Các bó RNA siêu nhỏ, bọc trong những protein có gai nhọn, bám vào tế bào cơ thể người, sử dụng chúng để tự sinh sản, lây lan từ cơ thể người này sang cơ thể người khác mà ít vấp phải can thiệp y tế. Đó là cách đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Tua nhanh tới tương lai, khi cũng virus ấy xâm nhập phổi của con người, chúng không thể bám dính vào các tế bào phổi nữa. Virus bị đánh dấu, chúng bị các kháng thể bao vây và tiêu diệt. Một số thoát trở lại ra không khí, chúng sẽ gặp lớp phòng ngự tương tự ở vật chủ tiếp theo, nếu có thể xâm nhập vào cơ thể.
Số người nhiễm bệnh giảm xuống thấp tới mức virus không còn điều kiện tự sinh sản, không còn nơi trú ẩn. Đó sẽ là khi đại dịch Covid-19 chấm dứt, theo Politico.
Kịch bản kết thúc đại dịch
"Cần hai điều kiện để kiểm soát virus: các biện pháp vệ sinh và một loại vaccine. Chúng ta không thể chỉ có cái này mà không có cái kia", Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine tại Philadelphia, Mỹ, cho biết.
Dịch bệnh được kiểm soát khi người dân được tiêm hai liều vaccine, tuân thủ yêu cầu đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, và số ca nhiễm Covid-19 dần giảm xuống.
Khi số người phát triển hệ miễn dịch thông qua nhiễm bệnh và tiêm vaccine đủ lớn, kết hợp với các phương pháp điều trị hiệu quả, Covid-19 sẽ trở thành loại bệnh mà người dân trên thế giới thường mắc phải theo mùa.
Tương lai trên là khả thi nhất cho kịch bản khi đại dịch Covid-19 chấm dứt, dựa trên ý kiến của 11 chuyên gia hàng đầu thế giới, những người nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 mỗi ngày, theo Politico.
Duy trì giãn cách xã hội là yêu cầu tiên quyết để đẩy lùi đại dịch. Ảnh: AP.
Các chuyên gia nhất trí còn nhiều điều con người chưa biết về Covid-19 và sẽ cần thời gian dài để đại dịch qua đi.
Tới nay, chưa loại vaccine nào được chứng minh là thực sự hiệu quả trong phòng chống Covid-19. Sản xuất và phân phối vaccine cũng sẽ cần thời gian tính bằng tháng, thậm chí bằng năm. Tại Mỹ, quốc gia có nền y học phát triển bậc nhất thế giới, các chuyên gia tin rằng vaccine chỉ có thể được tiếp cận rộng rãi vào giữa năm 2021.
"Tiêm chủng đóng vai trò to lớn trong đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng đây không phải lý do để tháo khẩu trang và thoải mái vào một quán rượu đông đúc. Dịch bệnh kết thúc là một quá trình, vaccine chỉ là một phần của quá trình ấy", Politico cảnh báo.
Dịch bệnh có thể thoái lui từ cuối 2021
Dự báo của các chuyên gia có sự khác biệt, nhưng nhìn chung đều đồng ý sự lây lan của virus sẽ giảm dần và được kiểm soát vào nửa cuối năm 2021. Thế giới sẽ trở lại trạng thái trước Covid-19 trong vòng 2 năm.
"Tôi cho rằng đó là vào tháng 11/2021. Tôi nghĩ chúng ta sẽ có đủ miễn dịch cộng đồng để có sự suy giảm không ngừng về tỷ lệ lây nhiễm", Zeke Emanuel, Trưởng khoa Chính sách và Đạo đức y tế, Đại học Pennsylvania, cho biết.
Thời gian chính xác hiện chưa thể được xác định, bởi tương lai của dịch bệnh phụ thuộc nhiều biến số khó lường, như số người tiếp tục tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tốc độ xét nghiệm ca nhiễm Covid-19.
Hiệu quả của vaccine đóng vai trò lớn trong ngăn chặn dịch bệnh. Hiệu quả của vaccine cũng phụ thuộc vào số người từ chối tiêm chủng, và số người quên hoặc không sử dụng đủ hai liều vaccine.
Một câu hỏi khác còn bỏ ngỏ, theo ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Đại học Minnesota, là tình trạng miễn dịch thông qua lây nhiễm tự nhiên cũng như tiêm chủng có thể kéo dài trong bao lâu.
Cần thời gian để phát triển vaccine có hiệu quả cao. Ảnh: AP.
"Chúng ta có thể có miễn dịch cộng đồng bằng lây nhiễm tự nhiên hoặc tiêm vaccine. Câu hỏi là trạng thái đó có thể kéo dài bao lâu. Ý tôi là, khi đã đạt đến tỷ lệ miễn dịch 75-80%, tỷ lệ này có giữ nguyên như vậy nếu chúng ta không làm gì khác?", ông Osterholm nói.
Tại Mỹ, số ca nhiễm đang gia tăng nhanh chóng tại 19 bang. Tình trạng tương tự xảy ra tại châu Âu, với Anh và Pháp ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong 24 giờ hôm 25/9. Các chuyên gia tin rằng, nếu người dân ở trong nhà và hạn chế ra ngoài, số ca nhiễm sẽ không tiếp tục tăng cao.
Sự gia tăng số ca nhiễm cho thấy các xã hội, đặc biệt ở Mỹ và phương Tây, sẽ không thể đạt được trạng thái "bình thường" trước khi có vaccine, đặc biệt ở những nước đã thất bại trong truy dấu các ca nhiễm.
Vì vậy, điều then chốt hiện là bảo đảm xã hội đạt được một mức độ "bình thường" nào đó, để các trường học tiếp tục mở cửa, với điều kiện "đeo khẩu trang và giãn cách xã hội", theo bà Emily Landon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Đại học Y khoa Chicago.
Duy trì giãn cách xã hội có hiệu quả lớn hơn nhiều các biện pháp khác. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo việc mở cửa quá sớm nền kinh tế và sử dụng nhiễm bệnh tự nhiên để đạt miễn dịch cộng đồng, như đề xuất của cố vấn Nhà Trắng Scott Atlas, là trò chơi mạo hiểm có thể dẫn tới cái chết của hàng triệu người.
Sống chung với virus corona
Các chuyên gia có chung quan điểm phát triển thành công vaccine không phải bài toán cuối cùng đối với Covid-19. Con người sẽ phải quan sát hiệu quả của vaccine và số người có thể tiếp cận chúng.
Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine từ Viện Nhi Philadelphia, cho biết nếu vaccine đạt hiệu quả ở tỷ lệ 75%, sẽ cần 2/3 dân số được tiêm chủng để có thể ngăn chặn virus lây lan trên diện rộng. Tỷ lệ hiệu quả của vaccine càng thấp, tỷ lệ người được tiêm chủng càng phải được nâng cao.
Các chuyên gia không lạc quan tin rằng thế hệ vaccine đầu tiên có thể đạt hiệu quả cao trong ngăn chặn virus lây lan. "Khả năng chúng ta tiến thẳng tới mục tiêu phát triển thành công vaccine là rất thấp", Michael Kinch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học Đại học Washington, cho biết.
Quá trình phát triển, sản xuất và phân phối vaccine gặp nhiều khó khăn hơn ở các nước đang phát triển. Liên minh các tổ chức quốc tế, trong đó có sự tham gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đặt mục tiêu mua và phân phối 2 tỷ liều vaccine tới các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh vào năm 2021.
Con người sẽ phải sống chung với Covid-19 trong thời gian dài. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, Oxfarm mới đây cảnh báo khoảng 61% dân số toàn cầu sẽ không thể tiếp cận vaccine ít nhất tới năm 2022. Tổ chức này cho biết các nước giàu, với 13% dân số thế giới, đã đặt hàng hơn 50% nguồn cung các loại vaccine tiềm năng đang được phát triển.
"Tôi nghĩ nhiều người có xu hướng tin rằng vaccine sẽ tự động tiêu diệt virus. Không phải như vậy", nhà virus học Angela Rasmussen cho biết. Tới nay, chỉ hai loại virus bị xóa sổ hoàn toàn.
Nhiều người lo ngại sự bảo vệ của vaccine trước virus sẽ bị suy giảm trong một năm hoặc lâu hơn. Trường hợp điều này xảy ra, người dân sẽ phải tiêm vaccine Covid-19 mỗi năm, bà Landon dự báo. Mặc dù vậy, khả năng bảo vệ của vaccine cũng có thể được cải thiện qua thời gian.
"Nhìn vào lịch sử các loại vaccine khác, chúng ta sẽ thấy một khi tìm ra loại vaccine có hiệu quả, chúng ta có thể từ từ cải tiến nó", giáo sư Kinch nói. Chuyên gia của Đại học Washington tin rằng các loại vaccine sẽ có chất lượng tốt hơn nhiều sau từ 3-5 năm nghiên cứu.
Duy Anh
Nguồn: zingnews.vn