Hạt tiêu đen là một gia vị phổ biến với hương vị cay nồng đặc trưng do thành phần alkaloid của nó, còn được gọi là piperine. Nó có thể ngăn ngừa và kiểm soát sự phát triển của khối u, cải thiện sức khỏe đường ruột, có đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Hạt tiêu có nguồn gốc từ Ấn Độ, vốn được trồng hàng ngàn năm và được du nhập vào phương Tây dưới thời Alexander Đại đế vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Vào thời cổ đại, hạt tiêu là một mặt hàng quý giá, thường sử dụng như một hình thức tiền tệ để đánh thuế và cống nạp, thậm chí còn được dùng như một phương tiện trao đổi phổ biến tương tự như vàng.
Nó là một loài dây leo có hoa thuộc họ Hồ tiêu, quả khô có thể dùng làm gia vị. Hai loại phổ biến nhất là tiêu đen, được làm từ quả chưa chín của cây tiêu và tiêu trắng, được làm từ quả chín.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ FoodData Central, hạt tiêu đen chứa các chất dinh dưỡng như magie, vitamin K, sắt và chất xơ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng so với hạt tiêu trắng, chiết xuất hạt tiêu đen chứa nhiều polyphenol hơn, có hoạt tính chống oxy hóa và thu gom gốc tự do cao hơn.
Sử dụng đồng thời vitamin và khoáng chất với piperine trong hạt tiêu có thể làm tăng khả dụng sinh học của chúng trong cơ thể. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrient vào năm 2020 cho thấy, các hợp chất piperine có thể tạo điều kiện tốt cho quá trình hấp thụ các chất như sắt và beta-carotene, đặc biệt là khi kết hợp với curcumin.
Ngoài ra, hạt tiêu đen còn mang lại 5 lợi ích chính sau đây:
Các lợi ích sức khỏe của tiêu đen
1. Chống béo phì
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã phát hiện rằng, thông qua các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và mô hình máy tính, piperine có thể can thiệp vào hoạt động của các gen chịu trách nhiệm kiểm soát sự hình thành các tế bào mỡ mới, do đó ngăn chặn sự hình thành của chúng. Trong quá trình này, piperine cũng có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền trao đổi chất để giúp điều chỉnh chất béo theo những cách khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng phát hiện này có thể tạo tiền đề cho việc sử dụng rộng rãi piperine hoặc chiết xuất hạt tiêu đen để chống béo phì. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Agricultural and Food Chemistry vào năm 2012.
2. Ngăn ngừa và kiểm soát ung thư
Một nghiên cứu được Trung tâm Ung thư của Đại học Michigan thực hiện cho thấy piperine có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú.
Các nhà nghiên cứu đã chuẩn bị dung dịch curcumin nồng độ cao từ nghệ và piperine từ hạt tiêu đen, sau đó phát hiện ra rằng cả hai hợp chất này có thể ức chế sự phát triển của tế bào gốc vú. Hơn nữa, tác dụng ức chế thậm chí còn đáng kể hơn khi cả hai được kết hợp và chúng không ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào vú bình thường.
3. Bảo vệ hệ tim mạch
Các thử nghiệm lâm sàng đã xác nhận rằng piperine có thể ngăn ngừa và điều trị các bệnh mãn tính khác nhau, bao gồm tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn thần kinh, bệnh tim mạch, v.v.
Một nghiên cứu cho thấy piperine có thể giúp loại bỏ cholesterol dư thừa trong máu, ngăn ngừa sự tích tụ cholesterol trong đại thực bào có thể dẫn đến xơ vữa động mạch. Nó còn thúc đẩy quá trình vận chuyển cholesterol trong mạch máu đến gan để tạo thành mật, sau đó được giải phóng vào ruột non để bài tiết ra khỏi cơ thể qua phân.
4. Thúc đẩy tiêu hóa
Ngoài ra, piperine có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa bằng cách kích thích tiết ra các enzym tiêu hóa. Một đánh giá tài liệu được công bố trên tạp chí Critical Reviews in Food Science and Nutrition năm 2007 cho thấy, piperine trong chế độ ăn uống có thể kích thích tuyến tụy tiết ra các enzym tiêu hóa, do đó cải thiện chức năng tiêu hóa và tăng tốc độ di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa. Các loại gia vị như hạt tiêu đen còn có thể tăng cường hoạt động của amylase nước bọt, protease tuyến tụy và lipase tuyến tụy, cũng như thúc đẩy quá trình tiết axit mật.
Ngoài tác dụng kích thích tiết men tiêu hóa, piperin còn có tác dụng giúp tăng khả năng hấp thu của tế bào ruột non.
5. Tăng cường khả năng miễn dịch
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Medicinal Food năm 2010 chỉ ra rằng, hạt tiêu đen có tác dụng điều hòa miễn dịch và chống khối u, khiến nó trở thành tác nhân tự nhiên để duy trì và thúc đẩy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Các thử nghiệm lâm sàng cũng đã xác nhận rằng piperine có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do virus, vi khuẩn và nấm.
Tiến sĩ Pei-Chen Lin, giám đốc Phòng khám Y học Trung Hoa Li Xiang ở Đài Bắc (Đài Loan), đã viết trên trang web chính thức của phòng khám về lợi ích dinh dưỡng và sức khỏe của hạt tiêu. Theo Lin, hạt tiêu có thể xua tan cảm lạnh và thúc đẩy tiêu hóa một cách hiệu quả.
Hạt tiêu trắng có giá trị dược liệu cao hơn và thường được sử dụng trong y học cổ truyền để hỗ trợ tiêu hóa, giảm nhờn, kích thích ăn ngon và giảm đầy bụng. Tiêu đen với hương vị đậm đà rất thích hợp để chế biến món ăn, đặc biệt là để khử mùi tanh khi nấu cá.
Tiến sĩ Lin chia sẻ hai cách tiêu thụ hạt tiêu đen:
1. Nước đường đen tiêu
Để điều trị cảm lạnh, hãy nghiền một ít hạt tiêu đen, rồi trộn với đường đen và nước nóng để uống. Đối với cảm lạnh do tiếp xúc với không khí lạnh, nên dùng nó trong giai đoạn đầu của các triệu chứng để có kết quả tốt nhất.
Ngoài ra, bài thuốc này còn có tác dụng chữa các chứng đau bụng do lạnh và các bệnh khác do lạnh gây ra. Ví dụ, nó có thể làm giảm các triệu chứng như đau dạ dày và đau do ăn dưa hấu hoặc nước đá trong mùa hè.
2. Khoai tây tiêu đen
Hấp 200g khoai tây trong nồi hấp, nghiền thành bột nhuyễn, trộn đều với 5g bơ, thêm một ít tiêu đen giã nhỏ trước khi ăn.
Hạt tiêu hiện có trên thị trường có thể được phân loại thành tiêu bột và tiêu hạt. Theo tiến sĩ Lin, mặc dù bột tiêu tiện lợi hơn nhưng các hoạt chất của nó có xu hướng phân hủy dần và bay hơi theo thời gian. Ngoài ra, bột tiêu thường chứa thêm muối. Do đó, cô khuyên bạn nên mua tiêu hạt và xay thành bột khi cần thiết để có hương vị tươi hơn. Mặc dù hạt tiêu thích hợp để bảo quản trong tủ lạnh nhưng tốt nhất không nên mua quá nhiều một lúc để tránh bị ẩm và hư hỏng.
Tiến sĩ Lin nhấn mạnh rằng hạt tiêu đen được coi là thực phẩm “nóng”, nghĩa là nó không phù hợp với những người bị mụn trứng cá hoặc táo bón. Những người bị khô miệng và khát nước quá mức cũng nên tránh tiêu thụ quá nhiều hạt tiêu đen. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều hạt tiêu có thể gây hại cho phổi, vì vậy những người có chức năng phổi kém nên hạn chế ăn hạt tiêu đen.
Theo David Chu từ The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch
David Chu
David Chu là một nhà báo ở London, đã làm việc trong lĩnh vực tài chính gần 30 năm tại các thành phố lớn ở Trung Quốc và nước ngoài, bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Ông sinh ra trong một gia đình chuyên về Y học cổ truyền Trung Quốc và có nền tảng về văn học cổ đại Trung Quốc.