Băng tan do biến đổi khí hậu khiến Trái đất quay chậm hơn, đồng thời làm đảo lộn hệ thống thời gian trên toàn cầu.
UTC cần thêm một giây nhuận âm vào năm 2029 do biến đổi khí hậu - Ảnh: ETSY
Theo trang IFLScience, giờ quốc tế hay UTC, sẽ cần thêm 1 giây nhuận âm vào năm 2029 do Trái đất quay chậm hơn so với thông thường.
Theo Văn phòng Cân đo quốc tế (BIPM), UTC là hệ thống đo lường thời gian bằng 450 đồng hồ nguyên tử, giúp xác định cũng như đảm bảo thời gian trên toàn thế giới chính xác, nhất quán.
Mọi hoạt động của con người như thương mại, thông tin, nghiên cứu... diễn ra mượt mà, không bị nhầm lẫn thời gian nhờ vào UTC.
Tuy nhiên, UTC sử dụng bộ đếm thời gian dựa trên dao động siêu ổn định của nguyên tử, đôi lúc không phù hợp với thời gian thiên văn vốn dựa trên chuyển động quay quanh trục của Trái đất.
Vòng quay của Trái đất dài hơn vài mili giây và thay đổi thường xuyên do nhiều yếu tố. Để giải quyết vấn đề này, giới khoa học thường thêm giây nhuận dương vào UTC vài năm một lần để đảm bảo thời gian UTC đồng bộ hóa với thời gian thiên văn.
Thế nhưng biến đổi khí hậu khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Ông Duncan Carr Agnew, nhà địa vật lý tại Viện hải dương học Scripps thuộc Trường đại học California San Diego, cho biết băng tan ở Greenland và Nam Cực làm thay đổi hình dạng từ đó ảnh hưởng đến chuyển động quay quanh trục của Trái đất.
Trái đất quay chậm hơn, thế nên UTC cần thêm một giây nhuận âm vào năm 2029. Một phút chỉ bằng 59 giây.
“Một giây nghe có vẻ không nhiều lắm nhưng trong thế giới kết nối như hiện nay việc chọn sai thời gian có thể dẫn đến những vấn đề lớn”, ông Agnew giải thích.
Nếu giây nhuận âm không được thêm vào, hệ thống thời gian toàn cầu sẽ bị đảo lộn, đặc biệt là máy tính và mạng.
Ban đầu, ông Agnew dự tính giây nhuận âm xảy ra vào năm 2026, thế nhưng băng tan đã “trì hoãn” chuyện này thêm 3 năm, tức 2029.
Theo tiến sĩ Patrizia Tavella - giám đốc ban thời gian làm việc tại BIPM, một giây nhuận âm chưa từng được thêm vào hoặc thử nghiệm trong lịch sử. Do đó khó có thể đoán trước giây nhuận âm sẽ đem lại hoặc gây ra những gì.
Ông Tavella nói rằng những nhà đo lường học trên khắp thế giới đang nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất nói trên để giảm thiểu rủi ro xảy ra.
Vị chuyên gia nhận định việc giới thiệu khái niệm và áp dụng giây nhuận âm trên toàn thế giới là một nhiệm vụ “khó nhằn”.
QUANG NGHĨA
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online