Với các "khóa tu" như đang nở rộ trong mươi năm qua, điều chúng ta có thể cảm nhận được rõ ràng nhất chính là tình trạng tiền mất, tật mang.
1. Rộ các "khóa tu Mùa hè"
Với những "giáo lý" kiểu cúng nhà, cúng chùa giàu, cúng 1 tỉ được 500 tỉ, giao dịch với chư thiên, v.v., các "khóa tu mùa hè" ở những chùa to đang có hàng vạn học sinh tham gia là điều bất thường thứ nhất và rất đáng lo lắng.
Có ai quản lý nội dung và hoạt động của các khóa giảng này không?
Và di hại để lại trong nhận thức, thái độ và tâm hồn thế hệ trẻ, ai sẽ phải chịu trách nhiệm và ai là người lãnh nhận hậu quả?
2. Thiếu trường, thiếu giáo viên, thiếu sân chơi cho trẻ..., nhưng chùa chiền thương mại thì mọc lên khắp nơi.
Có một dòng tiền khổng lồ đang không ngừng đổ vào các chùa này như một dạng đầu tư tâm linh bởi những thao túng, mê dụ của các "CEO chùa" dưới mỹ từ cúng dường.
Đó là điều bất thường thứ 2.
Ở các nước tiên tiến, hệ thống giáo dục tư thục phát triển rất mạnh và trở thành chủ đạo, trong đó trường học của các tôn giáo giữ một vai trò quan trọng.
Nếu tiền cúng dường vô thiên lủng kia được phụ huynh và xã hội dành cho giáo dục thì chúng ta đã không phải đánh cược với những lời hứa xằng; ngược lại sẽ là khoản bảo hiểm tương lai được đầu tư một cách có hiểu biết và đầy ánh sáng phía trước.
Và do đó, đang gián tiếp từ chối trách nhiệm xã hội, đồng thời giao nó cho những trò đỏ đen được không ít chủ sòng mặc áo thầy tu điều hành một cách đầy tính "chuyên nghiệp".
Nhà giáo Thái Hạo