cậu bé có nhiều hoài bão, mong muốn được cống hiến sức trẻ cho cuộc sống nên sau khi học xong cao đẳng ở Đà Nẵng, Thủy Châu khăn gói vào Sài Gòn để thực hiện ước mơ, làm đủ mọi việc nặng nhọc miễn sao có tiền lo đầy đủ thuốc thang cho mẹ là vui lòng rồi. Sau đó, Châu xin về Bình Dương làm công nhân cho một doanh nghiệp tư nhân.
Châu nhớ vào khoảng tháng 3/2022 thì mình bắt đầu đổ bệnh. Khi đi khám và điều trị ở nhiều nơi thì phát thêm nhiều căn bệnh tiềm ẩn đến thời kỳ bộc phát, hành hạ thân xác và có nguy cơ chuyển sang bệnh hiểm nghèo. Từ đó, bao nhiêu tiền bạc, vật chất mà hai mẹ con dành dụm được bấy lâu đã “không cánh mà bay” theo căn bệnh mỗi ngày trầm trọng hơn.
Đại diện Tạp chí Lao động và Công đoàn đến thăm, trao hỗ trợ cho Châu trong ngày 27/7. Ảnh: P.V. |
Giữa tháng 12/2023, Châu được xuất viện sau 12 ngày nằm điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bình Dương. Trước Noel một ngày, Châu cùng mẹ bắt xe về quê ở Quảng Nam với mong muốn được đón một cái Tết Nguyên đán cùng người thân họ hàng, sau nhiều năm lang bạt nơi xứ người.
Nhưng khi xe về đến thành phố Tam Kỳ, bệnh xuất huyết đường ruột của Châu tái phát dữ dội.
“Lúc đó máu ra rất nhiều cùng với cơn đau quằn quại, em chỉ biết quay sang nói với mẹ: “Con đau quá mẹ ơi..”. Em chưa kịp về đến nhà thì đã phải ra thẳng bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam để cấp cứu”. Lần đó, Châu nằm viện đến 56 ngày, tốn kém chi phí hơn 30 triệu đồng, những người thân ở quê nhà đã chung tay giúp đỡ mỗi người một ít để Châu điều trị.
Đến nay, đã hơn nửa năm Châu không đi làm do bạo bệnh. Những hôm thấy trong người “đỡ đỡ”, Châu lặn lội đến một số công ty xin việc, nhưng chỗ nào cũng lắc đầu vì thấy Châu tiều tụy, sức khỏe yếu kém. Trong khi, căn bệnh ngày một xuất hiện nhiều hơn, tần suất tái phát bệnh cũng nhanh hơn. Còn nước còn tát nên họ hàng khuyên về Bạc Liêu trị bệnh bằng thuốc nam, biết đâu “có duyên” sẽ hết hẳn, tiếp tục thực hiện mơ ước ấp ủ bấy lâu?
Thủy Châu đi chầm chậm đến bên chiếc bàn học, lấy ra những bọc thuốc, giấy ra viện đưa tôi xem và bộc bạch bằng giọng nói đứt quãng, run run: “Mong muốn lớn nhất của em là mau trị hết bệnh để về Bình Dương đi làm, có tiền nuôi mẹ, vì mẹ cũng bị nhiều căn bệnh dày vò lắm. Nhìn mẹ đau đớn, đi đứng lom khom khó khăn mà em không cầm được nước mắt, cứ dúi người vào mẹ như đứa trẻ mới lên ba để cho mẹ bớt đau hơn”.
Mẹ của Thủy Châu là bà Thủy Thị Tâm, sinh năm 1960, nghe nói có khách, lụm khụm bước lên từ nhà sau để tiếp khách. Bà cũng bị các chứng bệnh đeo bám nhiều năm: cao huyết áp, thoái hóa cột sống… nên không thể đi đứng thẳng lưng, bình thường được.
Lối vào khu nhà trọ ở thành phố Thuận An, Bình Dương, nơi Châu và mẹ thuê trọ để ở gần 10 năm nay. Ảnh: P.V. |
Trông bà tiều tụy, ốm yếu và khắc khổ hơn cái tuổi của mình. Có lẽ, những nỗi lo toan của cuộc sống, sự yêu thương của tấm lòng người mẹ dành cho con cái không gì đong đếm được. Người mẹ chấp nhận mọi sự khổ cực chỉ để cho con mau hết bệnh, hòa nhập với cuộc sống hiện tại.
Bà Tâm theo con từ quê Quảng Nam vào Sài Gòn rồi qua Bình Dương phụ rửa chén bát cho quán bún riêu gần công ty để tiện lo cơm nước, chăm sóc cho con. Căn bệnh thoái hóa cột sống làm cho lưng bà ngày càng còng hơn, thu nhập ngày cũng ít hơn theo sự suy giảm của sức khỏe. Tuy vậy, bà không hề than thở nửa lời mà vẫn lo tròn thiên chức của người làm mẹ.
Những người cùng ở trọ tại Bình Dương đều cảm động trước tấm lòng thương yêu con bao la như biển Thái Bình của bà và sự hiếu thảo của Thủy Châu dành cho mẹ. Điều bà mong mỏi nhất hiện nay là con mình sớm hết bệnh để hai mẹ con cùng đi làm và cùng nhau san sẻ khó khăn trong cuộc sống.
Mong những nghĩa tình trong hoạn nạn
Anh Trịnh Quốc Sơn (chủ nhà trọ nơi Châu và mẹ thuê ở) cho biết: “Gia đình tôi và những người thuê trọ xung quanh đều coi hai mẹ con Châu như người một nhà, hết lòng giúp đỡ. Có lần cả hai mẹ con đều đổ bệnh, chỉ biết ngồi n thờ nhìn nhau trong tuyệt vọng, cả xóm thương xót góp lại được chút đỉnh giúp đưa đi bệnh viện. Cái gì bán được hai mẹ con đã bán hết; cầm cố được cũng đã cầm rồi. Bao nhiêu tiền đều dành hết cho việc chữa trị, đến nỗi không có bữa ăn nào được tươm tất”.
Dì Năm Hoa chung khu nhà trọ còn cho biết thêm, bệnh tình của Châu giống như một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Do điều kiện kinh tế, Châu chỉ có thể uống thuốc duy trì qua ngày, đến khi khỏe thì đi làm kiếm tiền; nhưng chỉ ít hôm lại nằm một chỗ vì bệnh tái phát. Có người thấy tội, gửi Châu thùng mì gói, nhưng vì bệnh tình, Châu cũng không ăn được.
Anh Trịnh Quốc Sơn (chủ nhà trọ nơi Châu và mẹ thuê ở) chia sẻ về hoàn cảnh đáng thương của mẹ con Châu. Ảnh: P.V. |
Mẹ Châu ngồi kế bên, ít nói, chỉ trả lời khi tôi gợi chuyện. Những nếp nhăn trên gương mặt chị hằn lên sự vất vả mưu sinh, sự hành hạ của bệnh tật. Chúng tôi biết, chị âm thầm chịu đựng như đã từng chịu những nỗi đau chia tay người chồng khi Châu mới vừa 8 tháng tuổi.
Thỉnh thoảng, khi phải trả lời về gia cảnh của mình mà tôi “vô tâm” gợi phải, chị quay mặt sang hướng khác, đôi vai gầy guộc run run. Rồi chị khó nhọc, lom khom từng bước đi xuống nhà sau, một lúc mới quay lên trò chuyện tiếp mà đôi mắt còn đỏ hoe. Tôi biết chị rưng rưng khóc nhưng không muốn con phải nhìn thấy. Những giọt nước mắt nóng hổi của người mẹ đã chảy ngược vào trong, để con trai không phải nhìn thấy...
Chị đưa tay vuốt vội mái tóc lưa thưa, lấm tấm bạc, rồi đưa ánh mắt nhìn xa xăm ra khoảng trời mênh mông: “Hai mẹ con không có nhà cửa, chỉ tá túc họ hàng, nay đây mai đó. Tôi chẳng sợ khổ cực, chỉ mong thằng Châu mau hết bệnh, trở lại với cuộc sống hiện tại, tương lai nó còn dài lắm. Cầu trời thương xót cho nó...”.
Hiện tại, Châu về Bạc Liêu tá túc nhà bà con uống thuốc Nam điều trị, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhằm giảm bớt các chi phí sinh hoạt nơi đất khách. Những ngày qua, Châu đã liên hệ với các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM. Họ cho biết: Châu cần phải đi khám lại toàn diện để đánh giá vấn đề sức khỏe cũng như mức độ các căn bệnh hiện tại ra sao. Từ đó mới có thể đưa ra lộ trình và phương pháp điều trị trong thời gian bao lâu, với tổng chi phí là bao nhiêu.
“Cách duy nhất bây giờ là Châu phải tập trung điều trị dứt điểm bệnh tình, chỉ khi nào thật sự khỏe thì mới đi làm trở lại. Và cũng chỉ như vậy, Châu mới lo được cho mẹ già, làm tròn phận hiếu. Tuy nhiên, điều này vượt quá khả năng của Châu – khi một bữa ăn với nó bây giờ còn chưa lo được.”, anh Sơn chủ nhà trọ của Châu nói thêm.
Còn Châu tâm sự: “Em và mẹ về đây tá túc nhà bà con trị bệnh cho đỡ tốn chi phí nhà trọ, điện nước, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Vì nếu trị bệnh tại Bình Dương hay Sài Gòn thì khả năng không cho phép. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của em vẫn là mau hết bệnh, được trở lại Bình Dương để làm việc, có tiền nuôi mẹ, chứ ở dưới quê không có việc làm lại càng vất vả hơn"...
Tạp chí Lao Động và Công đoàn