Ai đã biến 'giấc mơ Mỹ' sở hữu một ngôi nhà thành cơn ác mộng?

"Giấc mơ Mỹ" sở hữu một ngôi nhà dành cho một gia đình đang thay đổi. "Thủ phạm" nào đứng sau sự việc này?

"Giấc mơ Mỹ" còn trẻ hơn rất nhiều so với chính đất nước này.

Thuật ngữ này xuất hiện cách đây 92 năm, vào thời điểm thấp nhất của cuộc đại suy thoái, khi nhà sử học James Truslow Adams định nghĩa "giấc mơ Mỹ" là “giấc mơ về một vùng đất mà ở đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, phong phú hơn và trọn vẹn hơn cho mọi người”.

Giấc mơ Mỹ đang biến hình

Theo trang Commercial Observer, giữa những năm 1930 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, "giấc mơ Mỹ" gắn bó chặt chẽ với quyền sở hữu nhà ở cho một gia đình.

Ngày nay, khi lạm phát giảm từ mức cao nhất trong 40 năm và lãi suất vẫn ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ - quyền sở hữu nhà ngày càng nằm ngoài tầm với hàng triệu người mua lần đầu.

“Mua một căn nhà đặc biệt khó khăn. Giấc mơ Mỹ đang biến hình? Tôi thực sự nghĩ rằng việc trở thành chủ nhà hiện nay đặc biệt khó khăn, vì giá nhà và lãi suất quá cao” - Andra Ghent, giáo sư tài chính tại Đại học Utah, đặt câu hỏi.

Tỉ lệ sở hữu nhà ở Mỹ đứng ở mức 66%, giảm 2 điểm phần trăm so với quý 2-2022 - thời điểm đạt mức cao nhất trong 15 năm.

Giá trung bình một ngôi nhà tăng từ 319.000 USD vào tháng 1-2019 lên 487.000 USD vào tháng 10-2023, theo Điều tra dân số Mỹ.

Nhưng có lẽ điều đáng lo ngại nhất là lãi suất cố định trung bình của một khoản thế chấp kỳ hạn 30 năm ở mức 7,22%, mức được nhìn thấy lần cuối vào tháng 5-2001 và cao hơn gần 5 điểm so với mức thấp nhất mọi thời đại - 2,8% trong thời kỳ COVID-19, vào tháng 7-2021.

Những người mua lần đầu đặc biệt cảm thấy khó khăn và họ chiếm 31% thị trường hiện tại, giảm so với con số 38% vào năm 1981. Trong khi độ tuổi trung bình những người mua hiện nay là 58, tăng đáng kể so với tuổi 36 vào năm 1981, theo Hiệp hội Môi giới bất động sản quốc gia.

Cánh cửa giấc mơ đã bị nhà đầu tư lớn chặn?

Thay vì đơn giản đổ lỗi cuộc khủng hoảng nhà ở cho các lực lượng kinh tế vĩ mô - vốn đa dạng và chắc chắn phải chịu trách nhiệm phần lớn, một số chuyên gia về nhà ở đã chỉ ra hiện tượng sở hữu mới phát sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008: các nhà đầu tư tổ chức.

1 Ai Da Bien Giac Mo My So Huu Mot Ngoi Nha Thanh Con Ac Mong

"Giấc mơ Mỹ" gắn bó chặt chẽ với quyền sở hữu nhà ở cho một gia đình - Ảnh: COMMERCIAL OBSERVER

Các tập đoàn, công ty cổ phần tư nhân và các công ty giao dịch đại chúng hiện đang tập trung mua nhà ở dành cho một gia đình và biến chúng thành nơi cho thuê dài hạn.

Có khoảng 82 triệu ngôi nhà dành cho một gia đình ở Mỹ. Và trong năm qua, các tổ chức tư nhân đã chi 60 tỉ USD để mua nhà dành cho một gia đình và biến chúng thành nhà cho thuê.

Theo Công ty quản lý đầu tư MetLife Investment Management, quyền sở hữu của các tổ chức chiếm 700.000 căn (hoặc 5%) trong số 14 triệu căn nhà cho thuê dành cho một gia đình trên toàn quốc vào năm 2022.

Theo MetLife, các chủ sở hữu tổ chức dự kiến kiểm soát 7,6 triệu căn nhà cho thuê dành cho một gia đình vào năm 2030 - chiếm hơn 40% thị trường cho thuê nhà dành cho một gia đình.

Robert C Hockett, giáo sư luật doanh nghiệp và quy định tài chính tại Trường Luật Cornell, cho biết: “Sau lịch sử 200 năm phát triển đáng tự hào, chúng ta đang chuyển sang một hình thái mới và tôi không nghĩ mọi người đã nghĩ đến hậu quả là gì”.

Năm nay, hoạt động của nhà đầu tư chỉ trầm lắng hơn một chút trong bối cảnh giá nhà cao và lãi suất thế chấp tăng cao.

Việc đổ lỗi cho các nhà đầu tư tổ chức này không được tất cả các chuyên gia về nhà ở chấp nhận.

Điều trần trước Quốc hội năm 2022, trích dẫn dữ liệu từ Freddie Mac, Sam Chandan - giám đốc Trường Tài chính bất động sản NYU Stern - cho rằng các nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm 2,5% tổng doanh số bán nhà trên toàn quốc.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các tập đoàn, công ty đã chiếm được miếng bánh thị phần lớn hơn, do đó đã thay đổi các điều khoản thương lượng.

Các nhà đầu tư tổ chức thường mua nhà bằng tiền mặt, đánh bật những người mua lần đầu vốn tìm kiếm khoản thế chấp 30 năm và nguồn tài chính linh hoạt.

Trước vai trò to lớn của các tập đoàn lớn và công ty cổ phần tư nhân hiện nay trong thị trường nhà đất, một số chuyên gia lo lắng rằng người dân không thể mua nhà, một khi các tập đoàn, công ty lớn ngáng chân chặn cánh cửa giấc mơ này.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan