Cách trùng tu kiến trúc Hội An lần này không có gì phải ngạc nhiên, vì nó đã lặp đi lặp lại trên khắp đất nước này. Và có lẽ sẽ tiếp tục trong tương lai.
Một số hình ảnh Cầu Chùa (Hội An) và Ngọ Môn (Huế) trước - sau khi làm mới, và di sản Cửu Đỉnh.
Còn nhớ cách đây khoảng 8 năm, dự án trùng tu Ngọ Môn (Huế) từ 2016 - 2019, họ sơn phết, làm mới nhiều hạng mục và dùng công nghệ tẩy sạch hết màu thời gian, khiến cửa Ngọ Môn hiện ra là một toà thành mới toanh trước sự ngơ ngác và tiếc nuối của nhiều người yêu di sản.
Nhưng những người làm văn hoá biện minh rằng họ muốn trả lại cho cửa Ngọ Môn đúng hình hài, nhan sắc của nó như khi mới được sinh ra, tức cách đây gần 200 năm.
Một kiểu lý luận thật khó hiểu. Phải chăng họ không hiểu giá trị tiên quyết, cốt lõi của một công trình kiến trúc cổ nằm ở chỗ nào?
Việc trùng tu, sửa chữa đối với bất kì công trình kiến trúc cổ nào là cần thiết. Vì vạn vật đều bị hư hại, “hoại - không“ theo quy luật, thì công trình kiến trúc cũng không nằm ngoài sự vô thường ấy. Vấn đề là chúng ta phải làm như thế nào, có đúng với tinh thần của trùng tu hay không?
“Trùng tu” là phục chế lại công trình kiến trúc, nghĩa là bằng cách nào đó phải trả lại cho nó đúng vóc dáng, vẻ đẹp của một công trình xưa cũ đã trải qua bao dấu ấn thời gian. Nếu đi chệch khỏi tinh thần này, nghĩa là đã đập cũ xây mới.
Cái đẹp của một công trình kiến trúc cổ, ngoài những kiểu thức, hoạ tiết mĩ thuật, đặc trưng văn hoá của thời kỳ thì chính là yếu tố thời gian. Và có thể khẳng định, chính thời gian mới là yếu tố quyết định. Rõ ràng nếu không có thời gian thì làm sao có thể gọi nó là cổ, hơn thế phải là một khoảng thời gian tương đối dài. Cho nên người ta có lí khi quy ước, định nghĩa “cổ vật” phải là vật đã trải qua từ 100 năm trở lên, cho dù cách hiểu này cũng chỉ tương đối.
Điều quan trọng ở yếu tố thời gian đối với công trình kiến trúc là nó làm nên màu sắc hoài niệm, nó gợi nhớ về những kí ức xa xưa, nó khiến con người ta bình lặng hơn, quên đi những ồn ào của cuộc sống hiện đại. Và rõ ràng, cái gì có nét rêu phong, cổ kính cũng mang lại một vẻ đẹp trầm mặc, hút hồn khó tả. Vẻ đẹp ấy không chỉ tác động đến những con người trầm tĩnh, suy tư và yêu văn hoá xưa, mà ngay cả với những người luôn chạy theo đời sống hiện đại hào nhoáng, chỉ là họ chưa nhận ra chính họ cũng có điều đó. Nhưng chắc chắn rằng khi đứng trước những công trình văn hoá cổ xưa thì ai ai chẳng muốn chụp một tấm hình làm kỷ niệm!
Vậy thì cụ thể, cái gì làm nên nét cổ xưa của một công trình cổ xưa ? Đó chính là cái lớp ten của thời gian mà thuật ngữ gọi là “patine”. Lớp ten này, nó dày mỏng ra sao, phong hoá như thế nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình tích tụ của thời gian lên bản thân sự vật. Tất nhiên, ở đây yếu tố thời gian luôn đi cùng với môi trường, không gian mà sự vật đã ấy tồn tại.
Chưa xét về mặt chất liệu và cấu trúc bên trong của một công trình/ hiện vật là gì, mà trước hết yếu tố bên ngoài bởi lớp ten (patine) này tác động trực tiếp đến thị giác, khiến ta nhận thức đâu là cổ, đâu là mới. Và chính nó mới làm nên hồn cốt của một công trình xưa. Vậy nên mọi lý lẽ biện minh cho sự trùng tù mà cứ như xây mới thì hoặc là ngụy biện, hoặc là nhận thức kém cỏi, sai lệch về cổ vật nói chung, hay những công trình kiến trúc cổ xưa.
Nếu ai đó vẫn cố chấp với tư duy ngụy biện rằng một công trình cổ hay cổ vật dù có làm mới bên ngoài thì nó vẫn cứ là cổ. Vậy dễ thôi, hãy thử tưởng tượng ra viễn cảnh - Cửu Đỉnh ở Huế một ngày nào đó họ (những người làm văn hoá) cũng mang ra đánh cho bay sạch lớp ten đồng xưa cũ để nó được sạch sẽ, sáng lóa, vàng khè thì không biết sẽ như thế nào đây?
Có lẽ khi ấy chúng ta phải sống thêm 200 năm nữa mới có thể tận mắt chứng kiến lại được lớp ten xưa.
Than ôi!
——-
Nha Trang, 28/07/2024
Nguyễn Thanh Huy