Bất ngờ phát hiện giang mai khi 'săn' con tuổi Rồng

Nhiều vợ chồng đi khám sức khỏe sinh sản để kịp đẻ con trong năm Giáp Thìn, bất ngờ phát hiện mắc giang mai phải điều trị sớm.

Một tháng qua, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tiếp nhận khoảng 10 cặp vợ chồng đến điều trị giang mai để lên kế hoạch sinh con. Ngoài ra, có 4 cặp vợ chồng được Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản (IVF) phát hiện bệnh giang mai nên chuyển đến đây điều trị trước khi thực hiện hỗ trợ sinh sản.

Các bác sĩ đánh giá số ca tăng so với các thời điểm khác có thể do nhiều cặp vợ chồng lên kế hoạch "sinh con tuổi Rồng" nên chủ động khám sức khỏe hơn.

Như vợ chồng anh Bình, cùng 33 tuổi, vừa tổ chức đám cưới được một tuần, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra sức khỏe. Lẽ ra sang năm anh mới kết hôn nhưng sinh con năm Rồng hợp tuổi Tân Mùi của bố mẹ nên thay đổi kế hoạch phút cuối. Kết quả khám bất ngờ ghi nhận họ dương tính với xoắn khuẩn giang mai.

Anh Bình cho biết thỉnh thoảng ngực, bụng nổi các nốt dát màu hồng tươi như cánh hoa đào, tróc vảy nhưng không đau hay ngứa. Chúng xuất hiện vài ngày rồi tự biến mất nên anh nghĩ dị ứng thức ăn. Người vợ sau đó cũng bị tương tự. Vợ chồng anh cho biết chung thủy, tin tưởng lẫn nhau, sinh hoạt lành mạnh nên không biết nguồn lây từ đâu.

Không rõ thời điểm nhiễm bệnh chính xác, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, đánh giá tình trạng bệnh của vợ chồng anh Bình ở giai đoạn muộn (mắc bệnh trên một năm), tiềm ẩn nhiều biến chứng. Họ được tiêm ba mũi kháng sinh, mỗi mũi cách nhau một tuần.

1 Bat Ngo Phat Hien Giang Mai Khi San Con Tuoi Rong

Một đôi vợ chồng trẻ tới khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trước khi có con. Ảnh minh họa: Hoàng Liên Sơn

Tương tự, vợ chồng anh Kiên, 36 tuổi, ngụ Hậu Giang, đi khám sức khỏe để sinh em bé thứ hai. "Tôi tuổi Mậu Thìn, sinh con năm Rồng hợp tuổi, gia đình rước nhiều tài lộc", anh nói. Bác sĩ nhận thấy miệng anh Kiên có vết loét, lòng bàn tay có tổn thương da đặc trưng hồng ban sẩn vảy. Kết quả xét nghiệm phát hiện anh nhiễm giang mai, người vợ âm tính. Anh Kiên cho hay có khả năng bị lây bệnh trong một lần say rượu, quan hệ ngoài luồng tháng trước.

Bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, phối hợp với khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, chẩn đoán anh Kiên mắc giang mai giai đoạn sớm, điều trị đồng thời cho hai vợ chồng. Mỗi người tiêm một liều kháng sinh mạnh.

Theo phác đồ, ba tháng sau mũi tiêm cuối cùng, người bệnh xét nghiệm kiểm tra lại, bác sĩ Bích nói. Thông thường, thuốc phát huy tác dụng loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây bệnh, kết quả âm tính với giang mai, tức khỏi bệnh. Lúc này, các cặp vợ chồng có thể tiếp tục quá trình hỗ trợ sinh sản hoặc mang thai tự nhiên. Song, họ tiếp tục xét nghiệm theo dõi ở tháng thứ 6 và 12 sau mũi tiêm cuối.

Bác sĩ Bích cho biết nếu điều trị ngay và đáp ứng thuốc tốt, người bệnh vẫn kịp sinh con năm Rồng.

2 Bat Ngo Phat Hien Giang Mai Khi San Con Tuoi Rong

Bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da khám cho một trường hợp nghi ngờ nhiễm giang mai. Ảnh minh họa: Hoàng Liên Sơn

Nếu không tầm soát phát hiện ra bệnh để điều trị sớm, phụ nữ mang thai mắc giang mai có thể bị sẩy thai, nguy cơ thai dị tật, sinh non, theo bác sĩ Bích. Bé sinh ra đối mặt với nguy cơ mắc giang mai bẩm sinh (bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot, nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng to, có gan, lách to).

Người lớn mắc giang mai không điều trị (giang mai tiềm ẩn, giang mai muộn) ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, hệ vận động... Người bệnh có thể suy giảm trí nhớ, mù lòa, giảm thính lực đột ngột, giữ thăng bằng kém, đau nhức cơ bắp, giảm khả năng vận động, nguy cơ mắc HIV tăng 2-5 lần, tử vong. Bệnh này còn gây hiếm muộn ở cả nam và nữ. Không biết tình trạng bệnh còn làm tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng nếu người bệnh quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn.

"Phần lớn người bệnh khi nhận chẩn đoán nhiễm giang mai đều bất ngờ, sốc, không chấp nhận sự thật, thậm chí yêu cầu bác sĩ xét nghiệm lại nhiều lần vì không biết lây bệnh từ đâu", bác sĩ Bích nói.

Giang mai là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, do xoắn khuẩn Treponema pallidumgây nên. Khi quan hệ tình dục, vùng kín của người lành không có vết thương, trầy xước thì có thể không bị lây nhiễm. Hoặc, họ có thể đã nhiễm xoắn khuẩn nhưng đang trong giai đoạn ủ bệnh, xét nghiệm chưa phát hiện ra. Theo bác sĩ Thiện, đây là lý do vì sao có trường hợp chỉ vợ hoặc chồng mắc bệnh dù có quan hệ tình dục với nhau. Ngoài ra, dùng chung kim tiêm, hoặc thực hiện truyền máu không an toàn; lây từ mẹ sang con cũng là những con đường lây nhiễm bệnh giang mai.

Giang mai còn lây gián tiếp qua các đồ dùng chung như dụng cụ làm móng, dụng cụ nặn mụn, giác hơi, hoặc dụng cụ y tế không được sát khuẩn... có dính dịch tiết, máu, mủ của người bệnh. Nếu người tiếp xúc với các vật dụng này có vết trầy xước, xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập vào máu. Cắt tóc, cạo râu, cạo lông mặt, nặn mụn, lấy khóe móng, cắt bao quy đầu, thẩm mỹ vùng kín... ở cơ sở không an toàn cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Các triệu chứng ban đầu của giang mai thời kỳ ủ bệnh (10-90 ngày đầu tiên) thường thoáng qua. Lúc này, người bệnh không có hoặc có ít triệu chứng, thường gặp là vết loét kích thước 2-4 cm (săng giang mai) ở vị trí nhiễm trùng (bộ phận sinh dục, miệng...). Săng giang mai không đau, tự biến mất trong vòng một tuần.

Bỏ lỡ giai đoạn "vàng" điều trị này, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn hai, xoắn khuẩn đã vào máu đi khắp các cơ quan trong cơ thể, điều trị phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều biến chứng hơn. Các triệu chứng gồm nổi hồng ban, tróc vảy khắp thân mình, loét niêm mạc miệng, bộ phận sinh dục, rụng tóc, nhức đầu... tái phát nhiều lần. Bệnh dễ bị nhầm thành lở (nhiệt) miệng, mề đay, mụn trứng cá, nhiễm nấm, phát ban đỏ.

Anh Thư

* Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: VNEXPRESS.NET

Bài liên quan