San Francisco cấm cảnh sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt

Ngày 14/5, San Francisco đã trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ cấm cảnh sát và các cơ quan chính phủ khác sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

132 1 San Francisco Cam Canh Sat Su Dung Cong Nghe Nhan Dang Khuon Mat

Ảnh minh họa. Nguồn: scmp.com

Có tới 8 trong số 9 thành viên của ban lãnh đạo thành phố San Francisco ủng hộ thông qua luật này. Theo luật mới, xu hướng sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt gây nguy hiểm cho quyền lợi và tự do công dân nhiều hơn là những lợi ích đem lại.

Luật nêu rõ công nghệ này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng phân biệt bất công, đe dọa đến khả năng được sống tự do, tránh khỏi sự giám sát không ngừng của chính phủ.

Đây là một phần trong dự luật lớn hơn nhằm thiết lập chính sách sử dụng và kiểm tra hệ thống giám sát, tạo ra rào cản lớn hơn và đòi hỏi phải có sự thông qua của hội đồng thành phố đối với bất kỳ đề nghị sử dụng nào.

Luật mới nhấn mạnh việc bất kỳ cơ quan nào lấy về, lưu giữ, tiếp cận hoặc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt hay thông tin từ công nghệ này đều là bất hợp pháp. Luật không bao gồm sân bay và các cơ sở khác của chính quyền liên bang.

Những người phản đối luật mới cho rằng công nghệ nhận dạng có thể giúp cảnh sát chống tội phạm và đảm bảo an ninh. Mặc dù công nghệ này được đánh giá là đắc lực trong việc giúp cảnh sát bắt giữ tội phạm nguy hiểm, song cũng phải hứng chịu chỉ trích về việc xác nhận nhầm danh tính.

Tổ chức Liên đoàn Tự do công dân Mỹ nêu rõ công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể được sử dụng cho mục đích giám sát chung khi kết hợp với máy quay công cộng, và thậm chỉ là âm thầm được sử dụng mà không được đối tượng biết đến, chấp thuận hay tham gia. Tổ chức này cảnh báo nguy cơ lớn nhất hiện tại là công nghệ này sẽ được sử dụng cho hệ thống giám sát chung mà không bị nghi ngờ.

Một lệnh cấm tương tự cũng đang được cân nhắc tại thành phố Oakland, khi chính quyền quan ngại công nghệ này tiềm ẩn nguy cơ khiến người vô tội bị xác nhận nhầm thành tội phạm cũng như có thể xâm phạm cuộc sống riêng tư của người dân./.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan