Do mới triển khai, mô hình “đi chợ hộ” bộc lộ nhiều lúng túng, nảy sinh những tình huống mà cả cán bộ đi mua hàng hộ lẫn người dân không mong muốn.
Kết hợp công nghệ, trong đó có liên lạc qua Zalo nhưng công việc của các thành viên, theo anh Đặng Thanh Tòng, Bí thư Đoàn phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) vẫn rất vất vả.
Hiện Bình Trưng Đông có khoảng 150 hộ cần đi chợ hộ mỗi ngày. Riêng Đoàn thanh niên sẽ nhận khoảng 100 đơn hàng cùng sự phối hợp của Hội liên hiệp phụ nữ. Tổ chốt đơn sẽ làm việc tại nhà để nghe điện thoại tiếp nhận thông tin từ người dân và lên đơn. Sau đó, tổ giao hàng mang đơn đến các siêu thị, phối hợp cùng nhân viên siêu thị lựa chọn, thanh toán và giao đến tận tay người dân.
Địa phương này không áp dụng mua hàng theo combo mà cho người dân đặt sản phẩm mình mong muốn. Một thành viên cho biết, đôi khi đến tận khuya, người dân vẫn nhắn tin “cháy máy”, họ phải liên tục canh chừng điện thoại để tránh bị sót đơn yêu cầu.
Với địa phương chưa kết hợp công nghệ, cán bộ phụ trách in các mẫu yêu cầu, phát tay cho người dân. Sau khi điền xong, người dân chụp lại và gửi cho các đầu mối. Cách làm này được nhiều người dân góp ý tốn thời gian, vừa cực công cho các cán bộ phụ trách.
Các thành viên đội hình đi chợ hộ phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) đang thống kê đơn hàng của người dân. Ảnh: Tất Đạt
Thiếu sự đồng bộ giữa các siêu thị, cửa hàng với cán bộ đi chợ hộ cũng là một vấn đề, đặc biệt với địa phương không áp dụng mua hàng theo combo. Nhận gần 10 đơn vào đầu buổi sáng, An và Khuyên di chuyển đến các cửa hàng VinMart+, Bách Hóa Xanh, Co.op Food để soạn sản phẩm.
Đây là ngày thứ ba họ thực hiện mô hình “đi chợ hộ”. Ngoài việc phải chú ý lựa chọn thực phẩm tươi, họ mất nhiều thời gian trao đổi với người dân khi sản phẩm theo yêu cầu đã hết hàng. Một số trường hợp, người dân khó tính, họ phải chọn đi chọn lại nhiều sản phẩm, thuyết minh đặc tính, công dụng hay thương hiệu mới có thể thêm vào giỏ hàng.
Ngay cả các nhóm đặt hàng online của các điểm bán cũng xảy ra tình trạng này. Một nhân viên của VinMart+ cho hay, do công tác vận chuyển còn khó khăn nên họ khó nắm rõ lượng hàng về điểm bán trong ngày. Ngoài ra, do người dân lên đơn yêu cầu vào ngày hôm trước, đến sáng hôm sau cửa hàng mới có thể soạn đơn nên có tình huống, sản phẩm còn hàng vào lúc khách lên đơn nhưng đến khi nhân viên soạn hàng lại không có vì đã bán hết cho các đơn trước đó.
Đại diện VinCommerce, chủ quản hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ cho biết, đã ghi nhận tình trạng các xe tải chở hàng hóa, thực phẩm thiết yếu không qua được một số chốt kiểm soát tại các phường, quận trong TP HCM.
Nhiều xe chở hàng phải quay đầu về kho, dẫn tới việc bổ sung hàng hóa thực phẩm cho các siêu thị cửa hàng gặp khó, xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ.
Chị Khuyên đang gọi điện trao đổi với người dân khi sản phẩm theo yêu cầu đã hết hàng. Ảnh: Tất Đạt
Vất vả từ khâu soạn đơn, chọn sản phẩm nhưng đến khâu giao hàng, các thành viên đội hình đi chợ hộ đối mặt với nguy cơ bị “bom” tiền và hàng. Chiều 23/8, chị An nhận được đơn mua thuốc gấp từ một phụ huynh có con bị đau bụng dữ dội. Chị ghé nhiều nhà thuốc hỏi mua nhưng đều không có loại thuốc như yêu cầu. Chạy đi tìm rất lâu chị mới thấy đúng loại thuốc đó. Trên đường giao hàng, chị nhận được cuộc gọi từ người dân báo không cần mua nữa vì họ đã tự tìm được.
Tương tự, một đội hình khác cũng bị “bom” đơn hàng có giá trị hơn 400.000 đồng. Đứng trước cổng chung cư người nhận, dù cán bộ phụ trách gọi điện hàng chục cuộc nhưng vẫn không được phản hồi. Mãi đến chiều cùng ngày, người đặt đơn mới nhắn tin xin lỗi với lý do “đặt thử xem có được đi chợ hộ thật không”, chứ không muốn mua hàng.
Thực tế, về phương thức thanh toán, các đội hình đi chợ hộ tại TP HCM đang triển khai nhiều cách. Với những nơi bán hàng theo combo, người dân sau khi đặt xong sẽ chuyển khoản, thanh toán trước cho cán bộ hoặc nhân viên cửa hàng phụ trách. Sau khi tiền chuyển về tài khoản, đơn hàng mới được chấp nhận.
Nhưng một số địa bàn khác lại chọn phương thức linh hoạt cho người dân đặt cọc, dao động từ 200.000-300.000 đồng hoặc ứng tiền trước. “Chúng tôi không cứng nhắc chỉ làm theo một hình thức. Người nghèo làm gì có tiền trong tài khoản mà chuyển khoản, cũng không đủ tiền để mua combo”, Bí thư Đoàn phường Bình Trưng Đông nói thêm.
Với phương thức này, khi nhận đi chợ hộ, cán bộ phụ trách sẽ tự trả tiền trước cho các đơn hàng. Đến khi người dân nhận được, họ mới chuyển khoản trả lại. Vì thế, nguy cơ bị bùng đơn là vấn đề thường trực. Hơn nữa, các đơn hàng thường có giá trị cao. Tại phường Bình Trưng Đông, đa số các từ 500.000 – 700.000 đồng, với những hộ có nhiều thành viên thì đơn hàng có thể lên đến hai triệu đồng.
Một người dân đang chuyển khoản số tiền đi chợ hộ cho cán bộ phụ trách. Ảnh: Tất Đạt
Mô hình đi chợ hộ còn xuất hiện việc một số địa phương cục bộ áp dụng các quy định cứng nhắc.
Anh Quân sống tại Pegasuite (phường 6, quận 8) cho hay, chung cư anh có GS25, Vinmart + và Co.op Food. Đến ngày 23/8, cửa hàng Vinmart + vẫn còn nhận đặt trực tuyến của dân cư và sẽ được bảo vệ hỗ trợ giao lên căn hộ.
Tuy nhiên, sau đó ban quản lý cho biết phường 6 gửi công văn yêu cầu siêu thị chỉ được bán kết hợp theo combo và họ cũng chia ngày bán theo tầng. Theo anh, quy định mới không hợp lý vì siêu thị đầy đủ hàng hóa và đủ khả năng chuẩn bị đơn linh hoạt, không cần ép người dân mua theo combo. Từ 23/8 về trước, các siêu thị vốn đã tổ chức bán từ xa khoa học, nhận đặt hàng từ 18h đến 9h sáng hôm sau. Sau đó, họ soạn hàng đến 17h để đưa bảo vệ đi giao.
“Mọi thứ đều tốt đẹp cho đến khi có văn bản cứng nhắc xuất hiện, nhất là quy định chỉ được đặt mua đúng theo ngày chia tầng”, anh Quân nói và cho biết tầng anh ở chỉ có hai cơ hội được mua hàng, với ngày gần nhất là 30/8 tới.
Cũng áp dụng mua hàng theo combo, phường 2 (Phú Nhuận) phát phiếu đăng ký cho người dân nhưng chỉ với một combo duy nhất. Anh Trung sống tại đây cho biết, điều này bất hợp lý vì các sản phẩm đưa ra rất ít, nếu phải ăn trong hai tuần là “vô cùng ngán”, trong khi các địa phương khác vẫn triển khai nhiều combo hàng hóa. Hơn nữa, cán bộ phụ trách còn quy định chỉ nhận tiền mặt, không chuyển khoản. Điều này khiến anh Trung và nhiều hộ dân lo lắng nguy cơ lây nhiễm với phương thức thanh toán nguy hiểm trong mùa dịch.
Phường 2, quận Phú Nhuận chỉ có một combo duy nhất để người dân mua hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sống tại chung cư Vạn Đô (phường 1, quận 4), anh Hoàng lại gặp bất tiện vì chuyện mua thuốc, dù nhà thuốc nằm kế bên.
Sáng 25/8, anh xuống mua gấp thuốc viêm nhưng nhà thuốc không bán, yêu cầu anh gọi lên trung tâm y tế phường đặt đơn và họ sẽ giao lên. Y tế phường sẽ chờ nhận thuốc rồi sẽ giao ngược lại cho anh.
“Thuốc men gấp mà làm theo quy trình này mất 1-2 ngày thì người bệnh sao chờ nổi!”, anh Hoàng bức xúc.
Ngoài ra, nhiều người dân đến nay vẫn chưa tiếp cận được dịch vụ đi chợ hộ. Chi Hằng (phường 11, Gò Vấp) cho biết, ba ngày qua vẫn không thấy bóng dáng cán bộ phường hay tổ dân phố thông báo đăng ký đi chợ hộ giúp dân. Vì không tích trữ đồ trước đó nên hôm nay nhà chị đã cạn kiệt thực phẩm. Ban lãnh đạo phường này cho biết, đã triển khai dịch vụ này tới các hộ dân. Tuy nhiên, một vài người chưa cập nhật thông tin có thể liên hệ các tổ trưởng khu ở để được cung cấp và bổ sung vào các hội nhóm đặt hàng.
Theo số liệu từ Sở Công Thương, TP HCM có hơn 74.000 hộ dân đăng ký đơn hàng trong ngày 24/8, tăng hơn 3 lần so với ngày hôm trước. Các hệ thống phân phối đã cung ứng hơn 70.300 đơn hàng.
Số đơn còn lại sẽ được các hệ thông phân phối trong ngày tiếp theo. Kênh phân phối toàn thành hiện có hơn 2.300 điểm bán, gồm 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn, 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ).
Nguồn: Vnexpress