Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia đều bị Nhật chiếm đóng trong Thế chiến II. Nhưng trong những thập kỷ hòa bình sau đó, Hàn Quốc và Đài Loan đã hồi sinh, phát triển kinh tế và trở nên giàu có. GDP bình quân đầu người của những nước này hiện ngang bằng với các nước phương Tây phát triển.
Mọi người trên khắp thế giới ngày nay chắc hẳn đều đã quá quen thuộc với các sản phẩm của Hàn Quốc, từ ô tô và điện tử, đến chăm sóc da. Đài Loan xuất khẩu dầu tinh chế, điện tử và máy tính, như Acer và Asus.
Tuy nhiên, khác với Hàn Quốc và Đài Loan, Malaysia đã trở về điểm cân bằng sau khi đạt được mức thu nhập trung bình cao, thuật ngữ mà Ngân hàng Thế giới sử dụng để xác định các quốc gia có GDP bình quân đầu người cao hơn 1.045 USD nhưng thấp hơn 12.736 USD. Trong khi đó, Indonesia vẫn đang vật lộn ở mức thu nhập trung bình thấp hơn GDP bình quân đầu người dưới 4.125 USD.
Tại sao một số nước phát triển nhanh hơn các nước khác?
Lý do là sự xuất hiện của các tập đoàn đổi mới sáng tạo. Họ đóng một vai trò thực sự rất quan trọng.
Câu chuyện về bốn nền kinh tế
Khoảng hai thập kỷ sau chiến tranh thế giới thứ Hai, năm 1967, Malaysia đã dẫn đầu bốn nền kinh tế về GDP bình quân đầu người ở mức 317 USD. Đài Loan là 281 USD, Hàn Quốc 161 USD và Indonesia 54 USD.
Trong vòng hai năm, Đài Loan đã vượt qua Malaysia. Và một thập kỷ sau, vào năm 1977, đến lượt Hàn Quốc.
Năm 2003, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc là 14.209 USD – gấp 90 lần so với năm 1967. GDP bình quân đầu người của Đài Loan là gần 14.120 USD vào năm năm 2003.
Các nhà quan sát gọi sự tăng trưởng của bốn quốc gia này, cùng với Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan và Singapore trong những năm 1980 và 1990 là "phép màu của châu Á". GDP bình quân đầu người của những nước này nhanh chóng tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1990 so với các nước phương Tây phát triển hơn như châu Âu và Bắc Mỹ.
Tăng trưởng GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia Biểu đồ: The Coversation. Nguồn: Ngân hàng Thế giới và Thống kê Quốc gia Trung Hoa Dân Quốc
GDP bình quân đầu người tăng trưởng ở các quốc gia này đi kèm với việc xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã tác động mạnh đến các nền kinh tế này. Hàn Quốc chứng kiến GDP bình quân đầu người giảm 33,4%, Đài Loan 8,5%, Malaysia 29,6% và Indonesia 56,4%. Cuộc khủng hoảng cũng đưa Indonesia trở lại mức thu nhập thấp.
Nhưng vào năm 2017, thu nhập trung bình ở Hàn Quốc đã tăng trở lại, lên tới gần 30.000 USD. Đài Loan đã tăng lên 24.000 USD. Malaysia và Indonesia xếp sau với 9.952 USD và 3.847 USD tương ứng.
Tại sao một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn những nền kinh tế khác?
Các nhà kinh tế sử dụng GDP bình quân đầu người như một chỉ số về tỷ lệ năng suất của một quốc gia – sản lượng mà đất nước đã tạo ra trong một thời gian nhất định. GDP bình quân đầu người của một nền kinh tế càng cao thì năng suất của công dân càng cao. GDP cao của Hàn Quốc và Đài Loan phản ánh tỷ lệ năng suất cao so với Malaysia và Indonesia.
Ba điều quyết định năng suất của một quốc gia: lao động, vốn, và một thứ gọi là năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), là thứ đại diện cho tính hiệu quả và công nghệ. Ví dụ, hệ thống quản lý tốt hơn để giảm thiểu quan liêu có thể là chỉ báo hiệu quả, trong khi việc sử dụng công nghệ để tự động hóa các tác vụ sẽ tốn ít thời gian hơn là thực hiện thủ công.
Theo Tổ chức Năng suất châu Á, TFP đóng góp 14% cho tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ năm 1970 đến năm 2016 và 24% cho Đài Loan. Trong khi đó, TFP chỉ đóng góp 5% cho tăng trưởng Malaysia và đối với Indonesia, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn: 1%. Điều này có nghĩa nền công nghệ ở Indonesia phát triển èo uột.
Đóng góp nhỏ của TFP cho nền kinh tế Indonesia có mối quan hệ chặt chẽ với mức độ đầu tư thấp của đất nước vào nghiên cứu và phát triển. Năm 2017, Indonesia đã chi ít hơn 0,2% GDP cho nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, Hàn Quốc đã dành 4,55% GDP, Đài Loan năm 2016 đã chi 3,16% và Malaysia khoảng 1,3%.
Làm thế nào để tăng năng suất nhân tố tổng hợp
Một nghiên cứu viết cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc và Đài Loan đã dựa vào sự đổi mới công nghệ của các công ty trong nước.
Vào những năm 1960, Hàn Quốc đã thành lập 35 doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng và ngân hàng. Đến thập niên 1970, để cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, Hàn Quốc bắt đầu tư nhân hóa, cấp tín dụng và cơ chế bảo hộ đặc thù cho các nhóm doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình – được gọi là "chaebol" ở Hàn Quốc.
Trong khi đó, nhà kinh tế Chen Been-lon lập luận rằng chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân đã là công cụ giúp Đài Loan phát triển thành cường quốc kinh tế ngày nay.
Năm 1964, Đài Loan đã xây dựng một phòng thí nghiệm bán dẫn tại Đại học Quốc gia Chiao Tung. Phòng thí nghiệm này là nơi đào tạo nhiều kỹ sư trở thành trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan.
Năm 1974, một Tổ chức Nghiên cứu và Dịch vụ Điện tử (ERSO) thuộc sở hữu nhà nước được thành lập gần ĐHQG Chiao Tung. Năm 1980, ERSO đã thành lập công ty spin-off đầu tiên của mình có tên United Microelectronics (UMC) với 40% vốn đầu tư đến từ chính phủ.
["Công ty công nghệ spin-off được hiểu là các công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh, và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu" – trích Thời báo Kinh tế Sài Gòn].
UMC chuyển sang trở thành trung tâm của Đài Loan để mua các công nghệ chip, đào tạo các kỹ sư trong nước và xây dựng nền tảng của các ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan.
Việc chính phủ Hàn Quốc và Đài Loan hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trong nước, thông qua các khoản vay giá rẻ và cơ chế bảo hộ thị trường, đã tạo cơ hội cho các công ty tăng ngân sách để phát triển đổi mới công nghệ.
Những doanh nghiệp này cũng cải thiện chất lượng giáo dục, cung cấp lao động chất lượng cao cho các công ty cần lao động có tay nghề cao.
Trái ngược với chiến lược của Hàn Quốc và Đài Loan, trong đó chính phủ hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp trong nước, bài viết của IMF lưu ý Malaysia dựa vào công nghệ chuyển giao từ các công ty đa quốc gia.
Các công ty đa quốc gia ít khi chuyển giao công nghệ của họ cho các công ty nội địa, khiến các nước chủ nhà bị mắc kẹt trong việc cung cấp nguyên liệu thô. Các công ty đa quốc gia bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quá trình phát triển sản phẩm của họ. Họ cũng không mấy hứng thú với việc đào tạo nhân công địa phương vì sợ những người này chuyển sang các công ty khác.
Đây là thách thức Indonesia và Malaysia đang phải đối mặt. Khi các ngành công nghiệp trong nước ở cả hai quốc gia đều kém phát triển, thì các công ty trong nước không có nhiều tiền để tài trợ cho nghiên cứu và phát triển.
Trong khi Hàn Quốc và Đài Loan có 15 và chín công ty lần lượt được liệt kê trong danh sách Fortune 500, một bảng xếp hạng các công ty lớn nhất thế giới theo doanh thu, còn Indonesia và Malaysia mỗi nước đều chỉ có một công ty nằm trong danh sách này và đấy là công ty dầu khí quốc gia.
Bắt kịp
Bằng chứng mạnh mẽ, cả từ Hàn Quốc và Đài Loan, cho thấy để tăng năng suất của một quốc gia, các ngành công nghiệp trong nước phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Chính phủ Indonesia được cho là đang lên kế hoạch giới thiệu các khoản khấu trừ thuếcho các công ty hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp.
Cùng với các ưu đãi cho các công ty, cả Malaysia và Indonesia phải cải thiện các lĩnh vực giáo dục đại học để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển – cũng như tăng đầu tư vào các lĩnh vực này. Họ cũng phải phát triển các công ty trong nước đáng tin cậy.
Malaysia đã cho phép các học giả nước ngoài giảng dạy và làm nghiên cứu. Indonesia nên đi theo con đường này vì một điều rất cần thiết là phải có các trường đại học đẳng cấp thế giới. Ngành giáo dục đại học nên được trao quyền tự chủ nhiều hơn để quản lý tuyển dụng giảng viên và nhà nghiên cứu, và để thu hút những sinh viên giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc và Đài Loan trong việc hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước và cải thiện lĩnh vực nghiên cứu của họ có thể là mô hình cho Malaysia và Indonesia.
Nguồn: Phạm Minh Trung/ luatkhoa.org