Sau khi Báo Công Thương đăng tải bài viết “Chùa của sư Thích Chân Quang 'ngang nhiên' tồn tại 35 công trình trái phép lấn chiếm đất rừng”, mạng xã hội lan truyền một video được trích ra trong một bài thuyết giảng của sư Thích Chân Quang nói về trách nhiệm của các phật tử trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống.
Mở đầu đoạn video, vị sư này nói: “Mỗi ngày ta đọc một tờ báo là ta góp phần phá rừng tại vì lượng báo chí in mỗi ngày rất là lớn mà cũng lấy từ cây rừng mà ra”.
Rồi sau đó, vị này cầm trên tay một tờ giấy và lấy ví dụ: “Ta cầm tờ này ta cũng góp phần phá rừng nhưng mà ít và để sau đó ta ý thức được việc bảo vệ rừng”.
Sư Thích Chân Quang có nhiều bài thuyết giảng gây ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa |
Từ đó, ông khuyên những người đệ tử phật phải là những người hiểu về môi trường và biết làm gì để bảo vệ môi trường. Ngoài những việc tu hành, làm phước thì mỗi phật tử phải đưa vai mình ra, gánh lên đôi vai thêm trách nhiệm bảo vệ môi trường trái đất.
Sư Thích Chân Quang cho rằng, ở thời đại hiện nay, làm như vậy mới có phước, chứ không phải là đọc kinh phật mới có phước. Nếu chỉ dành thời gian đọc kinh thì chẳng khác gì đứa bé chơi game.
“Những chuyện tụng hết bộ kinh này là có phước, chuyện xưa rồi, bớt tin giùm thầy đi, bảo vệ môi trường mới có phước. Còn ta chôn hết ngày này qua ngày kia để tụng hết bộ kinh này đến bộ kinh kia nói là có phước thì có thể ta hiểu, thấm nhuần được đạo lý nhưng mất thì giờ không khác gì đứa bé chơi game”, vị sư này nói.
Thực tế, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một quốc gia mà là trách nhiệm của toàn thế giới. Việc kết hợp giữa giáo lý nhà phật và thuyết giảng để truyền tải thông tin về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường là hành động mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, hướng con người đến lối sống xanh, yêu thiên nhiên, môi trường.
Chùa Phật Quang sử dụng hàng nghìn mét vuông đất rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý. Ảnh: Chùa Phật Quang |
Tuy nhiên, dường như sư Thích Chân Quang lại làm ngược lại so với những gì ông đã thuyết giảng cho các phật tử. Bởi, như Báo Công Thương đã đưa tin, ông Thích Chân Quang về chùa Phật Quang từ năm 1992 và sau đó trở thành trụ trì ngôi chùa này cho tới nay.
Năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng tại chùa Phật Quang huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Theo kết luận thanh tra, trong tổng số 36 công trình chùa xây dựng trên đất thì công trình Chánh điện được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 23/GPXD ngày 20/9/2001 với diện tích xây dựng sửa chữa là 228 m, nhưng trên thực tế chùa xây dựng Chánh điện trên diện tích 445,4 m.
Đối với 35 công trình còn lại, kết luận thanh tra chỉ rõ, các công trình này không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng, trong đó có nhiều công trình lớn, kiên cố như là đường giao thông trải nhựa, diện tích khoảng 3.500 m2.
“Hiện nay, diện tích xây dựng các công trình và đường giao thông là 25.692,5 m2 nằm trong tổng diện tích đất khuôn viên chùa đang sử dụng là 40.170,1 m2. Điều đó thấy rằng đã có một phân diện tích rừng phòng hộ rất lớn bị phá, sử dụng đất sai mục đích và xây dựng nhiều công trình không phép”, nội dung kết luận tại thời điểm năm 2018.
Trong quá trình chùa Phật Quang xây dựng các công trình không phép trên đất, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành lập 33 biên bản vi phạm, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các quyết định đình chỉ thi công, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
“Đại diện chùa không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả mà vẫn tiếp tục xây dựng, thể hiện sự không chấp hành pháp luật về xây dựng, không chấp hành các văn bản quản lý của cơ quan chức năng. Do vậy cần thiết xử lý tháo dỡ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý xây dựng không phép của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn”, kết luận thanh tra khẳng định.
Có thể thấy, sư Thích Chân Quang là đại diện cho các tăng ni, các vị sư trong chùa nhưng những lời thuyết giảng lại đi ngược lại với những việc đã làm hay còn gọi là “nói một đằng, làm một nẻo”.
Nguyễn Thừa - Yến Thư (Báo CÔNG THƯƠNG)