Ảnh minh họa.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 12/2019, bệnh nhiễm trùng hô hấp Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người trong tổng số 86.000 bị nhiễm virus corona chủng mới tại ít nhất 64 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triệu chứng nhiễm bệnh thay đổi theo từng ca, nếu nhẹ chỉ là ho, sốt, mệt mỏi…, nhưng nếu nặng hơn, người bệnh có thể bị khó thở, hay là bị suy chức năng thận, thậm chí nhiều bộ phận chức năng khác, có thể dẫn đến tử vong.
Tỷ lệ tử vong cũng tương đối thấp – giới khoa học hiện vẫn chưa thẩm định được con số chính xác – nhưng được ước tính nằm trong khoảng từ 1% đến hơn 3%. Tỷ lệ này rõ ràng cao hơn dịch cúm thường (trong khoảng 0,1%), nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các trận dịch trước đây có liên quan đến virus corona: 34,5% trong dịch MERS (triệu chứng hô hấp cấp Trung Đông) và 9,6% của dịch SARS (triệu chứng hô hấp cấp nặng), những chủng virus gần giống với chủng virus corona mới lần này đến 80%.
Theo những khảo sát và các số liệu đưa ra, một số đối tượng dân số có nhiều rủi ro mắc bệnh cao. Phân tích đầy đủ nhất cho đến ngày 29/02, do chính quyền Trung Quốc công bố ngày 17/02 được đăng trên Jama, một tạp chí y khoa của Mỹ, cho thấy nguy cơ tử vong tăng theo độ tuổi.
Trong số gần 45.000 ca được xác nhận, tỷ lệ tử vong trung bình là 2,3%, nhưng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 10 tuổi là 0%, từ 10-39 là 0,2%, từ 40-49 là 0,4%, trong độ tuổi 50-59 là 1,3%, ở những người từ 60-69 tuổi là 3,6% và tỷ lệ này tăng vọt lên 8% ở những người cao tuổi, từ 70-79 tuổi. Và nguy cơ tử vong ở những người trên 80% gần như tăng gấp đôi với tỷ lệ 14,8%. Quan sát này cũng được ghi nhận tại những nước khác như Ý chẳng hạn, ổ dịch lớn nhất của châu Âu hiện nay. Ít nhất có 6 nạn nhân trong số 14 ca tử vong đầu tiên là những người già trên 80 tuổi.
Trẻ nhỏ được miễn trừ?
Điều làm cho giới chuyên gia khó hiểu nhất là chưa có một nạn nhân trẻ em nào. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thông thường cũng nằm trong số những đối tượng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Nhà dịch tễ học Cecile Viboud, thuộc National Institutes of Health ở Mỹ, cho biết khi khảo sát “tất cả các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác – do vi khuẩn hay virus – hầu như tất cả các ca nghiêm trọng đều là những người cao tuổi, hay ở những trẻ rất nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi”.
Một đặc tính khác của Covid-19 cũng được các nhà nghiên cứu ghi nhận nam giới có nhiều rủi ro nhiễm virus hơn phụ nữ. Bởi vì, nam giới chiếm đến 51,4% ca nhiễm được xác định và gần 2/3 số ca tử vong (63,8%).
Thuốc lá: Tác nhân gây trầm trọng?
Về điểm này, nhà dịch tễ học, bà Cécile Viboud gần như tin chắc rằng thuốc lá ít nhất cũng có một phần trách nhiệm do tỷ lệ những bệnh nhân nhiễm bệnh có hút thuốc là khá cao. Đây cũng là một trong số các tác nhân làm tăng rủi ro tử vong.
Tuy nhiên, các nghiên cứu thống kê của Trung Quốc cũng cho thấy có nhiều yếu tố rủi ro khác, chẳng hạn như việc mắc một chứng bệnh kinh niên. Tỷ lệ tử vong có thể leo lên đến 6,3% ở những người mắc các bệnh đường hô hấp (suy hô hấp, hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản mãn tính…).
Nguy cơ tử vong có thể lên đến 10,5% ở những người bị các chứng về tim mạch (suy tim, nhồi máu cơ tim…) và tỷ lệ này 7,3% ở những bệnh nhân bị tiểu đường. Còn những người mắc các chứng bệnh như cao huyết áp hay ung thư, tỷ lệ tử vong lần lượt ở mức 6% và 5,6%, trong khi ở những người mạnh khỏe, con số này chỉ ở mức 0,9%.
Nguồn: rfi.fr