Không những ngon miệng và đa dạng cách chế biến, lạc (đậu phộng) còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt là nếu bạn biết ăn nó đúng cách và đúng thời điểm.
Xét về giá trị dinh dưỡng, lạc tuy nhỏ bé nhưng lại rất giàu dinh dưỡng. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 100g lạc có chứa: 567 calo; 25,8g protein; 8,5g chất xơ; 4,5mg sắt; 92mg canxi; 18mg natri; 705mg kali. Lạc còn giàu vitamin E, vitamin K, vitamin B1, B3, B9, selen, lecithin, choline…
6 lợi ích khi ăn lạc vào sáng sớm
Ăn một chút lạc vào thời điểm nào trong ngày cũng tốt cho cơ thể, nhưng theo các chuyên gia thì thời điểm tốt nhất để ăn lạc là vào sáng sớm khi bụng đói. Bởi vì nó giúp bạn tận dụng được tối đa giá trị dinh dưỡng cũng như lợi ích sức khỏe từ lạc. Nhất là lợi ích về tiêu hóa, tim mạch và còn giúp bạn nhanh no, lo lâu hơn cũng như bắt đầu ngày mới tràn đầy năng lượng, tâm trạng tích cực.
Ăn lạc vào buổi sáng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
Tạp chí "Cooking Light" của Mỹ cũng đã nhiều lần đưa ra những lợi ích khi ăn một ít lạc vào sáng sớm hoặc dùng lạc để chế biến bữa sáng. Trong đó phải kể đến 6 điều sau đây:
1. Tiêu hóa khỏe, bảo vệ dạ dày
Lạc rất giàu chất xơ, có thể trợ giúp nhu động đường tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn. Từ đó đẩy nhanh quá trình đại tiện, giảm tình trạng táo bón. Ăn lạc vào sáng sớm rất phù hợp để trung hòa axit, bảo vệ niêm mạc dạ dày. Bởi Bởi vì có một lượng lớn axit dạ dày được tiết ra sau khi thức dậy vào buổi sáng.
Ngoài chất xơ, lạc còn giàu axit béo không bão hòa. Nhờ vậy mà sau khi nhai và tiêu hóa dịch vị, nó có thể tạo thành một chất nhờn giống như bột nhão, bám vào niêm mạc dạ dày và đóng vai trò bảo vệ. Lạc cũng làm sạch ruột, giúp bạn ăn ngon miệng hơn, trao đổi chất tốt hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa.
2. Tốt cho tim mạch
Lạc được mệnh danh là ‘thần dược” với những người mắc bệnh tim mạch và mạch máu não hoặc cholesterol cao. Nếu muốn phòng các bệnh này, bạn cũng nên duy trì thói quen ăn một ít lạc vào sáng sớm.
Một bài báo trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ chỉ ra rằng những người khỏe mạnh ăn nhiều đậu phộng có thể giảm 35% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nguyên nhân được cho là do axit béo trong đậu phộng sẽ làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, có lợi cho tim và thúc đẩy tuần hoàn máu.
Chưa kể, trong lạc có chứa axit folic, nó chứa rất nhiều axit không bão hòa đơn béo, làm giảm cholesterol trong máu cao. Chất xơ và chất béo không bão hòa trong lạc còn giúp ngăn ngừa, giảm các cục máu đông hiệu quả.
3. Tốt cho não bộ
Lạc có chứa các axit amin cần thiết cho cơ thể con người, nếu bổ sung đủ các axit amin này có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào não. Khi chức năng não được cải thiện, khả năng ghi nhớ và khả năng tư duy cũng được củng cố thêm.
Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng ăn lạc có khả năng tăng cường được sức khỏe cho não, nhất là về cải thiện trí nhớ. Lý do là trong củ lạc có chứa nhiều vitamin B6 hay còn gọi là niacin. Đây là chất giúp não hoạt động bình thường và tăng cường trí nhớ. Trong hạt lạc cũng có chứa một lượng nhỏ canxi và vitamin D tốt cho não bộ, trì hoãn lão hóa não bộ.
4. Giảm cân
Nếu bạn muốn giảm cân mà vẫn khỏe mạnh thì lạc là một lựa chọn tuyệt vời. Bởi vì lạc giúp bạn nhanh no nhưng lại duy trì cảm giác no lâu hơn.
Casey McManus, trưởng khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Brigham And Women's ở Mỹ đề cập đến việc nếu ăn một ít bơ đậu phộng vào buổi sáng, sẽ tăng cảm giác no lâu và giảm được lượng thức ăn vào ngày hôm đó. Ngoài axit folic, lạc cũng chứa nhiều cellulose hữu ích để đẩy nhanh quá trình làm sạch chất thải đường ruột, giúp chống lại béo phì.
Lạc cũng là thực phẩm chống lại lão hóa, giảm cân hiệu quả (Ảnh minh họa)
Rất nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên nên ăn một ít lạc để kiểm soát sự thèm ăn khi giảm cân.Tiến sĩ Mattes, giáo sư thuộc Khoa khoa học Dinh dưỡng tại Đại học Purdue (Mỹ) cho biết: “Cảm giác no cao của đậu phộng không chỉ là kết quả của hàm lượng chất béo, chất xơ và protein, mà là sức mạnh tổng hợp của tất cả các yếu tố”.
Tuy vậy, lạc cũng giàu chất béo và calo, đặc biệt là các món chế biến sẵn từ đậu phộng tuy rất ngon nhưng nó lại chứa hàm lượng calo rất cao. Vì vậy, những người muốn giảm cân chỉ nên ăn chúng trong mức hạn chế.
5. Giảm nguy cơ mắc ung thư
Ăn nhiều lạc và các loại hạt khác có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Lý do là vì isoflavone, resveratrol và axit phenolic cùng chất oxy hóa được tìm thấy trong lạc có đặc tính chống ung thư.
Một nghiên cứu được thực hiện ở Hà Lan cho thấy rằng ăn lạc cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh. Lạc cũng được công nhận về khả năng ngăn ngừa ung thư dạ dày và thực quản ở người lớn tuổi ở Mỹ.
Các nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ ăn lạc ít nhất 2 lần 1 tuần có nguy cơ mắc ung thư ruột kết thấp hơn 58%, còn đàn ông thì giảm 27%. Các nhà khoa học nhận ra có thể là do axit folic đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loại ung thư này.
6. Ngăn ngừa tiểu đường, thiếu máu
Lạc là thực phẩm rất tốt cho người thiếu máu. Bởi vì nó giàu sắt và cung cấp thêm nhiều vitamin, chất dinh dưỡng phục hồi cơ thể.
Ngoài ra, lạc còn giúp chống lại bệnh tiểu đường. Nghiên cứu tại Mỹ phát hiện ra rằng nếu sử dụng lạc trong chế độ ăn uống thay cho thịt đỏ, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường có thể giảm 21%.
Điều này là do lạc có thể làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate của cơ thể. Đặc biệt ăn một ít lạc vào buổi sáng có thể cải thiện cảm giác no. Nó cũng có thể ngăn chặn lượng đường tăng quá mức.
3 lưu ý khi ăn lạc ai cũng cần phải biết
Tuy lạc giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe nhưng cũng có vài lưu ý khi ăn. Bạn hãy tuân thủ 4 điều sau khi ăn lạc kẻo phí hoài dinh dưỡng mà còn có thể gây phản tác dụng, mang lại bệnh tật:
Không ăn quá nhiều lạc
Người lớn có thể kiểm soát lượng lạc ăn hàng ngày từ 10 - 25 gam, tương đương với một nắm nhỏ. Lạc chứa chất béo nên ăn quá nhiều sẽ dẫn tới khó tiêu hóa, cũng dễ gây tăng cân. Ăn lạc quá nhiều còn gây áp lực cho gan. Ngoài ra, lạc có chứa một hoạt chất có tác dụng làm đông máu tạm thời nên chỉ nên ăn mỗi ngày một ít và ăn chậm, nhai kỹ.
Không ăn lạc bị mốc
Điều đáng chú ý nhất là lạc cần được bảo quản đúng cách nếu không sẽ rất dễ bị nhiễm aflatoxin. Đây là một chất ung thư mạnh xuất hiện ở thực phẩm bị mốc, nếu ăn phải liều lượng nhiều sẽ dẫn tới ung thư. Trong khi lạc lại lại rất dễ bị mốc, ngay cả sau khi nấu chín vẫn gây hại cho sức khỏe con người.
Lạc mốc có thể gây bệnh ung thư ngay cả khi đã nấu chín (Ảnh minh họa)
Những người không nên ăn lạc
Dù tốt và ngon đến mấy nhưng không phải ai cũng phù hợp để ăn loại hạt này. Đầu tiên là những người có cơ địa dị ứng với lạc. Khi ăn vào có thể gây sốc phản vệ, khó thở, buồn nôn… hoặc thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu ăn cùng lúc một lượng lớn.
Tiếp theo, những người mắc bệnh gout hay rối loạn mỡ máu cũng nên tránh xa lạc. Người đã phẫu thuật cắt túi mật, từng mắc hoặc đang mắc bệnh viêm loét dạ dày, viêm ruột mạn tính, khó tiêu cũng nên hạn chế hoặc tốt nhất là không ăn lạc. Nhất là các lạc chế biến sẵn được đóng gói hoặc các món lạc nhiều dầu mỡ.
theo Phụ nữ Việt Nam