Nga đã gây bất ngờ với khả năng điều khiển máy bay không người lái (UAV) với con số hơn 2.000 chiếc trên bầu trời St.Petersburg tạo nên bữa tiệc ánh sáng.

Buổi biểu diễn được thực hiện với sự tham gia của hơn 2.000 chiếc UAV dân sự cỡ nhỏ đã tạo thành hình cánh chim hòa bình, con số 75 và Huân chương chiến thắng để kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai.

Bữa tiệc ánh sáng lung linh kỳ ảo kéo dài trong hơn 10 phút. Ban tổ chức sự kiện khẳng định buổi biểu diễn này sẽ phá kỷ lục thế giới và chứng minh khả năng điều khiển thiết bị bay không người lái cực đỉnh của Nga.

 

132 1 Nga Gay Ngo Ngang Voi Kha Nang Dieu Khien Hang Ngan Uav

Nga phô diễn khả năng điều khiển hàng ngàn chiếc UAV tạo hình.

Dù chỉ là buổi biểu diễn của những UAV dân sự nhưng theo giới chuyên gia, một khi kỹ năng điều khiển này được sử dụng trong quân sự, Nga có thể thay đổi cục diện chiến trường bằng màn tấn công bầy đàn không thể đối phó.

Vấn đề khiến phương Tây đặc biệt quan tâm khi một vị đại diện của quân đội Nga mới đây tiết lộ họ đã chế tạo hàng loạt UAV cỡ nhỏ được trang bị vũ khí sát thương để tấn công đối phương theo đội hình lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc.

Nga dự tính biên chế mẫu UAV này cho mọi binh chủng trong quân đội, trong đó lực lượng đặc nhiệm sẽ được trang bị đầu tiên. Chúng tôi cũng đang phát triển bom cỡ nhỏ dành riêng cho chúng.

Những UAV này của Nga có thể mang theo khoảng một kg thuốc nổ, đủ khả năng tạo ra sát thương nếu được thả đúng mục tiêu. Chưa bằng lòng với thành quả, các nhà thiết kế Nga đang tiếp tục nghiên cứu và cải tiến để tăng mức tải trọng của UAV lên đến 20 kg.

Phi đội UAV này có thể tấn công những mục tiêu trên đất liền, trên biển, trên không, thậm chí cả lực lượng bộ binh đối phương. Các chỉ huy quân sự Nga cho rằng chỉ cần một số lượng nhỏ UAV vượt qua hệ thống phòng không đối phương để đánh trúng mục tiêu là chiến thuật này đã thành công.

"Nếu được vận hành theo kiểu bầy đàn, các hệ thống trinh sát và phòng không địch không có đủ thời gian bắt bám và tiêu diệt mọi mục tiêu. Nếu ít nhất một UAV vượt qua được, hiệu quả tác chiến của nó có thể bù đắp chi phí cho cả bầy UAV còn lại", vị đại diện của quân đội Nga tuyên bố.

Giới chuyên gia cho rằng, chiến thuật sử dụng UAV bầy đàn của Nga được coi là có nhiều hứa hẹn và trong tương lai sẽ mở ra cơ hội thực tế không giới hạn cho quân đội trên chiến trường, cho phép tiến hành trinh sát có hiệu quả và tấn công các mục tiêu trên mặt đất bằng cơ sở vật chất ít tốn kém nhất và quan trọng hơn là không tổn thất về người.

Các cuộc chiến trong tương lai ngày càng được thể hiện dưới dạng cuộc chiến của máy móc. Các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra các câu hỏi: hàng đàn máy bay không người lái trên thực tế sẽ gần như không thể bị phá hủy hoàn toàn, và tất cả quá trình điều khiển các thiết bị như vậy có thể hiểu là chỉ cần thay thế phần mềm.

Điều này sẽ làm cho đàn máy bay không người lái trở thành đa năng, có thể dễ dàng điều chỉnh chúng để giải quyết các nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường. Nga hiện đang đầu tư mạnh theo hướng này.

Và sự đầu tư này đã được hiện thực hóa bằng sự ra mắt của chương trình Flock-93 hồi năm 2019. Trong hệ thống Flock-93 của Nga, dàn thiết bị không người lái sẽ được điều khiển bởi một UAV đầu đàn. Những UAV còn lại trong đàn sẽ duy trì kết nối trực quan thường xuyên với UAV đầu đàn thông qua việc sử dụng các camera IR của chúng.

Trong trường hợp UAV đầu đàn bị loại khỏi vòng chiến đấu vì nhiều lý do, kể cả việc bị hỏa lực của đối phương tiêu diệt, thì một UAV khác sẽ tự động thay thế, bắt đầu điều khiển cả đàn.

Đồng thời, số lượng UAV tích hợp vào hệ thống có thể tăng lên không giới hạn. Ví dụ, có thể tạo ra một đàn từ một nhóm nhỏ, trong đó UAV đầu đàn điều khiển 2-3 UAV số 2, và tiếp theo đó, các UAV số 2 có thể trở thành thủ lĩnh cho các tốp UAV khác.

Ưu điểm của hệ thống Flock-93 là chi phí tương đối thấp. Mục đích chính của dàn UAV Flock-93 là tấn công vào các mục tiêu theo nhóm và mục tiêu đơn lẻ trên mặt đất cũng như các mục tiêu trên không trong điều kiện chống hệ thống phòng không và hệ thống tác chiến điện tử của đối phương.

Để đối phó với đàn máy bay không người lái - những mục tiêu nhỏ, bay thấp với tốc độ thấp, đối phương phải có những phương tiện chiến đấu rất hiệu quả, song, trong điều kiện chiến đấu thực tế những phương tiện này là rất hiếm.

Các chuyên gia Mỹ nhận định rằng Nga hiện vẫn chưa thể đưa dự án dàn UAV vào hoạt động. Nhưng sự xuất hiện hệ thống có thể điều khiển hiệu quả hàng chục máy bay không người lái nhỏ là một dự án thú vị, phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Bữa tiệc ánh sáng từ hàng ngàn chiếc UAV trên bầu trời St.Petersburg

 

 

Tuấn Vũ

Nguồn: baodatviet.vn