Trong bối cảnh nhiều quốc gia chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, chính quyền địa phương, đặc biệt là của các đô thị lớn, cho rằng người dân thành phố sẽ hạn chế tham gia giao thông công cộng vì vẫn lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại.

132 1 Xu Huong Thoi Dich 5 Thanh Pho Lon Bien Duong Pho Thanh Lan Duong Cho Xe Dap

Vậy thì, xe đạp có thể là một phương tiện thay thế hiệu quả, ít nhất là cho việc di chuyển gần trong thành phố. Không chỉ đảm bảo khoảng cách an toàn, xe đạp cũng sẽ giúp người dân thoải mái hơn sau gần 2 tháng ở nhà. Hơn nữa, thời tiết cuối Xuân rất phù hợp cho việc đạp xe.

Tuy nhiên, các địa phương đang vấp phải một trở ngại là thiếu cơ sở hạ tầng an toàn cho người đi xe đạp. Nhận thức được vấn đề này, nhiều đô thị lớn trên khắp thế giới có ý định tạo ra làn đường dành riêng cho xe đạp.

Bogotá

Thủ đô Bogotá của Colombia, thành phố vốn tự hào vì có một trong những mạng lưới đường không ô tô rộng nhất thế giới.

Chính quyền thủ đô Colombia đã chuyển 100km đường phố thành các làn xe đạp để giảm bớt sự quá tải trên các phương tiện công cộng, cải thiện chất lượng không khí và ngăn chặn sự lây lan của virus corona Vũ Hán.

Berlin

Berlin có một lịch sử phong phú và một văn hóa sôi động - mỗi góc đều có một câu chuyện để kể. Mạng lưới giao thông công cộng nơi đây rộng rãi và thân thiện, nhưng trong tình trạng cách ly toàn xã hội, cách tốt nhất để di chuyển ở Berlin là bằng xe đạp. 

Bình thường Berlin đã là một trong những thành phố thân thiện với xe đạp nhất thế giới. Ở đây có rất nhiều con đường tiện lợi để thuê xe đạp.

Hiện nay, nước Đức đang mở rộng những làn đường vàng cho xe đạp trên các phố lớn tại thủ đô. Vì vậy, một lượng lớn người đạp xe có thể thoải mái di chuyển tại nơi đây một cách an toàn. 

Mexico

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh và lượng ô tô tăng cao tiếp tục đặt ra nhiều thách thức về môi trường đối với Mexico. Năm 2019, chính quyền thủ đô Mexico City ưu tiên triển khai chương trình phòng chống ô nhiễm không khí, gồm các biện pháp hạn chế lưu thông ô tô, trồng mới 10 triệu cây xanh và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên dịch bệnh đã làm các hình thức giao thông công cộng không thể phát huy tác dụng. Thành phố muốn tạm thời tăng gấp bốn lần các làn đường xe đạp hiện có.

Giống Bogotá, ngoài mục đích chính ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhờ giảm bớt việc tụ tập đông người, mở rộng các làn đường dành riêng cho xe đạp còn có tác động tích cực đến môi trường.

Budapest

Budapest là thành phố có diện tích rộng và hệ thống giao thông công cộng chằng chịt. Năm 2014, 65% lượng người tham gia giao thông tại Budapest sử dụng phương tiện giao thông công cộng. 

Trong tình hình đại dịch toàn cầu, chính quyền thành phố đã tăng cường các làn đường dành cho xe đạp, để cung cấp cho người dân một sự thay thế an toàn hơn cho việc đi lại.

Đại dịch đã làm giảm 90% lượng hành khách trên các phương tiện công cộng ở một số tuyến đường trong thành phố này.

Vancouver

Việc đi lại ở Vancouver rất đơn giản, ở đây có hệ thống Skytrain lâu đời và nhanh chóng nhất thế giới, ngoài ra bạn có thể chọn phương tiện công cộng khác như xe bus và Seabus.

Tuy nhiên trước đại dịch toàn cầu, thành phố này đã cấm tất cả xe cộ đi lại đến Công viên Stanley. Họ dành toàn bộ diện tích của công viên lớn nhất Bắc Mỹ này cho xe đạp. Dân chúng có thêm nhiều không gian để dạo chơi, đi xe đạp và tập luyện. 

Trong thời điểm nhà nhà cách ly, người người cách ly, việc khuyến khích đạp xe là một chính sách đúng đắn của các thành phố. Hẳn chúng ta đều biết đạp xe đạp là một bài tập thể dục rất dễ dàng thực hiện nhưng luôn đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho cơ thể mỗi người, vừa phòng chống được nhiều bệnh, vừa là hoạt động thư giãn sau khoảng thời gian tự cách ly tại nhà.

Việc đạp xe thường xuyên sẽ giúp tăng cường sự nhẫn nại, tăng sức bền, độ dẻo dai, thúc đẩy cảm giác hạnh phúc và khả năng cố gắng vượt qua khó khăn, tự tin xử lý các tình huống, thử thách của con người. 

Vậy bạn đã có một chiếc xe đạp chưa?

My My

Theo World Economic Forum