Israel sẽ sử dụng “bom xốp” mới khi tấn công mạng lưới đường hầm của Hamas ở Gaza. Thiết bị hóa học mới này tạo ra vụ nổ bọt và nhanh chóng đông cứng để bịt kín các lối vào đường hầm.
Một thành viên của Hamas đứng bên trong một trong những đường hầm nối Dải Gaza và Israel - Ảnh: THE SUN
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã thử nghiệm bom hóa học: loại bom không chứa chất nổ, được sử dụng để bịt kín các khoảng trống hoặc lối vào các đường hầm.
Mạng lưới hầm ngầm Gaza: sẽ là nơi đẫm máu nhất!?
Trong cuộc tập trận năm 2021, quân đội Israel đã triển khai loại bom "xốp" này. Họ thiết lập một mô hình hệ thống đường hầm tại căn cứ quân sự Tze'Elim gần biên giới với Gaza.
Được chứa trong một hộp nhựa, các thiết bị chuyên dụng này có vách bằng kim loại ngăn cách hai chất lỏng. Lúc vách ngăn này được gỡ bỏ, các hợp chất sẽ trộn lẫn vào nhau tạo ra phản ứng hình thành bọt xốp, loại bọt này dãn nở nhanh chóng và càng lúc càng đông cứng sau một khoảnh khắc bị ném ra xa hoặc đặt ở một vị trí nào đó.
Khi Israel tiến hành cuộc tấn công trên bộ như dự kiến, quân đội của họ có thể sẽ phải đối mặt với một trận chiến đẫm máu trong các đường hầm, được gọi là “hầm tàu điện ngầm Gaza”. Mạng lưới này dài hàng trăm cây số và dày đặc bẫy.
Đó là nơi Hamas đã giam giữ nhiều người trong số 200 con tin và là nơi các nhà lãnh đạo của tổ chức này kỳ vọng sống sót trong cuộc chiến sắp tới.
Cuộc chiến trong hàng trăm km hầm ngầm không đơn giản
Các đội đặc nhiệm trong quân đoàn công binh của IDF được tập hợp thành các đơn vị trinh sát đường hầm. Họ được trang bị các cảm biến mặt đất và trên không, radar xuyên mặt đất và hệ thống khoan đặc biệt để xác định vị trí đường hầm.
Họ cũng đã được cấp thiết bị đặc biệt để quan sát khi ở dưới lòng đất. Ngoài ra khi di chuyển dưới lòng đất, quân đội Israel sẽ dựa vào những cặp kính mắt dùng công nghệ nhiệt để có thể thấy rõ mọi thứ trong bóng tối hoàn toàn.
Tuy nhiên, có những rắc rối tiềm tàng với kho vũ khí ngầm. “Bom xốp” - về mặt kỹ thuật là nhũ tương lỏng - rất nguy hiểm khi sử dụng. Một số binh sĩ Israel đã bị mất thị lực do xử lý sai hỗn hợp.
Israel cũng có thể sử dụng robot và thiết bị không người lái để trợ giúp khi di chuyển trong các đường hầm. Nhưng cho đến nay, việc vận hành chúng dưới lòng đất vẫn gặp nhiều khó khăn.
Công ty công nghệ Roboteam có trụ sở tại Israel đã phát triển IRIS, một thiết bị không người lái nhỏ, có thể ném được và điều khiển từ xa.
Được các lực lượng đặc biệt gọi là "throwbot", nó quét và chuyển tiếp hình ảnh trở lại bộ điều khiển, giúp lực lượng này có thể vận hành thiết bị từ một vị trí an toàn.
Cùng với IRIS, họ đã phát triển MTGR, một “robot mặt đất siêu nhỏ” có thể leo cầu thang và được thiết kế để binh lính vận hành trong các tòa nhà và hang động.
Hình minh họa trên: IRIS robot siêu nhẹ, có thể ném được, được trang bị camera 360 độ có khả năng nhìn đêm, trinh sát theo thời gian thực, tìm kiếm bẫy mìn và các rủi ro khác trong đường hầm. Hình minh họa dưới: Bom xốp chứa hai chất lỏng được ném vào mục tiêu khiến các hợp chất trộn lẫn với nhau, biến thành bọt nhanh chóng nở ra và cứng lại để bịt kín các khoảng trống - Nguồn: THE TELEGRAPH
Mạng lưới hầm ngầm Hamas ở Gaza
Hamas đã tích hợp chiến tranh dưới lòng đất vào chiến lược quân sự tổng thể của mình.
Các đường hầm, một số được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước. Chúng không còn chỉ là nơi trú ẩn mà là một phần không thể thiếu trong kế hoạch rộng lớn hơn - nhằm chuẩn bị mặt bằng cho cuộc phục kích lực lượng Israel ở phía trên.
Nhiều khu vực hầm ngầm trải dài dưới các công trình dân sự, có điểm ra vào là nhà ở và các tòa nhà phi quân sự khác, khiến Israel cực kỳ khó tấn công mà không bị quốc tế lên án.
Một đường hầm “chuẩn” cao khoảng 2m, rộng 1m nên có thể xây dựng nhanh chóng. Đôi khi chúng được gia cố bằng bê tông và kim loại nhưng không đặc biệt phức tạp.
Hầm ngầm có điện, nước và hệ thống thông gió ở các khu vực trung tâm chỉ huy và trạm nghỉ ngơi.
Ngoài ra, trong hầm còn có kho vũ khí, đường xâm nhập vào Israel và các tuyến đường đến các địa điểm phóng tên lửa bí mật.
Ở một số nơi thậm chí còn có hệ thống đường sắt nhỏ để vận chuyển vũ khí và thiết bị xây dựng.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online