Ông Ugur Sahin, CEO điều hành của công ty điều chế thành công vaccine COVID-19 có hiệu quả tới 90%, là một nhà nghiên cứu, phát minh lớn, với hơn 60 bằng sáng chế độc lập trong các lĩnh vực khoa học đời sống và công nghệ sinh học khác nhau.

132 1 Chan Dung Ceo Cong Ty Duc Sang Che Thanh Cong Vaccine Covid 19 Co Hieu Qua 90

Ông Ugur Sahin và vợ. Ảnh: AP.

Thông tin về vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (trụ sở tại Đức) có hiệu quả thử nghiệm lên tới hơn 90% đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ ngập sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tuần. 

Pfizer và BioNTech hi vọng loại vaccine này sẽ được giới chức Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp quy mô rộng cho những người 16-85 tuổi. Để làm được điều đó, các hãng này cần cung cấp các dữ liệu chứng minh an toàn với ít nhất 50% trong tổng số 43.000 tình nguyện viên tham gia.

Nếu được cấp phép, hai hãng này khẳng định đủ sức sản xuất 50 triệu liều vaccine trước cuối năm nay và 1,3 tỉ liều trong năm 2021.

Cổ phiếu của BioNTech đã tăng tới 23,4% vào sáng 9/10 (theo giờ địa phương). Tổng giá trị cổ phiếu của BioNTech hiện là 21,9 tỷ USD (16,6 tỷ bảng Anh), gấp hơn 4 lần so với hãng vận tải quốc gia Đức Lufthansa. Đây là chiến thắng vô cùng lớn đối với một công ty chỉ mới ra mắt trên thị trường chứng khoán Mỹ một năm trước.

Được thành lập vào năm 2008 bởi các nhà khoa học Özlem Türeci, Ugur Sahin và bác sĩ người Áo Christoph Huber. Ban đầu công ty đặt mục tiêu phát triển các loại liệu pháp miễn dịch mới chống lại ung thư, điều chỉnh tế bào T của bệnh nhân để nhắm mục tiêu các kháng nguyên đặc hiệu ung thư.

Khi tin tức về virus corona lần đầu tiên xuất hiện vào đầu 2020, BioNTech, công ty với 1.300 nhân viên, đã nhanh chóng phân bổ lại các nguồn lực của mình. 

Ông Sahin cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng 10 rằng công ty có thể tự phát triển một loại vaccine, nhưng họ sẽ phải vật lộn với thách thức về việc phân phối.

132 2 Chan Dung Ceo Cong Ty Duc Sang Che Thanh Cong Vaccine Covid 19 Co Hieu Qua 90

Vaccine COVID-19. Ảnh: AP.

Pfizer, công ty đã hợp tác với BioNTech về vaccine cúm từ năm 2018, đã trả trước 185 triệu USD để phát triển vắc xin COVID-19. Pfizer sẽ chi thêm 563 triệu USD khi quá trình phát triển hoàn tất.

Chân dung giám đốc điều hành của BioNTech

Ông Ugur Sahin sinh năm 1965, ở Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ. Khi ông được bốn tuổi, gia đình ông di cư đến Đức, nơi cha ông làm việc trong một nhà máy sản xuất ô tô của Ford. 

Ông học y khoa tại Đại học Cologne và tốt nghiệp năm 1990, sau đó lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1993. Sau 8 năm nội trú tại Bệnh viện Đại học Saarland, ông làm việc tại Đại học Mainz vào năm 2000, nơi ông trở thành giáo sư vào năm 2006.

Ông kết hôn với người vợ hiện tại của mình, Ozlem Tureci, vào năm 2002 và sau đó sinh một bé gái.

Ngoài vai trò là giáo sư và bác sĩ thực hành tại Bệnh viện Đại học Mainz, ông Şahin đã thành lập và tham gia vào nhiều công ty trong suốt sự nghiệp của mình. 

Năm 2001, ông thành lập Ganymed Pharmaceuticals, công ty phát triển liệu pháp miễn dịch ung thư và được Astellas Pharma mua lại vào năm 2016.

Kể từ năm 2000, ông Sahin là người đứng đầu một nhóm nghiên cứu ung thư độc lập tại Bệnh viện Đại học Mainz. Ông đồng sáng lập GANYMED Pharmaceuticals AG, từng giữ vị trí Giám đốc Y tế và là Thành viên Ban Cố vấn Khoa học. 

Ông Sahin cũng giữ vai trò người đồng phát triển công nghệ SEREX và MicroGATE™ được sử dụng trong công cụ phát hiện nhận dạng mục tiêu của GANYMED. 

Ông Sahin là một nhà nghiên cứu, nhà phát minh lớn, với hơn 60 bằng sáng chế độc lập trong các lĩnh vực khoa học đời sống và công nghệ sinh học khác nhau, 

Ông trở thành người đồng sáng lập của BioNTech vào năm 2008 và giữ chức vụ giám đốc điều hành cho tới nay.

Năm 2010, ông Sahin thành lập Viện nghiên cứu dịch chuyển TRON và vẫn giữ vai trò giám đốc sáng lập. 

Mục tiêu của ông Sahins là chuyển các ý tưởng khoa học thành những sáng tạo giúp ích cho từng bệnh nhân. Đối với công việc của mình, ông Sahin đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở một số quốc gia. Năm 1995, ông nhận được cả Bằng khen của Hiệp hội Ung thư Mỹ và Giải thưởng Vincenz Czerny của Hiệp hội Bệnh ung thư máu Đức vì đã xác định được một kháng nguyên mới trên tế bào ung thư hạch. 

Sau đó, ông tiếp tục nhận giải thưởng Nghiên cứu Calogero-Paglierello năm 1997, Giải thưởng Georges Köhler của Hiệp hội Miễn dịch học Đức năm 2005 và Giải thưởng GoBio của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF) ( cả hai năm 2006 và 2010). Các giải thưởng mà ông Sahins nhận được gần đây nhất là giải thưởng STEP năm 2011 và giải thưởng BMBF Spitzencluster cho các dự án của TRON.

Mộc Miên (Theo Guardian, ISCOMS)

Nguồn: doisongphapluat.com