Con người có nhiều mặt, tự biết mình không dễ, muốn nhìn người lại càng khó thay. Các bậc trí giả từ xưa đến nay đều lưu lại cho chúng ta rất nhiều câu danh ngôn và phương pháp nhận biết, đánh giá một con người.
Trong “Luận Ngữ” có giảng rằng: Nhìn việc họ làm, xem nguyên nhân họ làm, xét việc khiến họ an vui, thì sẽ biết họ là người như thế nào. Là người như thế nào làm sao mà giấu được? Làm sao mà giấu được?
Chú ý quan sát hành vi cử chỉ của một người và ánh mắt, vẻ mặt của người ấy, đồng thời xem xét cách suy nghĩ của họ, qua một thời gian lâu, chỉ cần phân tích một cách tổng hợp, thì người này dẫu như thế nào cũng không thể che giấu bản thân.
Muốn phán đoán xem một người có đáng kết thâm giao hay không, điều quan trọng là nhìn vào 5 điểm này:
Nhận thức về chữ “Lợi”
Khổng Tử nói: “Quân tử hiểu rõ về nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi.”
Người có đức hạnh thường coi trọng đạo đức và đạo nghĩa, kẻ tiểu nhân tự tư thường đặt lợi ích lên vị trí hàng đầu. Việc truy cầu lợi ích cá nhân là quyền lợi, nhưng nếu một người vì lợi ích của bản thân mà không để tâm tới đạo đức, không kiêng sợ bất cứ điều gì, không màng tình thân, vậy thì người này tuyệt đối không đáng kết thâm giao.
Nếu một người đứng trước lợi ích vẫn có thể giữ vững nguyên tắc và đạo đức trong tâm, cân nhắc nhân luân, thân tình, có thể lấy đại cục làm trọng, thì người này ắt là người đáng kết giao nhất.
Cách chung sống với mọi người như thế nào
Khổng Tử nói: “Quân tử đối xử với tất cả mọi người đều công bằng như nhau; kẻ tiểu nhân lại thường thích kết bè kết phái.”
Kéo bè kết đảng là vì điều gì? Đa số không phải vì muốn làm một việc tốt nào đó, mà là đả kích, bài xích, áp chế, cô lập những người khác mình, xâm phạm tới lợi ích của bản thân mình.
Cho nên, dù là nơi quan trường hay trong một tổ chức nào đó, nếu một người hoà nhã với mọi người, có thể chung sống được với tất cả mọi người, thì người này chắc chắn có tấm lòng thoáng đãng, quang minh lỗi lạc.
Nhìn người – Nhìn chữ “Tín”
Nhìn người, nhận biết một người có đáng tin hay không, không cần phải phí sức quan sát họ trường kỳ như thế nào, chỉ cần nhìn xem họ nói có giữ lời hay không, đối đãi với người khác có thủ tín hay không.
Một người coi trọng tiết tháo, tuyệt đối sẽ không dễ dàng bội bạc lời hứa, vứt bỏ sự thành tín. Một người trong tâm vô nguyên tắc sẽ thường không màng tới bất kể điều gì, khi hành sự thường lấy mình làm trung tâm, những việc đã hứa hẹn với người khác cũng không thủ tín.
Thủ tín là đạo đức tiết tháo cơ bản nhất của một con người. Người không có uy tín chi bằng sớm hãy rời xa họ!
Thái độ với thân nhân
Khi đối đãi với cha mẹ, điều khó nhất là luôn giữ được tâm thái và sắc mặt vui vẻ. Căn bệnh thông thường của con người là thiện đãi người ngoài mà bạc đãi người nhà. Nhưng một người thực sự có tu dưỡng thì khi đối diện với con cái và cha mẹ mình đều có thể giữ được một thái độ hoà nhã.
Cho nên, đề cao tu dưỡng của bản thân, tuyệt đối không chỉ là sự thể hiện hàm dưỡng, tiết tháo thong dong, thư thái với người ngoài. Điều quan trọng hơn, là khi đối diện với người gần gũi mình nhất vẫn có thể khiêm nhường, ôn nhu, tâm bình khí hoà.
Cách đối đãi với sai sót
Nhìn người dễ dàng nhất là từ trong sai sót của họ. Những người xảo trá thường phạm sai lầm vì vô nguyên tắc, kẻ gian ngoan thường vấp ngã vì lừa đảo. Kẻ sỹ chân chính thường bị vùi dập vì dám bảo vệ chính nghĩa, nhưng người quá cố chấp lại thường đụng phải tường vì sự ấu trĩ của bản thân.
Cách một người sửa sai lại càng cho ta biết được nhiều hơn về người đó. Ai chẳng có sai sót, quan trọng là dám dũng cảm đối mặt và sửa chữa. Vậy nên sai sót là tấm gương soi cho mỗi người, nhìn vào sai sót có thể nhận biết được con người họ.
Theo Aboluowang
Thiên Cầm biên dịch