Hà Nội năm 1975 - Ảnh: Thomas Billhardt: ©WE
Đường phố Hà Nội năm 1975 - Ảnh: Thomas Billhardt: ©WE
Một Hà Nội những năm 1967-1975 thân thương và cảm động như thế tưởng đã mất dấu hoàn toàn khỏi Hà Nội hôm nay, bỗng trở về trong triển lãm ảnh đặc biệt Hà Nội 1967-1975 của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức Thomas Billhardt tại cả hai không gian triển lãm của Manzi, 14 Phan Huy Ích và số 2 Ngõ Hàng Bún, từ 3-10 đến 15-11.
130 bức ảnh đen trắng và màu được Thomas chụp trong 6 chuyến đi tới Việt Nam của ông từ 1967-1975, những bức ảnh đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới - một lần nữa được giới thiệu trọn vẹn đến công chúng Việt Nam
Triển lãm do Viện Goethe, Camera Work, Nhã Nam và Manzi tổ chức, như một món quá quý cho tất cả người Hà Nội và những ai thương quý thành phố đặc biệt này.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1972 - Ảnh: Thomas Billhardt: ©WE
Nó không chỉ mang đến xúc động cho những người Hà Nội từng sống qua giai đoạn đặc biệt này, mà còn cả những rung động khám phá cho các bạn trẻ.
Ở đó, công chúng thích thú và cảm động ngắm nghĩa niềm vui đón đứa trẻ chào đời trong thời chiến, những hầm trú bom chằng chịt trên hè phố, những phố xá thưa người hay những con phố đầy xe đạp, những dáng người lầm lụi trong mưa, những phi công Mỹ nhận thư nhà trong trại giam, những gương mặt trẻ thơ trong sáng vẫn bừng lên trong nghiệt ngã chiến tranh, những tàu điện chật ních người.
Rồi nữa, những người đàn bà xếp hàng chờ hứng từng giọt nước máy công cộng, lũ trẻ chơi cầu trượt bên vườn hoa còn ngổn ngang gạch đá xây dựng, những lớp học vẽ ngoài trời, sân Hàng Đẫy ken đầy những người đội mũ cối và thấp thoáng nón lá xem bóng...
Đó là "cả một vùng ký ức Hà Nội đủ đầy... Tất cả như một bản trường ca tỉ mẩn vẽ nên cuộc sống bộn bề gian khổ nhưng đầy thân ái yêu thương...", như nhà văn Đỗ Phấn, một người Hà Nội cũ nhận xét.
Theo ông Đỗ Phấn, người Hà Nội chụp ảnh về Hà Nội rất nhiều, nhưng ngạc nhiên là ta chưa có một bộ ảnh đời thường nào đủ đầy đến thế.
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt - Ảnh: Viện Goethe
Còn ông Wilfried Eckstein - viện trưởng Viện Goethe - viết: "Đó là những bức ảnh khiến người ta không thể quên, luôn hiển hiện ra trước con mắt của tâm trí. Những bức ảnh của ông bắt thế giới phải tự soi lại mình và đồng thời cho thấy hi vọng vẫn tồn tại.
Chúng kể cho ta nghe về sự bất công xã hội trên thế giới, về sự nghèo đói, về sự đau khổ, về chiến tranh, nhưng cũng về cuộc sống của con người và nụ cười của họ".
Dịp này, cuốn sách ảnh Hà Nội 1967-1975 cũng sẽ được Viện Goethe và Nhã Nam xuất bản. Sự kiện trò chuyện với nghệ sĩ và ra mắt sách, trình chiếu phim sẽ được tổ chức vào giữa tháng 10.
Từ năm 1967 đến 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam sáu lần, và trở lại sau đó sáu lần nữa.
Những bức ảnh chụp trong các chuyến đi này từng được xuất bản trong bốn cuốn sách ảnh: Những phi công mặc pyjama (1968), Khát vọng hoà bình: Việt Nam (1973), Hà Nội - Những ngày trước hoà bình (1973) và Những gương mặt Việt Nam (1978).
Một số hình ảnh sẽ được giới thiệu tại triển lãm:
Hầm tránh bom năm 1968 - Ảnh: Thomas Billhardt: ©WE
Nhà cổ ở Hà Nội năm 1975 - Ảnh: Thomas Billhardt: ©WE
Phố Hàng Đào năm 1975 - Ảnh: Thomas Billhardt: ©WE
Sân vận động Hàng Đẫy năm 1975 - Ảnh: Thomas Billhardt: ©WE
Tàu điện trên đường phố Hà Nội năm 1975 - Ảnh: Thomas Billhardt: ©WE
Vườn hoa Chí Linh năm 1975 - Ảnh: Thomas Billhardt: ©WE
Em bé Hà Nội năm 1975 - Ảnh: Thomas Billhardt: ©WE
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online