Mông Cổ hiện ghi nhận 206 ca nhiễm nCoV, tất cả đều là các ca ngoại nhập và không có ca tử vong. Nhiều người Mông Cổ cho rằng tỷ lệ nhiễm thấp này là do không khí sạch, chế độ ăn gồm thịt và sữa từ động vật chăn thả tự nhiên. Họ cũng tin rằng các yếu tố như ngươi dân làm việc liên tục, cưỡi ngựa, chăn cừu, cũng như sinh sống giữa điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thấp nhất -60 độ C và cao nhất 45 độ C, đã khiến họ khỏe mạnh hơn và chống được bệnh tật.
Nhưng điều quan trọng nhất, người Mông Cổ cho rằng những di sản của Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập đế quốc Mông Cổ, đã giúp họ an toàn trước đại dịch đang hoành hành khắp thế giới.
Tượng đài Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ. Ảnh: SCMP.
Pháp sư Enkh-Ouyn Byambadorj tiếp khách trong một căn phòng được trang trí bằng lông ngựa, những lá bùa hộ mệnh và một ban thờ Thành Cát Tư Hãn. Bà nói rằng người Mông Cổ sống và ăn uống đơn giản, với bầu trời xanh, thịt và sữa tươi, không phải đối mặt với sự căng thẳng hay chủ nghĩa tiêu dùng như người dân ở nhiều quốc gia khác.
“Một yếu tố khác là sự tự lực của người Mông Cổ, xuất phát từ lối sống du mục có từ thời Đế quốc Mông Cổ”, bà nói. “Khi Thành Cát Tư Hãn đem đội quân khổng lồ của mình với hàng trăm nghìn con ngựa, băng qua các thảo nguyên và sa mạc, chinh phục hầu hết thế giới, họ không thể dựa vào chính phủ hay một lực lượng nào khác bước tới và cứu họ. Khi người phương Tây gặp vấn đề, họ phải giải quyết. Nhưng người Mông Cổ có thể sống với nó. Nếu có thịt, họ ăn thịt. Nếu họ không có gì, họ sẽ không cần tới”, bà nói.
Byambadorj nói rằng các vùng nông thôn Mông Cổ không có bác sĩ, thậm chí không có bác sĩ sản khoa, điều đó có nghĩa là ngay cả sống, chết cũng không thành vấn đề với họ.
Pháp sư Mông Cổ Enkh-Ouyn Byambadorj. Ảnh: SCMP.
Còn đối với nhà sư Ukhaanzaya Dorjnamnan, mọi vấn đề trên thế giới là một loại naga, con rắn thần bí trong truyền thuyết. Theo ông, nCoV là một naga rất mạnh nhưng lại không muốn làm tổn thương người Mông Cổ vì họ sống gần gũi với thiên nhiên. Nhà sư này cũng tin rằng đất nước đã được Thành Cát Tư Hãn “ban phước”. “Thành Cát Tư Hãn đã chọn mảnh đất này cho chúng tôi vì đây là mảnh đất tốt. Ông ấy hứa sẽ bảo vệ chúng tôi”, Dorjnamnan nói.
Tiến sĩ Chinburen Jigjidsuren, cố vấn y tế đặc biệt của thủ tướng Mông Cổ, nói rằng việc chính phủ tuyền truyền rõ ràng đã khiến dân chúng nắm được thông tin và ngăn chặn sự hoảng loạn. “Thành Cát Tư Hãn đã phát triển hệ thống liên lạc hiệu quả, cho phép ông ấy nhanh chóng truyền tin từ đầu này đến đầu kia của đế quốc Mông Cổ. Ngày nay, chúng tôi cũng làm như vậy, giống như thời của Thành Cát Tư Hãn. Thông điệp của chính phủ từ Ulan Bator đã nhanh chóng được chuyến đến những người du mục ở các tỉnh xa xôi”, ông nói.
“Đội quân của Thành Cát Tư Hãn rất kỷ luật. Và kỷ luật này vẫn theo chúng tôi tới ngày nay. Bởi vậy, khi chính phủ ra lệnh đeo khẩu trang hoặc ở nhà, mọi người đều tuân thủ”, ông Jigjidsuren nói.
Jack Weatherford, tác giả cuốn “Thành Cát Tư Hãn và Tạo dựng thế giới hiện đại” từng cho rằng sự di cư của người Mông Cổ khiến họ phải tiếp xúc với hàng triệu người từ các khu vực khác nhau, khiến họ mắc rất nhiều bệnh. Và phải chăng điều này khiến người Mông Cổ có khả năng miễn dịch cao hơn? Tuy nhiên Jigjidsuren không đồng ý với giả thuyết này, cho rằng “không có các dữ liệu khoa học” liên quan.
Một người du mục dựng trại ở phía tây Mông Cổ. Ảnh: SCMP.
Khu tự trị Nội Mông là một phần của Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát và có lúc ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao nhất thế giới. Dân số khu tự trị này khoảng 25 triệu người, chủ yếu là người Hán. Người Mông Cổ ở khu tự trị Nội Mông gấp khoảng 1,5 lần so với dân số Mông Cổ hiện tại, nhưng theo Jigjidsuren, không có người Mông Cổ nào ở khu tự trị Nội Mông nhiễm nCoV. “Tất cả đều là người Hán”, ông nói.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, sau khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến hơn 9 triệu người nhiễm, gần 471.000 người tử vong.
Mai Lâm (Theo SCMP)