Thảm kịch đã xảy ra tại một lễ hội âm nhạc ở Houston, một sân vận động bóng đá ở Anh, trong một cuộc hành hương Hajj ở Ả Rập Xê-út, trong một hộp đêm ở Chicago và vô số các dịp đông người khác: Đám đông lớn tràn về lối ra, vào sân chơi hoặc áp sát vào sân khấu với một thứ sức mạnh khủng khiếp có thể bóp nghẹt chúng ta theo đúng nghĩa đen.
Và nó đã xảy ra một lần nữa, trong lễ hội Halloween ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nơi một đám đông xô đẩy về phía trước, con phố chật hẹp mà họ đang vui vẻ với không khí lễ hội, khiến hơn 140 người chết và 150 người khác bị thương.
Nguy cơ xảy ra những tai nạn thương tâm như vậy - những tai nạn đã được giảm bớt khi các địa điểm đóng cửa và mọi người ở nhà do đại dịch COVID-19 - đã trở lại.
Trên thực tế, hầu hết các sự kiện đông người đều diễn ra và may mắn, không có ai bị thương hoặc tử vong, người hâm mộ đến và đi mà không xảy ra chút sự cố. Nhưng những sai lầm khủng khiếp thường có chung một số đặc điểm. Và dưới đây là lý do tại sao điều đó xảy ra.
Thảm kịch xảy ra như thế nào tại những sự kiện đông người?
Nếu trong các bộ phim, đám đông cố gắng chạy trốn, giẫm đạp lên nhau có thể là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp tử vong, thì thực tế, hầu hết những người chết trong đám đông đều bị ngạt thở.
Điều chúng ta không thể nhìn thấy là một lực tác động mạnh đến mức có thể bẻ cong cả những thanh thép. Khi một lượng người đạt đến hoặc vượt quá mật độ từ 4 đến 5 người trên mét vuông, nó sẽ gây áp lực lên mỗi cá nhân. Vào những lúc như vậy, việc thở dường như là điều không thể. Mọi người tử vong vì rất nhiều cơ thể xung quanh gây áp lực đến mức họ không thể thở được.
"Khi mọi người cố gắng đứng dậy, tay và chân bị xoắn vào nhau, mất khoảng 30 giây trước khi bạn bất tỉnh và khoảng sáu phút, bạn rơi vào tình trạng ngạt thở. Đó nói chung là nguyên nhân gây tử vong - không phải bị giẫm đạp mà là ngạt thở", G. Keith Still, giáo sư thỉnh giảng về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk ở Anh, nói với NPR sau sự kiện đám đông chết người xảy ra trong đêm đầu tiên của Lễ hội Astroworld ở Houston vào tháng 11 năm ngoái.
Trải nghiệm bị bóp nghẹt giữa một đám đông toàn người với người
Những người sống sót kể rằng điều duy nhất họ nhớ là việc thở hổn hển, họ cảm giác như mình bị vùi sâu trong một trận lở tuyết vì những người khác cũng đang tuyệt vọng để thoát ra, cố gắng trèo qua họ. Họ bị ghim vào những cánh cửa không mở và những hàng rào không lối thoát.
"Những người sống sót mô tả họ dần dần bị đè nén, không thể cử động, đầu của họ 'bị khóa chặt giữa cánh tay và vai... khuôn mặt thở hổn hển vì hoảng sợ", theo một báo cáo sau thảm họa chen lấn dẫn đến chết người vào năm 1989 tại sân vận động bóng đá Hillsborough ở Sheffield, Anh, gây ra cái chết của gần 100 cổ động viên Liverpool. "Họ nhận thức được rằng mọi người đang chết nhưng bất lực trong việc tự cứu mình".
Điều gì dẫn đến những sự kiện thảm họa như vậy?
Tại một hộp đêm ở Chicago vào năm 2003, một đám đông bắt đầu dâng trào sau khi các nhân viên an ninh sử dụng bình xịt hơi cay để giải quyết một cuộc ẩu đả. 21 người đã chết khi đám đông hỗn loạn. Và trong tháng này ở Indonesia, 131 người đã thiệt mạng khi hơi cay được bắn vào một sân vận động, gây ra một sự chen lấn xô đẩy ở các lối ra.
Ở Nepal năm 1988, một trận mưa như trút nước bất ngờ đổ xuống khiến người hâm mộ bóng đá đổ xô về các lối ra sân vận động bị khóa, dẫn đến cái chết của 93 cổ động viên. Trong vụ việc mới nhất ở Hàn Quốc, một số hãng tin đã đưa tin rằng thảm họa xảy ra sau khi một lượng lớn người đổ xô đến một quán bar.
Dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn, và giờ đây, nhu cầu giải trí của con người trở nên lớn hơn bao giờ hết, và nó đồng nghĩa với việc "đám đông" đã trở lại, và cũng có thể kéo theo những hệ lụy khôn lường.
"Ở một đám đông lớn nào đó, sẽ luôn tồn tại những rủi ro", Steve Allen, người sáng lập của Crowd Safety, một công ty tư vấn tham gia vào các sự kiện lớn trên thế giới có trụ sở tại Vương quốc Anh, nói với tờ AP của Mỹ.
Theo Mywabashvalley
theo Trí Thức Trẻ