VTV3 cũng chưa tổng kết xem bao nhiêu em được giải trở thành tài năng, đóng góp cho lĩnh vực nào, được tôn vinh ra sao.
Thí sinh thông minh nhưng người tài thì chưa phải
Liên quan đến sự việc, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) gần đây có những phát ngôn lệch chuẩn, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, chúng ta có thể thông cảm cho những điều bồng bột của tuổi trẻ đang ở vị thành niên nhưng các em phải biết tự chịu trách nhiệm về những việc làm, lời nói chưa chuẩn xác của mình.
Với các nhà trường, nhất là trường chuyên phải thật sự rút ra kinh nghiệm về giáo dục đạo đức, lối sống một cách hiệu quả chứ không chỉ tập trung vào các bộ môn và các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Nam sinh C.N.Q.V, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) từng giành chiến thắng tại cuộc thi tuần 3, tháng 1, năm 2024 chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Sau đó, nam sinh này có phát ngôn lệch chuẩn, gây bức xúc cho nhiều người.
Cũng theo TS Lâm, Chương trình Đường lên đỉnh Olympia nhiều năm nay được học sinh các trường hưởng ứng, cha mẹ học sinh ủng hộ. Đây là chương trình đắt khách của VTV3.
Học sinh tham dự tuần, tháng, quý, chung cuộc đem giải về không chỉ cho bản thân, mà còn là niềm tự hào cho mỗi nhà trường, địa phương. Do đó chương trình có sức lan toả rất lớn. Các em thắng giải được nhà trường, địa phương khen thưởng là rất xứng đáng.
Đặc biệt, những em về nhất vòng chung kết năm được trao học bổng, đi nước ngoài cũng rất tốt. Nếu chương trình chỉ là 1 games show như bao chương trình khác thì chúng tôi không bàn luận nhưng hiện nay học sinh, phụ huynh và nhiều người lại coi đây là những chàng trai, cô gái tài năng của đất nước thì không phải.
"Có thể nói rằng, giáo dục trong các nhà trường lâu nay mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức cho người học, nặng về lý thuyết, rao giảng đạo lý mà không giúp các em cọ xát, trải nghiệm thực tế để hiểu cần làm gì hay vì sao phải làm điều đó", TS Nguyễn Tùng Lâm.
"VTV3 cũng chưa tổng kết xem bao nhiêu em được giải trở thành tài năng, đóng góp cho lĩnh vực nào, được tôn vinh ra sao. Căn cứ vào các phần thi của chương trình, chúng tôi thấy cuộc thi mới đánh giá được trí thông minh lo gic của học sinh còn người tài, ngoài chỉ số thông minh còn có cả các chỉ số cảm xúc và sáng tạo.
Nếu VTV3 làm được việc sau cuộc thi tuyển chọn người tài cho đất nước thì quá tuyệt vời. Để làm được như vậy, có lẽ, nhà đài phải nhờ chuyên gia thiết kế lại chương trình phù hợp hơn", TS Tùng Lâm nói.
Ông cũng cho rằng, học sinh trường chuyên ở Yên Bái đã từng chiến thắng ở cuộc thi này, chúng ta cũng chỉ coi em là một học sinh thông minh bình thường như bao học sinh giỏi khác hiện nay để đừng đặt lên vai em nhiều kỳ vọng, trách cứ.
Thực tế nặng lý thuyết, rao giảng đạo lý
TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, hiện nay môn Giáo dục công dân được đưa vào trường học từ lớp 1 ở bậc tiểu học. Ở các cấp học lớn hơn học sinh cũng được dạy kiến thức, hiểu biết về kinh tế, pháp luật. Thông qua các môn học khác như: Lịch sử, giáo dục An ninh Quốc phòng, Giáo dục địa phương… các em cũng được giáo dục về lịch sử dân tộc, tinh thần yêu quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, có thể nói rằng, giáo dục trong các nhà trường lâu nay mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức cho người học, nặng về lý thuyết, rao giảng đạo lý mà không giúp các em cọ xát, trải nghiệm thực tế để hiểu cần làm gì hay vì sao phải làm điều đó.
Các cuộc thi, hoạt động khác cũng được phát động nhiều trong nhà trường dưới mác giáo dục đạo đức học sinh nhưng thử hỏi mấy em hiểu và mong muốn làm theo.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.
Trong khi nhân cách, kỹ năng của học sinh phải được dần dần hình thành qua chuỗi hành động. Nghĩa là các em phải được trải qua điều đó trong thực tế và hành xử như thế nào chứ không phải chỉ ngồi nghe thầy cô nói cần phải làm gì.
Bức thiết đổi mới giáo dục đạo đức học sinh
Từ thực tế giáo dục đạo đức học sinh khô cứng, rao giảng đạo lý đó, TS Lâm cho rằng, giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng học sinh cần gắn cả lý thuyết với thực tiễn.
Ông lấy ví dụ, học sinh trường chuyên hay học sinh giỏi, có tài năng tại sao không tổ chức hoạt động cho các em đến những nơi khó khăn, hải đảo xa xôi để từ cảm nhận, thấu hiểu, thôi thúc ý chí, quyết tâm sáng tạo, cống hiến…
Môn Giáo dục công dân nói riêng và giáo dục chính trị, đạo đức học sinh cần phải là một môn học mở, gắn liền với thực tế gần gũi với học sinh. Dạy cho các em biết yêu thương, tôn trọng các mối quan hệ, biết cách hành xử trong từng tình huống cụ thể rất đơn giản như: gặp ai phải biết chào hỏi, bố mẹ đi làm về phải biết quan tâm, hỏi han xem có mệt không…
Dạy trẻ từ những điều nhỏ nhặt, dần hình thành thói quen, kỹ năng sống và cũng chính những điều nhỏ nhặt đó sẽ giúp trẻ trở thành những người không vô cảm.
Giáo dục cảm xúc xã hội phải thường xuyên rèn luyện cho trẻ từ bậc mần non đến cấp học phổ thông và luôn gắn với cuộc sống gia đình, xã hội nơi trẻ trưởng thành. Chương trình giáo dục này không chỉ nâng đỡ, nuôi dưỡng một cách tự nhiên mà tạo cho trẻ nhiều kỹ năng sống, hình thành những giá trị sống cao đẹp.
Thực tế, xã hội hiện nay, vẫn còn có những hạn chế, chúng ta đã chứng kiến đâu đó nhiều sự vô cảm đáng sợ là do chương trình giáo dục lâu nay không gắn với đời sống thực tế của trẻ. Đó là điều giáo dục nên lưu ý ngay từ khi học sinh đang trên ghế nhà trường.
Từ các tình huống ứng xử với nhau hàng ngày, chính các em được trải nghiệm, va đập, xử lý, từ đó yêu cầu các em suy nghĩ về đúng, sai, được trao đổi tranh biện và tự rút ra những bài học thực tế để làm phong phú hơn kinh nghiệm sống, giá trị sống cho mỗi người. Thầy cô là người điều chỉnh, định hướng hành vi đúng. Qua mỗi tình huống, học sinh sẽ có một bài học sâu sắc về ứng xử, về giá trị sống.
Ông Lâm nhấn mạnh: " Giáo dục đạo đức, tư tưởng cho học sinh làm sao giúp các em không chỉ biết phải làm gì cho đúng mà còn phải có cảm xúc, tha thiết mong muốn mình phải thực hiện được điều đó. Và đặc biệt phải tìm cách có những việc làm, hành vi để những điều mình mong muốn thành hiện thực trong cuộc sống. Không chỉ nói đúng, nói hay mà còn phải biết làm giỏi".
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT