Không cần lò nướng, bạn vẫn có thể làm những món bánh tráng miệng ngon như ngoài hàng chỉ với một chiếc chảo và chút khéo léo.
1. Bánh dorayaki
Nguyên liệu:
- 1 chén bột mì
- 1/2 chén đường
- 2 quả trứng
- 3-4 muỗng canh nước
- 1/2 muỗng cà phê bột nở
- 1 muỗng canh mật ong
- Dầu ăn
- Đậu đỏ
Cách làm:
Bước 1: Trộn đều 2 quả trứng với đường. Hòa bột nở với nước rồi cho bột nở hòa tan với mật ong vào hỗn hợp trứng đường trộn tiếp.
Bước 2: Rây bột mì vào hỗn hợp rồi trộn đều. Để bột nghỉ trong 30 phút. Nếu hỗn hợp bột bánh quá đặc, thêm một thìa canh nước ngay vào lúc này.
Bước 3: Làm nóng chảo ở nhiệt độ thấp. Sử dụng giấy thấm dầu thoa một lớp dầu vào trong chảo. Sau đó dùng giấy lau sạch chảo. Để nhỏ lửa, dùng muôi nhỏ, múc bột đổ từ trên cao xuống chảo để bánh tròn đều, sau đó rán bánh với lửa vừa.
Bước 4: Rán bánh cho đến khi bề mặt bánh xuất hiện bong bóng và mặt dưới có màu vàng nâu (chỉ trong 2-3 phút). Lật bánh và rán tiếp mặt kia khoảng 1-2 phút. Lặp lại quá trình rán bánh với số bột còn lại.
Bước 5: Làm nhân đậu đỏ. Đậu đỏ sau khi ngâm qua một đêm đem cho vào nước đun sôi rồi vớt ra để nguội. Sau đó nấu lại một lần nữa đến khi nhừ.
Bước 6: Đổ đậu vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn. Sau đó thêm một ít đường và muối, nấu cùng đậu đỏ trong nồi đến khi hỗn hợp đặc lại.
Bước 7: Phết nhân đậu đỏ lên mặt bánh. Lấy thêm một miếng khác kẹp lại là bạn đã có một chiếc bánh Dorayaki ngon lành.
2. Bánh cream bun
Nguyên liệu:
Nhân Custard (nhân kem trứng sữa):
- 250 ml sữa tươi có đường
- 15 g bơ
- 3 lòng đỏ trứng gà
- 50 g đường cát trắng
- 20 g soft flour.
Phần vỏ bánh:
- 300 g bột mì (loại có hàm lượng Gluten cao)
- 80 g soft flour
- 5 g muối tinh
- 60 g đường cát trắng
- 5 g men nở khô
- 60 ml nước ấm
- 80 ml sữa tươi có đường ấm
- 20 ml heavy cream ấm
- 2 quả trứng gà
- 40 g bơ nhạt
Cách làm:
Bước 1: Cho sữa tươi và bơ vào một chiếc nồi chống dính, đặt nồi lên bếp, chỉnh mức lửa vừa. Đun đến khi sữa sôi lăn tăn và bơ tan chảy hoàn toàn. Dùng muôi khuấy nhẹ cho bơ hòa vào sữa, để nguội.
Bước 2: Tách lấy 3 lòng đỏ trứng gà vào một bát tô thủy tinh chịu nhiệt. Tiếp tục cho thêm vào đó 50 g đường cát trắng, 20 g soft flour. Dùng muôi trộn đều đến khi được một hỗn hợp nhuyễn mịn, sánh, màu vàng tươi.
Bước 3: Chia hỗn hợp bơ sữa thành 2 phần. Cho phần hỗn hợp đầu tiên còn ấm vào hỗn hợp trứng khuấy đều rồi mới tiếp tục cho tiếp phần thứ 2 vào. Lọc hỗn hợp qua rây. Đun hỗn hợp ở lửa nhỏ, khuấy nhẹ tay đến khi hỗn hợp custard cream (kem trứng) đặc lại, sánh mịn, và có độ dẻo, đàn hồi. Trút hỗn hợp ra bát tô sạch rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại.
Bước 4: Rây mịn hỗn hợp bột gồm 300 g bột mì (strong flour) và 80 g soft flour ra một mặt phẳng sạch, thêm muối, đường cát trắng và men nở khô vào trộn đều.
Bước 5: Cho 60 ml nước ấm, 80 ml sữa tươi có đường ấm, 20 ml heavy cream ấm vào một chiếc cốc to, khuấy nhẹ. Cho 2 quả trứng gà vào một chiếc bát con và dùng thìa khuấy đều cho trứng tan ra. Trút trứng và sau đó tới hỗn hợp sữa vào hỗn hợp bột. Dùng muôi khuấy nhẹ từ trong ra ngoài để hỗn hợp bột quyện vào hỗn hợp trứng – sữa.
Bước 6: Sau đó dùng tay nhào bột thành một khối dẻo mịn, đàn hồi. Cho 40 g bơ nhạt vào giữa khối bột rồi tiếp tục nhào. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại. Lấy tăm xiên thủng vài lỗ trên màng bọc để thoát khí. Ủ bột trong khoảng 1 giờ đến khi nó nở ra gấp đôi là được.
Bước 7: Rắc một lớp bột mì lên mặt phẳng sạch rồi đặt khối bột vừa ủ lên, lăn tròn cho nó được bao một lớp bột áo rồi dùng tay dàn phẳng khối bột ra. Chia thành khoảng 10 – 12 phần rồi vê tròn với kích thước bằng quả bóng tennis.
Bước 8: Với mỗi khối bột nhỏ, bạn tiếp tục nhào thêm 1 chút rồi nặn tròn lại, vuốt cho bề mặt bột mịn hơn. Đặt các khối bột cách nhau khoảng 5 cm, phủ một lớp màng bọc thực phẩm lên và tiếp tục ủ trong 15 phút.
Bước 9: Trải một lớp bột áo ra mặt phẳng. Đặt từng viên bột lên rồi dùng cán lăn dàn phẳng khối bột. Cho 2 thìa nhân kem trứng vào rồi gấp bột lại thành hình bán nguyệt rồi dính chặt lại. Đặt bánh lên khay có lót giấy chống dính rồi phủ màng bọc thực phẩm lên trên, ủ trong 40 – 50 phút tới khi bột nở ra gấp đôi.
Bước 10: Đặt chảo chống dính lên bếp, để lửa nhỏ và lần lượt xếp bánh vào chảo. Đậy nắp lại khoảng 3 phút. Nếu mặt bánh bên dưới ngả màu nâu vàng thì lật bánh lên, tiếp tục nướng tiếp mặt còn lại. Bánh chín sẽ có phần vỏ sờ hơi ráp, khi tay vuốt lên có tiếng sột soạt hơi thô. Phần bột bên trong mềm xốp, nhân trứng sữa thơm, béo ngậy.
3. Bánh crepe lá dứa
Nguyên liệu:
Vỏ bánh:
- 300 g bột mì đa dụng
- 2 thìa bột sắn
- 650 ml nước cốt lá dứa (xay 20 lá dứa cùng 650 ml nước)
- 1 quả trứng gà
- 1 thìa dầu ngô hoặc dầu thực vật
- 1 thìa sữa đặc, 1/2 thìa muối.
Nhân dừa:
- 400 g cơm dừa nạo (chọn quả dừa non)
- 2 thìa đường nâu
- 150 g đường thốt nốt
- 125 ml nước
- 2 lá dứa
- 4 thìa đường trắng hạt to, 1/2 thìa muối.
Cách làm:
Bước 1 (làm nhân): Lá dứa rửa sạch. Đổ nước vào một chiếc nồi, thêm đường nâu, đường thốt nốt, lá dứa vào đun sôi cho đường tan hết sau đó vớt lá dứa ra.
Bước 2: Đổ đường trắng vào chảo, đảo đều đến khi đường tan hết. Đổ nước lá dứa vào. Thêm cơm dừa nạo và muối, vặn nhỏ lửa đến khi hỗn hợp khô và sánh mịn thì tắt bếp.
Bước 3: Xay 20 lá dứa đã được rửa sạch cùng 650 ml nước. Sau đó lọc qua rây để lấy phần nước trong. Nên lọc kỹ 2-3 lần để không còn cặn.
Bước 3 (làm vỏ bánh): Đổ bột mì và bột sắn vào một chiếc bát, trộn đều. Sau đó thêm dầu, sữa đặc và nước lá dứa vào. Đánh trứng vào một chiếc bát khác rồi đổ từ từ vào hỗn hợp bột. Đánh đều tay cho đến khi mịn. Lọc hỗn hợp qua rây rồi để bột nghỉ 1-2 tiếng.
Bước 4: Đặt chảo lên bếp, đổ một lớp dầu thật mỏng vào chảo, vặn nhỏ lửa. Khi dầu sôi, đổ một thìa bột vào rồi dàn đều cho bột mỏng. Đến khi màu bột chuyển xanh và các mép xanh thì lấy ra đĩa. Tiếp tục làm với phần bột còn lại.
Bước 5: Đặt miếng vỏ bánh ra đĩa, cho một ít nhân dừa vào giữa rồi cuộn tròn lại là bạn đã hoàn thành. Bạn có thể dùng món này như món tráng miệng hoặc ăn vặt, ăn sáng cũng đều hợp và ngon. Ngoài ra bạn có thể làm tương tự với nhiều loại nhân khác nhau như crepe trà xanh, xoài, sầu riêng…
4. Bánh pancake
Nguyên liệu:
- 420 g bột mì
- 90 g đường
- 2 g muối
- 25 g bột nổi
- 3 quả trứng
- 80 ml dầu thực vật
- 240 ml sữa
- 200 g vụn chocolate
Cách làm:
Bước 1: Cho bột mì, đường, muối và bột nổi vào tô lớn, trộn đều. Cho trứng, sữa, dầu thực vật vào một tô khác, dùng máy đánh trứng đánh bông hỗn hợp rồi cho hỗn hợp vào tô đựng bột. Khuấy đều cho đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn.
Bước 2: Bật lửa vừa, bắc chảo. Đổ hỗn hợp từ trên cao xuống thành những hình tròn. Bạn cũng có thể sử dụng những khuôn nhôm để bánh tròn, đẹp hơn.
Bước 3: Rắc vụn chocolate lên mặt bánh.
Bước 4: Khi thấy mặt bánh nổi bong bóng thì trở bánh. Bánh chín cho ra đĩa, tiếp tục cho đến khi hết bột.
5. Bánh rán nhân táo
Nguyên liệu:
Vỏ bánh:
- 470 g bột mì
- 120 g shortening (Shortening là một loại chất béo dạng rắn hay được sử dụng để làm bánh. Nếu không tìm được, bạn có thể thay bằng bơ hoặc dầu dừa dạng cứng.)
- 5 g muối, 100 ml nước lạnh
Nhân bánh:
- 2 quả táo
- 60 g đường
- 5 g bột quế
- Một nhúm muối
- Dầu để rán bánh.
Cách làm:
Bước 1: Để làm vỏ bánh, đầu tiên bạn rây bột mì và muối vào tô. Cắt shortening (hoặc bơ) thành từng viên nhỏ rồi cho vào cùng bột. Dùng dĩa (nĩa) trộn đều hỗn hợp lên cho đến khi hỗn hợp vụn ra. Trong khi trộn bột, bạn đổ một thìa canh nước lạnh vào rồi tiếp tục trộn. Lặp lại cho đến khi hỗn hợp bắt đầu ẩm và đặc lại.
Bước 2: Khi hỗn hợp bột đạt được độ cứng, bạn nặn lại thành hình tròn, gói vào nylon thực phẩm rồi cho vào tủ lạnh trong 30 phút.
Bước 3: Để làm phần nhân táo, bạn rửa sạch 2 quả táo, gọt vỏ rồi xắt quân cờ ra cho vào nồi. Thêm đường, bột quế và muối vào cùng. Đun táo ở lửa nhỏ cho đến khi đường chảy hết và táo mềm.
Bước 4: Sau 30 phút, bạn lấy bột mì rắc lên mặt phẳng rồi cán bột mỏng. Dùng nắp lọ thuỷ tinh hoặc miệng cốc cắt bột thành các hình tròn đều nhau.
Bước 5: Cho một ít nhân táo vào giữa phần bột vừa cắt, sau đó làm ướt phần mép bột bánh để tăng độ dính. Gập đôi phần bột bánh lại, ấn đều các mép cho kín lại. Bạn có thể tạo các đường lượn sóng cho đẹp mắt.
Bước 6: Cuối cùng, bạn rán bánh trong chảo ngập dầu nóng cho đến khi bột chín vàng, giòn rụm như hình thì gắp ra, để cho ráo dầu.