AstraZeneca khẳng định việc thu hồi vắc xin phòng COVID-19 trên toàn cầu đơn thuần vì mục đích thương mại khi đã có nhiều dòng vắc xin khác hữu hiệu hơn.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sẽ bị thu hồi trên toàn thế giới - Ảnh: NDTV
Theo báo Telegraph, từ ngày 7-5, vắc xin phòng COVID-19 do hãng dược AstraZeneca nghiên cứu và sản xuất sẽ không còn được sử dụng tại Liên minh châu Âu (EU).
Việc này do AstraZeneca đã chủ động xin rút giấy phép kinh doanh loại vắc xin này tại EU.
Hãng dược của Anh và Thụy Điển trên cho biết đang thực hiện quy trình xin rút giấy phép tại các khu vực, quốc gia còn lại trên toàn thế giới.
Đại diện AstraZeneca khẳng định việc thu hồi toàn bộ loại vắc xin trên thuần túy đến từ lý do thương mại.
Hãng này cho rằng hiện đã có nhiều dòng vắc xin khác hữu hiệu hơn, có khả năng phòng chống nhiều biến chủng COVID-19 mới hơn vắc xin của mình. Do đó, nhu cầu của thị trường với vắc xin của AstraZeneca đã không còn.
Hiện hãng dược AstraZeneca cũng đã ngừng việc sản xuất và cung cấp loại vắc xin phòng COVID-19 trên.
Thông báo của công ty này nêu: "Chúng tôi đặc biệt tự hào vì vai trò của Vaxzevria (tên thương mại của loại vắc xin) trong việc chấm dứt đại dịch COVID-19 toàn cầu. Với việc nhiều loại vắc xin phòng COVID-19 mới đã được phát triển, nhu cầu dành cho Vaxzevria đã giảm. Do đó, loại vắc xin này đã không còn được chúng tôi sản xuất hay cung cấp.
Trên cơ sở đó, AstraZenca quyết định rút giấy phép kinh doanh Vaxzevria khỏi châu Âu. Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan quản lý và đối tác khác để tìm phương án kết thúc trang sử và sự đóng góp đáng kể đối với việc kết thúc đại dịch COVID-19 này".
Động thái thu hồi vắc xin của AstraZeneca diễn ra chỉ vài tháng sau khi hãng dược này thừa nhận loại vắc xin trên có thể gây tác dụng phụ hiếm gặp, bao gồm tình trạng đông máu đi kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS).
Phía AstraZeneca nhấn mạnh quyết định thu hồi không hề liên quan đến thông tin trên và chuyện hai vụ việc diễn ra gần nhau chỉ là "sự trùng hợp đơn thuần".
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online