Mới đây, Việt Nam đã chính thức áp dụng mức lương cơ sở mới, khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng, tức 55.000 đồng/ngày (số ngày làm việc trung bình trong tháng là 22 ngày).
Lương tối thiểu vùng cao hơn, với mức thấp nhất áp dụng cho vùng 4 là 2,4 triệu đồng một tháng, tương ứng 109.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, dù tính theo cách nào thì mức lương làm cơ sở tính của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực cũng như thế giới.
Tại Thái Lan, theo tờ Bangkok Post, Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ngày 2/5 vừa qua đã cam kết sẽ đưa mức lương tối thiểu lên mức 360 bath/ngày từ con số 300 baht hiện tại.
Hiện nay, thu nhập tối thiểu của mỗi người lao động tại Thái Lan tương đương 190.000 đồng/ngày.
Trong số 10 nước ASEAN, Singapore và Brunei là những quốc gia có lương tối thiểu cao nhất, từ 1,14 triệu đồng đến 1,26 triệu đồng/ngày.
Hiện mức lương tối thiểu của Việt Nam xếp thứ 7 trong khu vực, chỉ cao hơn Myanmar (70.000 đồng/ngày), Lào (51.000 đồng/ngày) và Campuchia (47.500 đồng/ngày).
Tại Nhật Bản, lương tối thiểu được tính theo giờ, dao động từ mức thấp nhất 693 yên (ở Okinawa và Kochi) tới 907 yên (ở Tokyo). Con số này tương ứng 1,15 – 1,5 triệu đồng/ngày.
Ở Mỹ, với quyết định lịch sử sau 6 năm, mức lương tối thiểu của các bang tại Mỹ đã đạt tới con số từ 8 đến 13 USD/giờ. Nếu tính theo tỷ giá hiện tại, mỗi người Mỹ làm việc trong 8 giờ một ngày có thể kiếm được 1,4-2,3 triệu đồng, tức tương đương mức thu nhập tối thiểu vùng của người Việt trong một tháng.