VietNamNet từng đăng tải thông tin về chiêu “hút máu” bằng lãi khủng của ứng dụng đa cấp My Aladdinz . Ứng dụng này cho phép các chủ gian hàng (người bán) và khách hàng (người mua) kết nối với nhau, để đổi lấy các sản phẩm và dịch vụ bằng hệ thống đồng Gem (đơn vị tiền tệ trong ứng dụng).
Người dùng còn có thể sử dụng đồng Gem để thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… để được hoàn tiền . Điều kiện duy nhất là phải mua Gem nạp vào tài khoản với số tiền nạp lần đầu tối thiểu 100 USD.
Ngoài việc sử dụng đồng Gem để thanh toán, ứng dụng My Aladdinz còn kêu gọi người dùng giới thiệu người khác tham gia hệ thống để được hưởng hoa hồng và trả thưởng theo tầng, bậc.
Ứng dụng huy động vốn đa cấp My Aladdinz. Ảnh: Trọng Đạt
Theo Bộ Công an, My Aladdinz có nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng Internet. Đây là hình thức trả thưởng, huy động vốn theo mô hình đa cấp ẩn dưới hoạt động thương mại điện tử, chưa được Bộ Công Thương cấp phép.
Với số lượng hơn 400.000 thành viên tham gia, My Aladdinz là một trong những mạng lưới đa cấp trái phép lớn nhất từ trước đến nay. Tuy vậy, thông tin về người đứng đằng sau ứng dụng đa cấp này vẫn còn nhiều bí ẩn.
“Cha đẻ” của My Aladdinz có thật là tỷ phú?
Cộng đồng người dùng ứng dụng My Aladdinz tại Việt Nam được xây dựng và phát triển bởi Apota Education, một công ty có trụ sở tại Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) với người đại diện pháp luật là ông Lê Hoàn (SN 1982). Ông Hoàn là diễn giả chuyên tổ chức các lớp học về kinh doanh, đầu tư, quản lý tài chính.
Trên các phương tiện truyền thông, ông Hoàn và các thành viên của Apota Education luôn khẳng định, app My Aladdinz là sản phẩm của ông Richard Tan - nhà sáng lập Success Resources. Đây là một công ty có trụ sở tại Singapore với sản phẩm kinh doanh là các khóa học của những diễn giả nổi tiếng.
Ông Lê Hoàn (người bên trái) từng nhiều lần khẳng định "cha đẻ" của app My Aladdinz là "tỷ phú" Richard Tan (người bên phải).
Để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, ông Richard Tan (hay Tan Poh Choon) luôn được giới thiệu với hình ảnh hào nhoáng là một tỷ phú USD. Tuy nhiên, sự thật dường như lại không phải như vậy.
Theo thống kê mới nhất của Forbes và Bloomberg top 500, không hề xuất hiện bất kỳ thông tin nào về vị tỷ phú có tên Richard Tan. Đây là 2 bảng xếp hạng uy tín, chuyên thống kê số lượng các tỷ phú trên thế giới.
Thông tin hiếm hoi về Richard Tan (Tan Poh Choon) - chủ tịch của Success Resources Group và Success Global Media. Tên của ông không hề có trong danh sách xếp hạng tỷ phú theo thống kê của cả Forbes và Bloomberg.
Theo tìm hiểu của Pv. VietNamNet, công ty Success Resources đã niêm yết lên sàn chứng khoán Australia dưới danh nghĩa công ty quốc tế là Success Global Media. Ở thời điểm hiện tại, công ty này có tổng giá trị vốn hóa thị trường chỉ 5,7 triệu USD.
Điều này cũng có nghĩa, ông Richard Tan - “cha đẻ” ứng dụng My Aladdinz không phải là tỷ phú USD như những gì mà "Coach" Lê Hoàn và công ty Apota đã quảng cáo.
Công ty Success Global mà Richard Tan làm chủ tịch đã niêm yết trên sàn chứng khoán Australia. Tuy vậy, vốn hóa thị trường của công ty này chưa đến 6 triệu USD.
Tai tiếng kinh doanh đa cấp của “tỷ phú” Richard Tan
Các cơ quan chức năng trong nước đã đưa ra cảnh báo về hoạt động đa cấp của ứng dụng My Aladdinz. Có một điều trùng hợp khi trong quá khứ, cha đẻ My Aladdinz - tỷ phú tự xưng Richard Tan cũng từng nổi danh với các dự án huy động vốn theo mô hình kinh doanh đa cấp.
Richard Tan - ông chủ app My Aladdinz có quá khứ gắn liền với nhiều dự án tiền ảo và đa cấp.
Vào năm 2017, thời điểm bùng nổ của các dự án tiền ảo đa cấp, Success Resources từng thành lập một công ty con với tên New Tycoon Plus. Đây là dự án huy động vốn bằng cách kêu gọi nhà đầu tư góp tiền để mua các máy đào Bitcoin, sau đó giao cho New Tycon Plus vận hành, khai thác.
Người tham gia vào mạng lưới này sẽ phải mua các gói đầu tư với gói nhỏ nhất có giá trị 100 USD. Họ nhận được lời hứa hẹn trả lãi suất cao với mức lợi tức lên tới 128% trong 7 tháng.
"Tỷ phú" Richard Tan trong sự kiện ra mắt New Tycoon Plus - công ty huy động vốn bằng cách kêu gọi nhà đầu tư góp tiền để mua máy đào "tiền ảo".
Để lôi cuốn các nhà đầu tư, New Tycoon Plus của “tỷ phú” Richard Tan còn phát triển đội ngũ “chân rết” theo mô hình đa cấp. Có tổng cộng 12 tầng cấp bậc trong mô hình đa cấp này. Người tham gia sẽ được thưởng hoa hồng 10% nếu mời gọi thành công F1. Họ cũng sẽ nhận được từ 1-4% nếu hệ thống tuyến dưới thu hút được các nhà đầu tư mới tham gia.
Cũng giống như nhiều dự án tiền ảo đa cấp khác, mô hình “lấy tiền người sau trả tiền người trước” của New Tycoon Plus không bền vững và đã sớm phải hạ màn ngay sau đó.
"Tỷ phú" Richard Tan trong lần hiếm hoi có mặt tại Việt Nam để giới thiệu về app My Aladdinz.
Chưa dừng lại ở đây, vào năm 2018, công ty Success Resources còn tổ chức huy động vốn dưới hình thức ICO bằng việc tung ra một loại “tiền ảo” có tên SuccessLife Token. Mục tiêu của dự án này là biến SuccessLife Token (SXL) trở thành công cụ thanh toán cho chính các khóa học của Success Resources cùng các đối tác.
Việc mở bán SuccessLife Token đã thu về cho Richard Tan số tiền lên tới 8 triệu USD. Tuy nhiên, dự án này đã sớm phá sản chỉ hơn nửa năm sau đó.
Theo thống kê của mạng Blockchain Ethereum, ở thời kỳ cao điểm nhất, đồng "tiền ảo" SuccessLife Token (SXL) do Success Resources phát hành cũng chỉ có 130 giao dịch. Hiện tại, giá của SXL đã về 0, tức là vô giá trị.
Từ câu chuyện trên, có thể thấy viễn cảnh mà những nhà đầu tư vào ứng dụng đa cấp My Aladdinz sẽ phải đối mặt. Đó là khi họ không tìm được người mới tham gia vào hệ thống để thanh khoản các đồng Gem. Lúc này, từ mức giá quy ước 1 USD, đồng Gem sẽ trở nên vô giá trị, hệt như với dự án tiền ảo SuccessLife Token trước đó.
Nhìn chung, nhà đầu tư và người sử dụng cần cảnh giác trước mô hình kinh doanh thiếu bền vững và minh bạch của ứng dụng đa cấp My Aladdinz. Với những tai tiếng trong quá khứ của “tỷ phú” Richard Tan, đầu tư vào My Aladdinz rõ ràng là một sự lựa chọn không sáng suốt.
Không chỉ My Aladdinz, người dùng cũng nên cảnh giác khi đầu tư vào các khóa học của Edunetwork . Dù được quảng cáo là phát triển theo mô hình Affiliate, có không ít nghi ngại về việc dự án này thực chất chỉ là hoạt động bán hàng đa cấp trá hình.
Theo Trọng Đạt
ICTNews/Vietnamnet