Cuộc sống của nhiều gia đình Việt thay đổi vì dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều gia đình Việt. Dưới đây chia sẻ của một số gia đình trong mùa dịch.
Có con sau nhiều ngày mong ngóng
Chị Nguyễn Thanh Hương, 31 tuổi, là giáo viên ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Còn chồng chị - anh Trần Anh Minh, 36 tuổi, là kỹ sư xây dựng. Sau khi sinh được một bé gái vào năm 2015, họ muốn sinh con thứ hai nhưng chờ mãi mà con chưa đến.
Những ngày đầu tháng 3, dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Bình Thuận khi bệnh nhân số 34 đi du lịch ở Mỹ về. Sau đó, địa phương này có tổng cộng 9 người lây bệnh từ bệnh nhân 34. Họ gồm chồng, con dâu, nhân viên, lái xe… của bệnh nhân này.
Anh Minh làm kỹ sư cho một công ty xây dựng ở Bình Thuận và có gặp con dâu bệnh nhân 34 khi đi mua vật liệu xây dựng cho công ty. Lúc tiếp xúc, anh có mang khẩu trang, kính mắt và đứng cách xa, sau đó rửa tay bằng nước sát khuẩn mang theo.
Khi biết tin con dâu bệnh nhân 34 dương tính với dịch Covid-19, anh Minh đến trình báo với cơ quan y tế là mình đã tiếp xúc, báo với công ty và tự cách ly tại nhà theo sự hướng dẫn của cơ quan y tế.
Đến nay, anh Minh đã tự cách ly tại nhà được 10 ngày, không có dấu hiệu bệnh, xét nghiệm có kết quả âm tính. Chị Hương cho biết, đúng ngày anh Minh thực hiện việc cách ly tại nhà thì chị biết mình đã mang thai con thứ hai được hơn hai tháng. 'Giữa dịch Covid-19, nhà tôi buồn vui lẫn lộn. Vui vì sau nhiều ngày mong ngóng thì con đến nhưng lại lo cho sức khỏe của anh ấy', chị Hương nói.
Chị cũng cho biết, những ngày tự cách ly tại nhà, anh Minh thực hiện đúng theo những hướng dẫn của cơ quan y tế. 'Anh ấy ở trong phòng cả ngày. Nhà bố mẹ chồng ở gần nên tôi và con gái qua đó. Còn bốn ngày nữa anh ấy hết thời hạn cách ly rồi', chị Minh nói, giọng lạc quan.
Nấu cơm mang đi làm
Những món ăn chị Mai nấu mang đi làm.
Chị Chi Mai là người Bắc, vào Sài Gòn định cư cùng chồng hơn 8 năm. Chị làm biên tập viên, chồng chị làm nhân viên kinh doanh. Đang sống cùng bố mẹ chồng nên những việc ăn, ở, sinh hoạt, chị không phải lo. Việc vào bếp nấu ăn của chị cũng rất hiếm.
Bữa trưa, hai vợ chồng chị đi ăn ở các quán có món Bắc. Cuối tuần thì cả nhà đưa nhau đi ăn uống bên ngoài.
Hơn hai tháng qua, chị thấy trình độ nấu ăn của mình đã lên tay và chăm chỉ làm việc nhà hơn. Buổi sáng, chị dậy sớm tập thể dục cùng bố mẹ chồng. Việc này, trước đây chị rất ít khi làm.
Sau đó, chị vào bếp, nấu cơm rồi mang đến chỗ làm để ăn trưa. Các món ăn chị thay đổi theo ngày, hôm có cá kho, hôm thịt kho tàu, hôm có cánh gà chiên nước mắm… Chị Hương cho biết, các món ăn này chị tự học trên mạng, hoặc từ mẹ chồng.
'Mới đầu, tôi nấu bị mặn, hôm thì nhạt, khi chiên cánh gà bị cháy. Giờ, tôi nấu dù không đẹp mắt, nhưng chồng tôi ăn cũng khen ngon', chị Hương nói. Tất cả các món ăn của bữa trưa tại chỗ làm, chị đều chụp hình lại đăng trên trang cá nhân.
'Vậy là, sau những ngày chống dịch, tôi đã thành cô Tấm, chăm chỉ nấu cơm ở nhà mang đi ăn. Nấu ăn ở nhà vừa sạch, vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo, sao chúng ta không làm nhỉ', chị Hương viết.
Hối hận vì trữ đồ ăn quá nhiều
Nhiều người có tâm lý mua đồ tích trữ để hạn chế việc ra ngoài, đặc biệt là tới nơi đông người.
Vợ chồng chị Minh Châu, ở phường Phú Hữu, Quận 9, TP.HCM cưới nhau được hơn 9 năm, có hai con trai, 8 và 3 tuổi. Chị cho biết, hơn 2 tháng qua, vợ chồng chị ngày nào cũng cập nhật các tin tức về tình hình dịch bệnh: số ca nhiễm mới, các ca được xuất viện, hay cách đeo khẩu trang, rửa tay, cách phòng tránh, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa.
'Cứ đọc báo có ca nhiễm mới là tôi rất lo', chị Châu nói.
Khi Việt Nam ghi nhận thêm ca nhiễm thứ 17, chị Châu đọc thông tin lan truyền trên mạng xã hội là người dân chen chúc đi mua thực phẩm về trữ nên lo lắng.
'Thấy người ta ào đi mua, tôi cũng đi siêu thị và chợ mua thịt, cá, mì tôm, đồ khô, bánh kẹo, gạo, nước mắm, trái cây, rau củ... Tôi sợ, nếu trường hợp nơi ở có người nhiễm bệnh sẽ phải cách ly thì không đi được chợ, đồ ăn không có. Tổng cộng, tôi mua hết hơn 5 triệu đồng', chị Châu kể.
Sau khi trữ thực phẩm xong, chị Châu nhận được thông báo của trường hai con trai là học sinh được nghỉ học đến ngày 5/4. Chị làm kế toán, chồng thì làm kiến trúc sư. Hai vợ chồng không được nghỉ làm trong mùa dịch nên phải nhờ mẹ chị lên trông cháu giúp. 'Ở quê, mẹ tôi còn trâu bò, rẫy, lo cơm nước cho ba tôi nên chỉ lên phụ được 1-2 tuần. Nghe tin con được nghỉ học dài, tôi phải để mẹ đưa con về quê', chị Châu thông tin.
Con về quê, hai vợ chồng đi làm cả ngày, số rau củ, thực phẩm không dùng kịp nên bị hỏng, phải mang đổ. Thịt cá tươi để lâu ngày ăn không có vị, chị cũng phải 'giải tán'. 'Tôi chỉ chừa lại ba thùng mì tôm, mớ đồ khô, mà không biết bao giờ mới ăn hết', chị Châu rầu rĩ.
Nguồn: Diệu Thuần/ Vietnamnet.vn