Noor Inayat Khan, nữ liên lạc viên vô tuyến điện đầu tiên, làm việc ở Pháp trong thời kỳ bị chiếm đóng, trước khi bà bị Đức Quốc xã bắt giữ và hành quyết.
Bà vừa trở thành phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên được gắn biển xanh (blue plaque) ở London. Đây là tấm biển gắn vĩnh viễn lên các tòa nhà nhằm tôn vinh nơi các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử từng sống và làm việc ở Anh, kỷ niệm liên kết giữa họ và vị trí đó.
Theo Guardian, bà Noor Inayat Khan đã được nhận Thánh giá George vì những chiến công ở Paris, nơi bà làm người điều khiển hệ thống vô tuyến điện để truyền tin.
Giờ đây, ngôi nhà cũ của gia đình bà ở Bloomsbury được English Heritage - tổ chức quản lý Bộ Sưu tập Di sản Quốc gia Anh - công nhận sau lần đầu đề cử vào 14 năm trước.
Tấm biển tưởng niệm sẽ được lắp tại địa chỉ số 4 phố Taviton ở Bloomsbury, trung tâm London - nơi bà từng sống cùng gia đình trước khi sang Pháp. Nội dung của tấm biến là “Noor Inayat Khan GC, 1914-1944, Đặc vụ SOE mật danh ‘Madeleine' đã ở lại đây”.
Mật danh Madeleine
Giải thưởng là thành quả từ nỗ lực của English Heritage - nhóm thành lập năm 2016 để giải quyết sự thiếu đa dạng trong danh sách di sản. Khi nhóm bắt đầu làm việc, chỉ có 33 trên 900 biển xanh dành cho những người da đen và châu Á. Ngay cả hiện tại, chỉ có khoảng 14% biển xanh dành cho phụ nữ.
Tượng tưởng nhớ Noor Inayat Khan. Ảnh: Londonist.
Giám đốc quản lý của English Heritage, bà Anna Eavis cho biết điều quan trọng là phải đưa ra nhiều lựa chọn đa dạng hơn cho các tấm biển xanh, nhưng họ vẫn cần nhiều đề cử công khai hơn cho người da màu để giải quyết tình trạng mất cân bằng chủng tộc.
"Sự đa dạng hóa liên tục của dân số London đồng nghĩa với việc các di sản công cộng thế này mang tính đại diện hơn và kể lại được toàn bộ câu chuyện của nó", bà Eavis cho biết.
Người viết tiểu sử về Noor Inayat Khan, Shrabani Basu, cho biết nữ điệp viên này - người có mật danh Madeleine - cũng là một nhạc sĩ tài năng và là tác giả xuất bản sách cho trẻ em trước khi trở thành ứng viên cho nữ điệp viên đầu tiên sử dụng sóng vô tuyến truyền tin.
Basu chia sẻ: "Bà ấy thông thạo tiếng Pháp, biết rõ khu vực này và có kỹ thuật vô tuyến điện xuất sắc. Vì vậy, bà ấy đã ẩn mình trong lòng quân địch và làm việc ở đó suốt 3 tháng, thiết lập các cầu nối vô cùng quan trọng và truyền tin tức về London".
Nàng công chúa Ấn Độ trở thành gián điệp Anh
Sinh ra tại Nga với cha là người Ấn Độ và mẹ là người Mỹ, Khan là hậu duệ của Sultan Tipu - nhà cai trị của thành Mysore, Ấn Độ vào thế kỷ 18. Bà dành phần lớn cuộc đời mình ở Pháp - đất nước sau này đã truy tặng bà Huân chương Croix de Guerre Sao Vàng vì nỗ lực của bà trên đất kẻ thù.
Khan đến Anh cùng gia đình sau khi nước Pháp thất thủ tháng 11/1940. Bà trở thành nữ nhân viên điều hành sóng vô tuyến đầu tiên và được Cục Tác chiến Đặc biệt cử đến Pháp - nơi Đức Quốc xã đang chiếm đóng.
Ban đầu bà bị đánh giá không phù hợp với vị trí này bởi tính cách mơ mộng và có thể thiếu sự tàn nhẫn cần thiết do gốc gác Hồi giáo Sufi.
Chân dung bà Noor Inayat Khan thời trẻ.
Chưa hết, lòng trung thành của Khan với nước Anh cũng bị nghi ngờ bởi gia đình bà có mối liên hệ chặt chẽ với phong trào độc lập của Ấn Độ.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả nghi ngờ và nguy hiểm, Khan đã ẩn mình thành công trong 3 tháng - dù những điệp viên sử dụng sóng vô tuyến thường chỉ tồn tại được 6 tuần. Bà chỉ bị Gestapo bắt sau khi bị một điệp viên hai mang phản bội.
Bà bị giam trong nhà tù Pforzheim trước khi chuyển đến trại tập trung Dachau - nơi bà bị hành quyết năm 1944.
English Heritage có kế hoạch cấp 9 tấm biển trong năm nay, thay vì 12 tấm như bình thường. Những người được trao biển khác bao gồm Christine Granville, một mật vụ khác của Thế chiến hai, nghệ sĩ Barbara Hepworth và người đóng góp cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ châu Phi Ottobah Cuguano.
Lễ công bố có thể diễn ra trên Facebook do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Việt Linh Nguyễn
Nguồn: zingnews.vn