Vào ngày 24/10/1993, thi thể hai cậu bé, một 6 tuổi và 4 tuổi ở làng Trương Gia, huyện Tiến Hiền, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây được vớt lên từ một hồ nước. Các bác sỹ pháp y nhận định hai bé chết không phải do đuối nước mà bị bóp cổ. Sau khi điều tra, người hàng xóm tên Trương Ngọc Hoàn khi đó 26 tuổi, là thợ mộc được xác định là thủ phạm.
Tháng 1/1995, Trương bị kết án tử hình vì tội giết người và hoãn thi hành án 2 năm. Trong những năm qua, Trương cùng gia đình liên tục kháng cáo.
Những phiên tòa tiếp theo vào các năm 2001, 2018 vẫn giữ nguyên bản án tử hình nhưng tạm hoãn thi hành án. Vào ngày 4/8/2020, tòa án cấp cao tỉnh Giang Tây đã xét xử lại vụ án, hủy bỏ bản án ban đầu và tuyên bố Trương Ngọc Hoàn không có tội.
Thời điểm này, Trương đã phải ngồi tù 27 năm, được coi là người chịu án oan lâu nhất Trung Quốc.
Trương Ngọc Hoàn và vợ cũ Tống Tiểu Nữ chỉ dám nắm tay nhau sau 27 năm xa cách. Ảnh: sina.
Trong 27 năm ngồi tù, cuộc sống của gia đình Trương đã hoàn toàn thay đổi. Người đàn ông này từng có một gia đình hạnh phúc với hai cậu con trai nhỏ và người vợ tên Tống Tiểu Nữ.
Khi chồng bị bắt vì tội giết người, không chịu được sự dèm pha từ làng xóm, Tống đã đưa con đến nhà người thân ở nhờ. Năm 1994, cô gửi hai con trai ở quê cho mẹ chồng và đến Thâm Quyến rửa bát thuê tại các nhà hàng, gửi tiền về nuôi con.
Những tháng đầu ngồi tù, Trương Ngọc Hoàn sống trong tuyệt vọng. Thậm chí nhiều lần muốn tự sát. Nhưng một lần Tống đã nói với chồng: "Nếu anh chết, gia đình sẽ luôn sống trong bóng tối và mang danh người nhà kẻ giết người. Chỉ khi còn sống, anh mới có hy vọng minh oan cho chính mình". Từ đó Trương mạnh mẽ sống để tìm công lý.
Nhà nghèo không có tiền thuê luật sư, một người quen nói rằng tốt hơn là viết đơn khiếu nại. Với một phụ nữ mới tốt nghiệp tiểu học, quên mặt chữ, Tống thậm chí không biết bắt đầu từ đâu. Không ai tin Trương vô tội và cũng không ai muốn giúp họ. Để có thể viết được đơn khiếu nại, người phụ nữ này phải dùng đến từ điển, vài ngày mới viết xong một mặt giấy. Một bức rồi hàng chục bức tiếp đó được gửi đi, nhưng không có hồi âm.
Trong thời gian kêu oan cho chồng, một lần đi khám, các bác sĩ nói rằng Tống bị một khối u, cần phải phẫu thuật. Sợ mình không thể tỉnh dậy trên bàn mổ, hai con sẽ bơ vơ, chị quyết định đi bước nữa với người đàn ông hiểu rõ hoàn cảnh, khuyên cô phẫu thuật và ủng hộ kêu oan cho Trương.
Trước khi đến với người đàn ông này, Tống đã ký thỏa thuận với 2 điều kiện. Một là phải đối xử với hai con trai cô thật tốt. "Tử cung tôi khi đó có khối u, không biết phẫu thuật thành công hay không. Tôi mong anh đối xử tốt với hai con trai của tôi nếu tôi không còn sống vì chúng đã quá bất hạnh rồi", Tống nhớ lại. Điều kiện thứ hai là cô có thể gặp Trương và thăm mẹ chồng cũ ở Giang Tây bất cứ lúc nào. Tống giải thích vì sao có những điều kiện này: "Vì tôi không tìm chồng mà tìm bố cho hai con trai mình".
Năm 1999, Tống nói với Trương về việc tái hôn trong tù. Cô nói rằng bản thân làm điều này vì hai đứa con. "Em sẽ không bao giờ quên anh", cô nói trong nước mắt. Cuối cùng Trương đồng ý ly hôn.
Hơn 20 năm, người chồng mới đã cùng Tống nuôi nấng, tìm việc và lập gia đình cho cả hai người con. Đối với người đàn ông này, Tống luôn tỏ lòng biết ơn. "Anh ấy cho tôi sự bao dung, tin tưởng, quan tâm và tình yêu thương", người phụ nữ này nói. Trong những năm tiếp theo, đúng như cam kết, người chồng mới vẫn để vợ thăm nom và kêu oan cho chồng cũ. Cùng với sự giúp đỡ của người anh cả của Trương, một số luật sư và báo chí, ngày 9/7/2020, tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Giang Tây đã quyết định xét xử lại vụ án và tuyên trắng án cho Trương Ngọc Hoàn.
Tống Tiểu Nữ đã mua cho chồng một chiếc điện thoại mới khi ông ra tù. Ảnh: sina.
Trong những cuộc phỏng vấn trước khi chồng cũ được tuyên vô tội, Tống nói rằng Trương còn nợ cô một cái ôm. "Tôi đã suy nghĩ về cái ôm này trong nhiều năm. Từ khi anh ấy đi, tôi luôn muốn ôm anh ấy. Đến trại giam chỉ nhìn thấy nhau qua bức kính trong suốt, gọi điện cũng chỉ nói được dăm ba câu. Cái ôm này tôi đã chờ đợi quá lâu rồi".
Khi Trương được thả tự do, Tống đã tức tốc đáp xe từ Phúc Kiến về Giang Tây. Vào ngày 4/8/2020, sau 27 năm chờ đợi, cuối cùng cô cũng được chạm tay vào Trương mà không bị ngăn cản bởi bất kỳ thứ gì. Khoảnh khắc nhìn thấy chồng cũ, vì quá xúc động nên người phụ nữ này đã ngất xỉu, phải cấp cứu tại bệnh viện.
Ngày hôm sau, khi sức khỏe đã ổn hơn, cô tự lái xe đến gặp Trương, cả hai chỉ nắm chặt tay chứ không ôm nhau. "Tôi sợ cô ấy quá xúc động, ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngay cả một cái ôm đơn giản nhất giờ cũng trở thành một thứ xa xỉ", Trương nói. Ngày hôm đó, Tống cũng đã mua một chiếc điện thoại di động tặng chồng cũ, hy vọng ông sẽ dùng nó để ghi lại những khoảnh khắc đẹp sau khi ra tù.
Tống cho biết, cách đây ít lâu, cô lại phát hiện buồng trứng có khối u. "Giờ đây tôi có thể an tâm gửi lại hai con cho Trương và toàn tâm toàn ý với người chồng đã gắn bó với mình suốt 24 năm qua". Người phụ nữ này cho hay, những năm qua cô đã nợ người đàn ông này quá nhiều vì vụ án của chồng cũ. "Bây giờ tôi muốn trở về bên anh ấy và đồng hành với nhau tới cuối đời".
Với Trương, ông hiểu lựa chọn của vợ cũ: "Tống phải về lại Phúc Kiến, dù sao cô ấy cũng đã kết hôn", ông nói.
Ngày 30/10 vừa qua, Trương Ngọc Hoàn, 53 tuổi, phạm nhân oan sai lâu nhất Trung Quốc, nhận bồi thường gần 5 triệu nhân dân tệ.
Vy Trang (Theo sohu, sina)
Nguồn: vnexpress.net