Nếu những mạnh thường quân nộp tiền vào tài khoản của nghệ sĩ mà vẫn nghi ngờ vào sự trung thực của tài liệu thì có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được xem xét và giải quyết theo quy định pháp luật.
Chiều 7/9, Trấn Thành đã chính thức tung bản sao kê ngân hàng sau nhiều ngày im lặng về lùm xùm từ thiện. Bên cạnh những khen ngợi từ phía các fan thì cũng có không ít người bày tỏ sự hoài nghi, tranh cãi quanh bản sao kê mà Trấn Thành vừa tung lên mạng. Trong đó có ý kiến nói rằng, bản sao kê lạ lẫm, bị che và có nhiều thông tin, chụp ảnh mập mờ.
Luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng VP Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá, việc Trấn Thành tung sao kê từ thiện là một hành động cần thiết nhằm chứng minh sự trong sạch của mình.
Tuy nhiên, nếu để đánh giá độ tin cậy thì những thông tin của cơ quan chức năng sẽ đáng tin cậy hơn là thông tin của cá nhân tự mình đưa ra. Bởi khi cơ quan chức năng đưa ra thì phải qua một quá trình kiểm tra, xác minh, xét duyệt và có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin.
Còn thông tin của cá nhân đưa lên mạng xã hội thì chỉ có cá nhân đó chịu trách nhiệm mà chưa có cơ quan nào kiểm chứng, xác thực. Đồng thời, cá nhân thì cũng có thể bị cảm xúc, tình cảm chi phối đối với nội dung thông tin.
Việc sao kê ngân hàng của Trấn Thành vẫn nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều
Trấn Thành đã công khai thông tin sao kê ngân hàng, những thông tin này có chính xác hay không, đã đầy đủ hay chưa, giá trị chứng minh đến đâu thì phải xem xét kỹ từng nội dung chi tiết. Có lẽ, chỉ có những người trong cuộc, những người đã chuyển tiền cho Trấn Thành và những người đã được nhận tiền, tự mình kiểm tra, tính toán các con số, tổng hợp rồi đối chiếu với thông tin, trả lời từ phía ngân hàng thì mới xác định được tính chính xác của những thông tin này đến đâu.
Khi Trấn Thành đăng những thông tin như vậy, chưa cần kiểm tra, xác minh thì cũng có nhiều người đã tin là thật và tiếp tục dành những tình cảm, mến mộ cho nghệ sĩ này. Tuy nhiên, với những người có cảm xúc mạnh, cảm giác bị tổn thương thì rất có thể họ sẽ không tin. Nhiều người sẽ cần thời gian để xác minh lại tính trung thực của nguồn thông tin này, đồng thời tính toán lại các số liệu mà Trấn Thành đã công khai thì mới có chính kiến về sự việc.
Bởi lẽ, những người không có chuyên môn về kế toán và ít và chạm với tiền bạc thì đọc những thông tin sao kê tài khoản ngân hàng, chưa chắc đã hiểu hết, với số lượng thông tin khổng lồ như vậy thì cũng cần phải có thời gian tra soát, tính toán thì mới có thể kết luận được về ý nghĩa của những thông tin đó.
"Nếu những thông tin Trấn Thành đăng trên mạng xã hội là những tài liệu lấy từ ngân hàng, có xác nhận của ngân hàng, có đầy đủ các danh mục thông tin, không bị tẩy xóa. Qua kiểm tra cho thấy những người đã chuyển tiền cho nghệ sĩ này đều có thông tin, thời gian chuyển tiền và tổng số tiền khớp với các con số, số tiền chuyển đi là toàn bộ số tiền nhận được thì đó là những chứng cứ quan trọng để chứng minh cho sự trong sạch của nghệ sĩ này.
Trong trường hợp người hâm mộ và những "mạnh thường quân" nộp tiền vào tài khoản của Trấn Thành mà còn nghi ngờ vào sự trung thực của tài liệu, số liệu mà nghệ sĩ này đưa ra, tài liệu chưa có xác nhận của phía ngân hàng, nhiều nội dung bị tẩy xóa, thông tin chưa đầy đủ thì có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được xem xét và giải quyết vụ việc theo quy định.
Việc kết luận có vi phạm pháp luật hay không, hành vi có cấu thành tội phạm hay không thì thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan tố tụng. Chỉ có kết luận của cơ quan chức năng mới bắt buộc các bên phải tôn trọng, phải chấp hành. Còn hai bên (nghệ sĩ và công chúng) quan hệ với nhau bằng niềm tin, bằng cảm xúc, bằng quan hệ dân sự", luật sư Cường chia sẻ.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc sao kê của Trấn Thành là việc làm cần thiết để chứng minh sự trong sạch
Để công việc thiện nguyện ngày càng chuyên nghiệp, tránh rơi vào rắc rối kiện cáo, luật sư Cường cho rằng, những người thực hiện hoạt động từ thiện cần phải thực hiện đầy đủ các bước như: Thông tin đưa ra để kêu gọi từ thiện phải rõ ràng, minh bạch về mục đích, đối tượng từ thiện, phương thức thu nhận, phương thức quản lý, chế độ tài chính kế toán; chi phí cho việc quản lý, chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện, cơ chế giám sát; Thời điểm thực hiện hoạt động từ thiện, thời điểm kết thúc hoạt động từ thiện; Những thủ tục công khai minh bạch, báo cáo kết quả. Thường xuyên cập nhật thông tin về số tiền đã tiếp nhận, tài sản đã tiếp nhận, phương thức quản lý và kế hoạch thực hiện từ thiện.
Nếu số tiền tiếp nhận được lớn thì cần mời bên thứ ba tham gia giám sát, kiểm tra và phối hợp để thực hiện hoạt động từ thiện, nếu bên thứ ba là cơ quan chức năng phải cơ quan nhà nước thì càng thể hiện sự công khai minh bạch.
Phải lưu giữ tất cả các chứng cứ về số tiền thu, chi, các chi phí và xác nhận của các bên liên quan, kết quả kiểm tra giám sát của bên thứ ba để giải trình bất cứ khoản thu chi nào cho những người đã nộp tiền, đóng góp vào quỹ từ thiện đó.
"Hoạt động từ thiện xuất phát từ cái tâm, bằng uy tín của người đứng ra kêu gọi. Bởi vậy, nếu hoạt động từ thiện thiếu chuyên nghiệp, hoặc vì lòng tham mà nhập nhèm, không công khai minh bạch thì người đứng ra kêu gọi sẽ bị mất uy tín, thậm chí số tiền lớn còn có thể khiến cho người đó sa ngã, chiếm đoạt và trở thành tội phạm.
Để hoạt động từ thiện đi vào khuôn khổ, cơ quan chức năng cũng cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động này.
Cần có sự quản lý của nhà nước để thúc đẩy hoạt động từ thiện được công khai, minh bạch, tránh những mâu thuẫn tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây ra những mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nhân dân", luật sư Cường phân tích.
Nguyễn Hằng
Bài viết thuộc chuyên mục Pháp luật
Giadinh.net.vn