Đặt tên mới cho làng, xã kiểu lắp ghép: Sẽ đánh mất ký ức, lịch sử và văn hoá

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ việc sáp nhập, đặt tên mới cho làng, xã nếu không cân nhắc yếu tố lịch sử, văn hoá sẽ gây hậu quả khôn lường.

1 Dat Ten Moi Cho Lang Xa Kieu Lap Ghep Se Danh Mat Ky Uc Lich Su Va Van Hoa

Việc sáp nhập, đặt tên mới xã, phường đang gây xôn xao dư luận. Nguy cơ nhiều tên xã, phường như Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hữu Bằng, Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội)… bị xoá sổ, thay thế bằng những cái tên mới gây ra nhiều ý kiến trái chiều. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ quan điểm với VTC News về vấn đề này.

2 Dat Ten Moi Cho Lang Xa Kieu Lap Ghep Se Danh Mat Ky Uc Lich Su Va Van Hoa

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

- Việc sáp nhập xã, phường và đặt tên cho một đơn vị hành chính mới đang gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua. Xét về khía cạnh văn hóa, ông thấy có điều gì cần lưu ý?

Tôi nghĩ đây là một vấn đề nan giải. Các nhà quản lý có lý do khi sáp nhập các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, việc sáp nhập, đặt tên mới sẽ rất khó vì đó những địa danh này đều gắn liền với những câu chuyện, lịch sử, văn hoá thiêng liêng của mỗi vùng đất.

Cái tên là hồn vía của vùng đất, chứa đựng nhiều ý nghĩa đẹp đẽ, sâu sắc mà không phải ngày một, ngày hai có thể tạo dựng được mà phải trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm. Đôi khi chỉ nhắc đến một địa danh đã đánh thức trong mỗi con người ý thức về dân tộc, văn hoá, nguồn cội, lịch sử.

Nếu chúng ta đặt tên một cách thô cứng, lắp ghép cơ học theo phương pháp ‘1+1 =2’, sẽ đánh mất lịch sử, nền văn hoá, ký ức và sự linh thiêng của một vùng đất. Việc sáp nhập phải có sự tính toán rất kĩ lưỡng.

- Theo ông, việc sáp nhập, đặt tên mới cho xã, phường sẽ kéo theo những biến đổi thế nào trong đời sống, sinh hoạt của cộng đồng?

Tôi nghĩ sự biến đổi lớn nhất là sự giáo dục con người. Mỗi con người sinh ra sẽ được giáo dục trực tiếp về cách sống, tư duy, hành xử thông qua việc tiếp nhận tri thức, ý thức tôn trọng lịch sử, cội nguồn nơi mình sinh ra. Đó là nền giáo dục qua từng ngày từng tháng, từ trong ký ức, hành xử.

Có những người chỉ nhắc đến vùng đất nơi họ sinh ra, ý thức về một cách sống, ý thức với lịch sử, văn hoá, truyền thống đã được xác lập, nâng cao. Cũng như tôi khi trở về ngôi làng của mình, trong những sinh hoạt, nghi lễ, khi nghe tên gọi của dòng họ, quê quán, vùng đất của mình đánh thức tinh thần, đạo lý, truyền thống, kết nối những con người cùng một gia đình, dòng họ…

3 Dat Ten Moi Cho Lang Xa Kieu Lap Ghep Se Danh Mat Ky Uc Lich Su Va Van Hoa

Cái tên Quỳnh Đôi có lịch sử gần 500 năm đã thực sự trở thành một di sản. (Ảnh: Nhật Thanh)

- Thời gian qua, nhiều cái tên mới sau khi sáp nhập xã, phường ra đời đã khiến dư luận phản ứng dữ dội. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Tôi nghĩ phản ứng của người dân là hợp lý và cần thiết. Phản ứng đó không phải thói quen, ngẫu nhiên mà có tư duy. Tên một địa danh đã xác lập một vị thế, đời sống tinh thần, văn hoá của con người. Chúng ta đặt tên mới nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, ý thức và lối sống của con người.

Những cơ quan chủ trương sáp nhập, đặt tên mới cho địa danh phải xem lại rất kĩ lưỡng. Việc hợp nhất các địa danh với nhau sẽ mang lại lợi ích gì về mặt quản lý, có thực sự cấp bách không? Nếu không sáp nhập lại liệu có gây ra hậu quả gì hay ngăn cản sự phát triển của xã hội hay không? Chúng ta cần phải đặt vấn đề một cách kĩ lưỡng và trả lời những câu hỏi đó.

- Theo ông, khi đặt tên mới cho một đơn vị hành chính, chúng ta cần cân nhắc điều gì?

Chúng ta nên cân nhắc các yếu tố lịch sử, văn hoá, nhìn nhận giá trị của tên địa danh như một di sản để có những giải pháp quản lý hiệu quả. Điều này chúng ta có thể học hỏi tư duy quản lý hành chính hiện đại, logic của các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc hay những nước châu Âu.

Với những địa danh dù rất nhỏ bé nhưng mang tính lịch sử, họ có sự giữ gìn thận trọng, thậm chí tìm cách quảng bá, mở rộng vùng ảnh hưởng của các địa danh đó. Họ làm cho những địa danh đó trở nên mạnh mẽ hơn bởi chính cái tên. Những cái tên chứa đựng nhiều vấn đề, đánh thức con người thế hệ sau tiếp tục truyền thống, giữ gìn vẻ đẹp mà vùng đất đó có được.

Chứ không phải chúng ta cứ gói một vài làng, xã, huyện vào thành một và đặt tên mới. Điều này không cho thấy sự quản lý, điều hành, phát triển tốt. Phát triển phải dựa trên nền tảng văn hoá, địa lý, lịch sử, truyền thống dân tộc.

4 Dat Ten Moi Cho Lang Xa Kieu Lap Ghep Se Danh Mat Ky Uc Lich Su Va Van Hoa

Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An nổi tiếng là làng khoa bảng, quê hương “Bà chúa thơ Nôm” sẽ bị đổi tên trong lần sáp nhập này. (Ảnh: VOV)

- Những người làm công tác quản lý nên làm gì khi đưa ra những đề xuất này?

Tôi nghĩ việc tham vấn cộng đồng là rất cần thiết. Chúng ta cần xin ý kiến của những nhà văn hoá, những người nghiên cứu lịch sử, và đặc biệt là người dân,…một cách cẩn trọng, kĩ lưỡng khi đề xuất và quyết định tên gọi mới.

Điều này không chỉ giúp cho những nhà quản lý điều hành đất nước có được quyết định đúng đắn mà còn thể hiện sự tôn trọng quan điểm và nguyện vọng của những người sống trong khu vực đó.

Lê Chi

Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN

Bài liên quan