Nằm ở trung tâm thành phố, bến Bạch Đằng lưu dấu nhiều chứng tích lịch sử hàng trăm năm phát triển Sài Gòn, đã được nâng cấp, chỉnh trang làm nơi vui chơi, giải trí.
Sau một năm sửa chữa, sáng nay dự án chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng, quận 1, được khánh thành. Công trình sau cải tạo rộng khoảng 1,6 ha.
Trong đó, có 8.700 m2 đường dạo, sân sinh hoạt bằng đá granite và 7.000 m2 mảng xanh, cỏ, kiến trúc chuỗi hoa sen xuyên suốt công viên, tạo không gian thông thoáng về phía sông Sài Gòn.
Công viên còn có hệ thống tưới nước tự động, chiếu sáng… làm tăng hiệu quả quản lý, phục vụ công cộng.
Toàn cảnh công viên bến Bạch Đằng sau khi hoàn thành cải tạo. Ảnh: Quỳnh Trần
Bến Bạch Đằng dài khoảng 1,3 km, nằm trên đường Tôn Đức Thắng hướng ra sông Sài Gòn, kéo dài từ cầu Khánh Hội đến nhà máy Ba Son. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Vương Hồng Sển, Bạch Đằng gắn liền lịch sử ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông nên được đặt tên cho bến sông Sài Gòn để tưởng nhớ chiến tích hào hùng của quân dân Đại Việt.
Từ cầu Khánh Hội sang quận 1, địa điểm đầu tiên ở bến Bạch Đằng là cột cờ Thủ Ngữ, được người Pháp xây năm 1865. Công trình cao 30 m, treo cờ hiệu đón tàu thuyền ra vào cảng Nhà Rồng. Cột cờ có tên tiếng Pháp là Mât des Signaus, xây trên nền cũ của dinh quan thủ ngự chuyên chăm lo giao thương của nhà Nguyễn. Cùng với bến Nhà Rồng cách đó hơn 300 m, cột cờ là công trình đồ sộ, nổi bật nơi ngã ba sông hoang vu, rợp bóng cây thuở đó.
Điểm cuối bến Bạch Đằng là nhà máy Ba Son, trước đây là cơ xưởng thủy quân của người Pháp. Theo sách Sài Gòn năm xưa của tác giả Vương Hồng Sển, nguồn gốc hai chữ “Ba Son” có nhiều giả thuyết. Trong đó, một ý kiến cho rằng “Ba Son” xuất pháp từ tên tiếng Pháp “Mare aux poissons” (ao cá), vì nơi này trước đây có một kênh đào chứa rất nhiều cá tôm.
Khu vực bến Bạch Đằng những năm 1920 khi còn có tên Le Myre de Vilers. Ảnh tư liệu
Ở đoạn giữa bến, nổi bật là tượng đài Trần Hưng Đạo nằm ở công trường Mê Linh hình bán nguyệt, là nơi giao thoa 6 tuyến đường: Tôn Đức Thắng, Thi Sách, Hai Bà Trưng, Phan Văn Đạt, Hồ Huấn Nghiệp và Ngô Đức Kế. Thời Pháp thuộc, công trường này tên gọi là Rigault de Genouilly – đô đốc thủy quân người Pháp, từng là Thống đốc Nam Kỳ. Tượng đô đốc thủy quân sau này được đặt tại đây sau khi ông qua đời.
Năm 1962, bức tượng Hai Bà Trưng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ và điêu khắc Nguyễn Văn Thế thực hiện, đã thay thế tượng Rigault de Genouilly. Tượng Hai Bà (cách gọi của người miền Nam trước năm 1975) được dựng trên một bệ cao ba chân, phía trước là đầu và vòi voi, tiếp nữa là hai chân voi, được giới điêu khắc đánh giá đặc sắc, mới mẻ.
Sau này, công trường Mê Linh được giao cho hải quân Việt Nam Cộng Hòa nên đổi tên thành Bạch Đằng. Năm 1967, phía hải quân kết hợp Hội Đức Thánh Trần tổ chức cuộc thi tạc tượng Trần Hưng Đạo thay tượng Hai Bà Trưng. Đồ án thắng cuộc là tác phẩm đầu tay của Phạm Thông – người mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Sài Gòn.
Tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo ở công viên Mê Linh. Ảnh: Quỳnh Trần
Mẫu tượng Hưng Đạo Đại Vương do Phạm Thông thiết kế cao 6 m, đứng trên bục tam giác cao gần 10 m, trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, tay kia chỉ xuống sông, nói: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”. Hình ảnh oai hùng, bất khuất này đã thuyết phục được ban chấm giải.
Ngoài những công trình đặc sắc kể trên, bến Bạch Đằng còn thu hút tàu bè ra vào, nhiều cây xanh, nhà hàng nổi tiếng… nên được người dân lui tới tập thể dục, tản bộ, đạp xe trên vỉa hè. Đây cũng là nơi hẹn hò lý tưởng của những đôi tình nhân. Chiều về, các cặp đôi hẹn nhau ra các quán dọc bờ sông vừa tâm sự vừa ngắm nhìn dòng sông Sài Gòn thơ mộng.
Cũng vì vẻ đẹp của bến, nhạc sĩ Y Vân trong bài hát “Sài Gòn đẹp lắm” có câu “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/ Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay…”. Dù không nhắc đến cụ thể bến nào nhưng nhiều người cho rằng đó là bến Bạch Đằng, nơi được coi là bến sông nhộn nhịp, đẹp nhất Sài Gòn.
Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM), trong quy chế quản lý kiến trúc của thành phố, khu vực gần bến Bạch Đằng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Mê Linh, đường Tôn Đức Thắng sẽ được phát triển các không gian ngầm giúp người dân có không gian đi bộ, giải trí, mua sắm…
Nguồn: Vnexpress