Twitter từng là công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán, cho đến khi Elon Musk mua lại và biến thành công ty tư nhân. Giờ đây, Elon Musk tiếp tục gây sốc khi "khai tử" luôn công ty Twitter.
Twitter sẽ không còn tồn tại dưới tư cách một công ty độc lập, mà Elon Musk đã quyết định sáp nhập Twitter vào một tập đoàn có tên gọi X Holdings Corp.
X Holdings Corp là tập đoàn mới được Elon Musk thành lập để trở thành tập đoàn mẹ trong tương lai của những công ty mà Musk đang sở hữu, bao gồm Twitter, Tesla, SpaceX, Neuralink và The Boring Company.
Elon Musk đã có hàng loạt quyết định gây sốc sau khi mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD vào cuối năm ngoái (Ảnh: Getty).
Việc thành lập tập đoàn X Holdings Corp và sáp nhập các công ty con, bao gồm Twitter, chưa được Elon Musk chính thức công bố, nhưng thông tin về tập đoàn này mới được công khai thông qua hồ sơ nộp lên tòa án bang California về vụ kiện của nhà hoạt động chính trị cực hữu Laura Elizabeth Loomer nhằm vào mạng xã hội Twitter.
"Công ty Twitter đã được sáp nhập với tập đoàn X Corp và không còn tồn tại", hồ sơ của tòa án cho biết. "X Corp là một tập đoàn tư nhân. Công ty mẹ của nó là X Holdings Corp".
Elon Musk đã ngầm xác nhận thông tin về việc mình thành lập tập đoàn mới khi đăng tải lên trang Twitter cá nhân đoạn thông điệp với nội dung đơn giản: "X". Trong khi đó, Twitter chưa đưa ra bình luận gì về thông tin công ty này đã bị "khai tử".
Trước đó, Elon Musk đã từng sở hữu tên miền trang web x.com từ năm 1999 và có vẻ như đây là thời điểm thích hợp để tên miền này bắt đầu hoạt động.
Vào tháng 10/2022, khi Elon Musk quyết định chi ra 44 tỷ USD để thâu tóm mạng xã hội Twitter và biến Twitter trở thành công ty tư nhân, thay vì công ty đại chúng có niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Elon Musk đã từng tuyên bố: "Mua Twitter là động lực thúc đẩy để tạo ra X, một ứng dụng cho tất cả mọi thứ. Twitter có thể đẩy nhanh X trong vòng 3 đến 5 năm, nhưng có thể tôi sẽ sai".
Về cơ bản, việc công ty Twitter sáp nhập vào một tập đoàn mới của Elon Musk sẽ không làm ảnh hưởng đến việc hoạt động của mạng xã hội Twitter, cũng như không ảnh hưởng gì đến người dùng hiện tại, nhưng động thái này cho thấy tham vọng sắp tới của Elon Musk, đó là biến Twitter trở thành một siêu ứng dụng với nhiều chức năng khác nhau, thay vì chỉ đơn thuần là một mạng xã hội như hiện tại.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan sát thị trường vẫn đang hoài nghi về khả năng Elon Musk có thể biến Twitter trở thành một siêu ứng dụng với nhiều chức năng khác nhau, bao gồm mạng xã hội, các dịch vụ trực tuyến cơ bản như thanh toán, chuyển tiền hay đặt xe…
"Vấn đề ở đây là nhiều người dùng tại Mỹ và phương Tây không có thói quen sử dụng các siêu ứng dụng với nhiều chức năng khác nhau. Họ thích sử dụng các ứng dụng với từng chức năng riêng biệt", chuyên gia nghiên cứu thị trường Matt Navarra nhận xét.
Trước đó, WeChat, một siêu ứng dụng với nhiều tính năng được tích hợp đã gặp không ít khó khăn và về cơ bản là thất bại khi mở rộng sang thị trường phương Tây, dù ứng dụng này vẫn rất thành công và được yêu thích tại Trung Quốc.
"Liệu Twitter có trở thành một siêu ứng dụng cho phép người dùng mua hàng, trò chuyện với bạn bè, cập nhật tin tức, đặt xe taxi…? Rất có thể. Liệu Elon Musk có thể giúp siêu ứng dụng này hoạt động? Có khả năng. Liệu siêu ứng dụng này có thành công? Không ai biết được", Matt Navarra chia sẻ thêm.
Theo IDP/TG
Nguồn: Báo điện tử Dân trí