Đó là những chiếc xe đã hoàn thành "sứ mệnh" chạy thử nghiệm hoặc làm mẫu, trước khi BMW tung sản phẩm mới ra thị trường.
Trung tâm Tái chế và Tháo dỡ của tập đoàn BMW (RDC) được thành lập từ năm 1994, là nơi xử lý những chiếc xe tiền sản xuất, dùng để làm mẫu và thử nghiệm, không đủ điều kiện để bán ra thị trường.
RDC là trung tâm tái chế ô tô lớn nhất nước Đức. Nó không chỉ phá dỡ xe BMW, mà còn tái chế các bộ phận còn dùng được, nhằm giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường. Để có thể tái chế nhanh chóng và hiệu quả các bộ phận có giá trị của xe cần sự tính toán kỹ lượng về quy trình.
Ô tô đời mới chứa từ 1,5 đến 3km dây cáp các loại, chủ yếu được làm bằng đồng, có giá trị kinh tế không nhỏ. Nhiều bộ phận trong ô tô được làm bằng nhôm, bộ lọc khí thải chứa platinum, rhodium và palladium. Tất cả đều có thể tái chế.
Quy trình tháo dỡ xe bắt đầu bằng việc kích hoạt túi khí (trước tiên là túi khí trước, rồi mới tới túi khí bên), bộ căng dây đai an toàn và cuối cùng là ắc-quy.
Thợ máy cũng sẽ loại bỏ tất cả chất lỏng như xăng dầu, nhớt, chất làm mát, nước rửa kính để tái sử dụng.
Những phần còn lại của chiếc xe sẽ được tháo dỡ đúng quy trình, với từng bộ phận được phân loại cẩn thận để tái chế một cách hiệu quả nhất có thể. Riêng với xe điện, đầu tiên là họ sẽ tháo pin.
Các bộ phận không thể tái sử dụng sẽ được chiếc máy khổng lồ ép lại thành các khối vuông vức như chiếc tủ lạnh và chuyển tới các công ty tái chế khác để xử lý tiếp.
Theo quy định ở Đức, mỗi chiếc xe phải đáp ứng tiêu chuẩn là có ít nhất 85% bộ phận có thể tái chế và 95% có thể xử lý hoặc tiêu hủy. Do đó, những phản hồi từ RDC sẽ cho các nhà thiết kế của BMW biết cần sử dụng những vật liệu nào để có thể sản xuất một chiếc xe tối ưu cả về mặt tái chế.
Ảnh: BMW