Trung bình một người dành 7 giờ mỗi ngày trên màn hình điện thoại bất chấp cảnh báo về những nguy hiểm đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Dễ gặp nhất là những căn bệnh như mỏi mắt, đau cổ vai gáy, ngủ không ngon giấc, căng thẳng, căng cơ và suy giảm chức năng tay là một số triệu chứng do sử dụng quá nhiều màn hình và thiết bị trong thời gian dài.
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hoặc bạn cảm thấy việc nhìn chằm chằm vào màn hình chiếm quá nhiều thời gian trong cuộc sống, thì những lời khuyên sau về cách giành lại quyền kiểm soát công nghệ có thể giúp ích cho bạn.
Ảnh minh họa: CNBC
Tập đặt thiết bị xuống một cách có ý thức
Để chúng khuất tầm nhìn và cất đi khi bạn không sử dụng, đặc biệt là vào ban đêm. Loại bỏ chúng khỏi phòng ngủ, dùng một chiếc đồng hồ báo thức (để bạn không sử dụng đồng hồ báo thức trên điện thoại) và bạn sẽ ngủ ngon hơn khi ngừng lướt điện thoại vào đêm khuya. Hãy bỏ thói quen xem tivi với chiếc điện thoại bên cạnh. Chỉ cần tập trung vào một việc tại một thời điểm mà không bị phân tâm bởi một màn hình khác.
Giới hạn thời gian nhìn vào màn hình
Quá nhiều thời gian trên màn hình có thể khiến bạn đau đầu. Hãy chú ý đến cách bạn sử dụng công nghệ và tận dụng các tính năng như ghi chú bằng giọng nói, cho phép bạn cập nhật thông tin liên lạc mà không cần nhìn chằm chằm vào màn hình trong thời gian dài.
Ngừng những phiền nhiễu kỹ thuật số
Sự gián đoạn liên tục có thể gây ra căng thẳng về thể chất và tinh thần. Tắt thông báo và cảnh báo khi bạn muốn tập trung hoàn toàn vào một nhiệm vụ. Và giữ điện thoại của bạn xa khỏi bàn làm việc. Nghiên cứu cho thấy rằng để điện thoại ở gần, ngay cả khi nó không kêu, đổ chuông hay tắt nguồn, vẫn có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của bạn.
Sắp xếp khoảng thời gian không công nghệ
Trầm cảm và lo âu là một trong những hậu quả của tình trạng quá tải kỹ thuật số. Vì vậy, thoát ra khỏi thế giới ảo trong một thời gian là rất quan trọng. Đi dạo giữa thiên nhiên, đọc sách, đạp xe: hãy làm bất cứ điều gì khiến bạn rời xa màn hình trong một thời gian.
Làm cho màn hình dễ nhìn hơn
Việc lạm dụng màn hình có thể làm căng mắt và ảnh hưởng đến thị lực của chúng ta. Đừng cố nhìn vào màn hình nhỏ để thực hiện công việc sẽ được thực hiện tốt hơn trên màn hình lớn như của máy tính. Giảm ánh sáng xanh trên thiết bị và tận dụng tất cả các tính năng trợ năng hữu ích khác. Hãy bắt đầu bằng cách sử dụng màn hình chống chói, và cũng nên nhớ đảm bảo âm lượng ở mức an toàn.
Kiểm soát tình trạng quá tải thông tin
Sắp xếp điện thoại, máy tính và máy tính bảng của bạn để có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả. Một số ứng dụng có thể giúp bạn chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và làm việc bình tĩnh, hiệu quả hơn. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng giúp theo dõi và đo lượng thời gian bạn đang sử dụng (hay lãng phí) trên màn hình của mình. Chúng ta có thể lấy lại quyền làm chủ đối với các thiết bị kỹ thuật số khi chủ động hơn trong việc sử dụng chúng.
Ngồi đúng tư thế
Cúi người xem điện thoại hoặc khom lưng trước máy tính xách tay sẽ gây hại cho cổ và lưng của bạn. Hãy ngồi thẳng lưng, vươn vai thường xuyên và tập thể dục, nhưng đừng dùng điện thoại.
Bảy mẹo này sẽ giúp bạn lấy lại cảm giác kiểm soát cuộc sống số của mình. Quan trọng là phải rõ ràng về những khoảng thời gian riêng để sử dụng thiết bị kỹ thuật số và những thời điểm không điện thoại.
Tuy nhiên cũng nên tận hưởng những điều kỳ diệu của công nghệ và sử dụng chúng một cách có ý thức. Hãy coi mình là người dùng, thay vì là một nạn nhân kỹ thuật số.
Đức Anh (Theo CNBC)
Nguồn: VNEXPRESS.NET