Trải qua 148 năm thăng trầm, Toshiba tạo dựng di sản đồ sộ của một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu thế giới. Nhưng một loạt sai lầm trong 8 năm ngắn ngủi buộc họ phải tự bán mình.
Ông Hisashige Tanaka (trái), nhà sáng lập Công ty Tanaka Seizo-sho (sau đổi tên thành Shibaura Seisaku-sho) và ông Ichisuke Fujioka, nhà sáng lập Công ty Hakunetsu-sha (sau đổi tên thành Tokyo Denki) - Ảnh: TOSHIBA
140 năm lịch sử huy hoàng của Toshiba
Tập đoàn Toshiba ngày nay là thành quả của việc sáp nhập Công ty Shibaura Seisaku-sho (thành lập năm 1875) và Công ty Tokyo Denki (thành lập năm 1878) vào năm 1939.
Sau khi sáp nhập, Toshiba tiếp tục phát triển, trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất xứ sở mặt trời mọc. Toshiba là công ty đã sản xuất radar, thiết bị thu phát sóng truyền hình, tivi màu, lò vi sóng… đầu tiên của Nhật.
Shibaura Seisaku-sho và Tokyo Denki là những công ty đầu tiên sản xuất bóng đèn điện sợi kép, máy giặt, tủ lạnh ở Nhật Bản - Ảnh: TOSHIBA
Năm 1963, Toshiba đặt dấu ấn lớn khi xây dựng thành công turbine điện hạt nhân đầu tiên của Nhật. Năm 1967, Toshiba là nhà sản xuất thiết bị điện lớn nhất và công ty lớn thứ tư của Nhật.
Năm 1985, tập đoàn này sản xuất thành công hai sản phẩm đầu tiên của thế giới: chip nhớ DRAM dung lượng 1Mb và "máy tính xách tay cho thị trường đại chúng".
Từ những thành quả trên, cuối thập niên 1980, Toshiba trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ hai và nhà cung cấp của hơn nửa số chip nhớ DRAM 1Mb toàn cầu.
Ra mắt năm 1985, máy tính T1100 được Toshiba quảng bá là "máy tính xách tay cho thị trường đại chúng đầu tiên trên thế giới" - Ảnh: JOHANN H. ADDICKS
Bước sang thế kỷ 21, Toshiba tiếp tục phát huy vị thế biểu tượng của nền công nghiệp Nhật. Không dừng ở đó, năm 1991, Toshiba là nhà sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới, chiếm 20% thị phần.
Cái sảy nảy cái ung
Khủng hoảng tại Toshiba bắt đầu từ tháng 5-2015, khi tập đoàn này công bố tiến hành cuộc điều tra nội bộ về những sai phạm kế toán.
Theo đó, tập đoàn đã thổi phồng 1,2 tỉ USD lợi nhuận trong giai đoạn 2008 - 2014, theo Đài CNN.
Ông Tanaka Hisao, giám đốc điều hành Tập đoàn Toshiba, tuyên bố từ chức ngày 21-7-2015 do bê bối thổi phồng lợi nhuận - Ảnh: AP
Giám đốc điều hành Tanaka Hisao lập tức tuyên bố từ chức, gọi bê bối này là "vụ việc tổn hại danh tiếng nhất trong 140 năm lịch sử".
Vụ việc lập tức khiến giá cổ phiếu Toshiba lao dốc và 8 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường của Toshiba đã bị thổi bay, theo Hãng tin Bloomberg.
Để bù vào khoản lỗ này, Toshiba đã hấp tấp mua lại CB&I Stone & Webster, đơn vị xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Mỹ.
Khoản lỗ của thương vụ này khiến Công ty điện hạt nhân Westinghouse trực thuộc Toshiba phải nộp đơn phá sản hồi tháng 3-2017, để lại cho tập đoàn khoản nợ hơn 6 tỉ USD.
Tháng 9 cùng năm, Toshiba buộc phải bán bộ phận sản xuất chip nhớ Toshiba Memory quý giá của mình để trả nợ.
Để không bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán, ban lãnh đạo tập đoàn buộc phải nhận khoản rót vốn 5,4 tỉ USD từ hơn 30 nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 12 cùng năm.
Hệ quả là một loạt cổ đông chủ động đến từ nước ngoài đã tiến vào Toshiba, như các quỹ đầu tư Elliott Management, Third Point hay Farallon.
Logo Toshiba trên một sản phẩm chip của họ - Ảnh: REUTERS
Tháng 7-2020, các nhà đầu tư chủ động đề xuất 5 ứng viên cho chức vụ giám đốc tại đại hội cổ đông thường niên. Cả 5 người này đều không trúng cử.
Đến tháng 3-2021, các cổ đông tập đoàn thống nhất mở cuộc điều tra độc lập về những cáo buộc gian lận bầu cử đã diễn ra tại đại hội.
Không lâu sau đó, Toshiba công bố kế hoạch tự tách thành ba công ty để gia tăng giá trị, nhưng không được đa số cổ đông ủng hộ. Sau đó họ cân nhắc chiến lược mới, gồm cả "bán mình".
Tháng 6-2022, Toshiba nhận được 8 đề nghị mua lại. Trải qua nhiều vòng đấu thầu, liên minh doanh nghiệp Nhật Bản do Công ty Đầu tư đối tác công nghiệp Nhật (JIP) dẫn đầu được chọn làm nhà thầu ưa thích.
Tháng 2-2023, Toshiba xác nhận liên minh này đã gửi đề xuất mua lại với giá trị 2.000 tỉ yen (15,3 tỉ USD). Ngày 23-3, hội đồng quản trị tập đoàn chấp nhận đề xuất này, từ đó kết thúc chương dài đen tối của tập đoàn 148 tuổi.
Bài học rút ra
Giáo sư Bruce Aronson - cố vấn cấp cao tại Viện Luật pháp Mỹ - Á thuộc Trường Luật, Đại học New York - lý giải khủng hoảng ở Toshiba là kết quả của quá trình cải cách bộ máy tổ chức không được thực hiện đầy đủ.
Từ câu chuyện của Toshiba, ông Aronson gợi ý cho các doanh nghiệp 4 bài học:
1. Không có doanh nghiệp nào - dù lớn đến đâu - không bị ảnh hưởng bởi sự quản lý yếu kém.
2. Không phải cứ xây dựng được bộ máy lãnh đạo hoàn chỉnh thì sẽ thành công. Hoạt động thực tế của ban lãnh đạo mới là yếu tố quyết định.
3. Lãnh đạo các doanh nghiệp không được phép ngó lơ tầm ảnh hưởng của các cổ đông chủ động.
4. Thời kỳ của các tập đoàn đa ngành đã kết thúc. Nhà đầu tư ngày nay yêu cầu doanh nghiệp tập trung vào giá trị cốt lõi của mình.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online