Mâm cỗ cúng Rằm tháng 8 không cần quá cầu kỳ hay đặt nặng về mâm cúng mặn/chay như mâm cỗ ngày Tết cổ truyền nhưng vẫn phải chuẩn bị tươm tất, đầy đủ và thành tâm.

Tùy theo phong tục địa phương mà có thể làm mâm cỗ cúng Trung thu trong nhà hay ngoài trời và có nhiều nơi, gia đình còn làm mâm cỗ cúng gia tiên ngày Trung thu.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng 8 có thể chuẩn bị các món ăn chay hay mặn đều được, với gia đình không có nhiều điều kiện và thời gian cũng hạn hẹp hơn, có thể chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo đơn giản để thắp hương vào sáng ngày Rằm.

Cần có gì trong mâm cỗ cúng Rằm tháng 8?

Theo kinh nghiệm dân gian cúng lễ vào sáng sớm sẽ tốt hơn là vào trưa hay sau chiều.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng 8 truyền thống gồm có hương, hoa, đèn, nến, xôi, gà, gạo, muối. Ở nhiều nơi, các gia đình làm mâm cỗ cúng gia tiên ngày Trung thu với mâm cơm cúng lễ gồm các món ăn gia đình hàng ngày, các món ăn đơn giản để dâng lên tổ tiên thể hiện lòng biết ơn và sự thành kính. Các món ăn mặn hoặc chay tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình.

Ngoài ra, mâm cúng còn phải có bánh Trung thu nướng và bánh dẻo, có thể dâng cả bánh cốm. Với gia đình không có nhiều điều kiện có thể chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo đơn giản để thắp hương vào sáng ngày Rằm.

1 Mam Co Cung Ram Thang 8 Can Co Gi

Đêm Rằm tháng 8 cũng không thể thiếu mâm cỗ trông trăng.

Thông thường, cỗ trông trăng sẽ không cần bày lên bàn thờ mà chỉ cần đặt lên một chiếc bàn rộng, có thể để trong nhà hoặc ngoài sân.

Mâm cỗ này thường sẽ có những loại hoa quả, trái cây gồm: nải chuối chín, quả bưởi (mang ý nghĩa cầu mong những điềm lành), quả hồng (mang ý nghĩa của sự no đủ), quả na (mang ý nghĩa sinh sôi), quả lựu (tượng trưng cho sự may mắn). Ngoài ra, các loại quả trong mâm cỗ truyền thống thường có cả quả xanh, quả chín, mang ý nghĩa âm - dương hòa hợp, cân bằng theo quan niệm người xưa.

Bên cạnh trái cây, bánh Trung thu là món không thể thiếu. Bánh Trung thu gồm có bánh nướng và dẻo hoặc có thể là các loại bánh có hình thù ngộ nghĩnh.

Bên cạnh đó, các loại trà như trà sen, trà hoa nhài, trà mạn… cũng được dùng để thưởng bánh hay các loại bánh, kẹo, bim bim, thạch... mà bé yêu thích. Mâm cỗ trông trăng cũng không thể thiếu các loại đồ chơi như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con thỏ, mặt nạ, đầu sư tử, trống... cho các bé.

Mâm cỗ Trung thu được sắm sửa cụ thể ra sao còn tùy thuộc vào truyền thống cũng như phong tục của từng địa phương, gia đình không cần quá cầu kỳ, phức tạp bởi đây là lễ đoàn viên, tạ ơn, là thời gian để các cháu nhỏ vui chơi, phá cỗ nên thường chuẩn bị mâm cỗ hoa quả, bánh kẹo cúng ngoài trời, gia chủ có gì thì cúng thêm thứ đó không bắt buộc. 

Hạ Vy (Tổng hợp)

Nguồn: vtc.vn