Dù đi ra ngoài đường hay chỉ ở trong nhà, thanh lọc phổi vẫn là điều bạn cần làm trong thời điểm hiện tại.
Thời gian gần đây, nhiều khu vực ở Hà Nội thường xuyên chìm trong bầu không khí trắng đục của sương và khói bụi. Có những hôm, ứng dụng PAM Air cảnh báo chất lượng không khí một số khu vực của Hà Nội ở mức nguy hiểm tới sức khỏe.
Thời gian gần đây, nhiều khu vực ở Hà Nội thường xuyên chìm trong bầu không khí trắng đục của khói bụi. (Ảnh: Internet)
Khảo sát tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) cho thấy, trong tháng cuối năm 2023, số trẻ đến khám và nhập viện do bệnh hô hấp có dấu hiệu gia tăng đột biến, cao gấp đôi với những tháng trước. Phần lớn các bé mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, sốt xuất huyết, sốt virus, cúm.
Không chỉ trẻ em, nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền, sức khoẻ kém cũng mắc và nhập viện do bệnh hô hấp. Người cao tuổi khi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp thường diễn biến nặng và khó lường hơn người trẻ.
Vì sao bụi mịn và mưa ẩm cùng lúc xuất hiện khiến phổi suy yếu cực nhanh?
Bụi mịn được hình thành từ những chất như carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Khi nồng độ bụi mịn PM2.5, PM10 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Đó là hiện tượng thường thấy ở Hà Nội những ngày gần đây dù bạn ra đường sáng sớm hay chiều tối.
Bụi mịn và mưa ẩm cùng lúc xuất hiện khiến phổi suy yếu cực nhanh. (Ảnh: Internet)
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), những hạt bụi trung bình thường phân tán trong môi trường làm việc cũng như môi trường sống. Khi hít phải, chúng sẽ tiến sâu hơn và mắc kẹt vào các phế nang, khó và chậm đào thải nên tích lũy lại gây các bệnh hô hấp gọi là bệnh bụi phổi (pneumoconiosis).
Chưa dừng lại ở đó, các hạt bụi siêu nhỏ này có khả năng vượt qua "hàng rào" bảo vệ của các loại khẩu trang thông thường, đi sâu vào trong phổi, len lỏi trực tiếp vào máu rồi gây độc cho cơ thể. Vì thế, không dừng lại ở những bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi, chúng có thể tấn công trực tiếp vào máu, gây bệnh phổi mãn tính và cả ung thư.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, Hà Nội còn đang xuất hiện mưa ẩm kéo dài, càng làm cho tình trạng bệnh đường hô hấp gia tăng. Nguyên nhân bởi mưa khiến môi trường luôn ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và lây lan.
Độ ẩm cao cũng làm tăng khả năng mắc các bệnh dị ứng và viêm nhiễm do nấm mốc phát triển. Ngoài ra, không khí lạnh và ẩm cũng có thể làm tăng tình trạng viêm, tắc nghẽn đường hô hấp, làm cho các triệu chứng bệnh hô hấp trở nên tồi tệ hơn.
Độ ẩm cao làm tăng khả năng mắc các bệnh dị ứng và viêm nhiễm do nấm mốc phát triển. (Ảnh minh họa)
Những việc cần làm ngay để thanh lọc phổi, tránh bệnh đường hô hấp
Bụi mịn và mưa ẩm là sự kết hợp vô cùng "hoàn hảo" để tấn công lá phổi, khiến phổi suy yếu hơn bình thường. Làm thế nào để thanh lọc phổi, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc những bệnh tật nguy hiểm trong cuộc sống là vấn đề hàng đầu người dân cần quan tâm.
Giới chuyên gia thừa nhận, để thanh lọc phổi đúng cách, tránh bệnh đường hô hấp hiệu quả, ý thức của mỗi người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ý thức thể hiện rõ trong việc duy trì lối sống lành mạnh, tạo thêm những thói quen có lợi cho sức khỏe. Cụ thể:
1. Bỏ hút thuốc
Để thanh lọc phổi, phòng tránh bệnh đường hô hấp cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh, bỏ hút thuốc là việc đầu tiên mà chúng ta nên làm.
Nicotine và hàng loạt hóa chất khác có trong thuốc lá đang đẩy rất nhiều người - cả những người chủ động hút thuốc lẫn những người vô tội xung quanh - vào nguy cơ viêm phổi, lao, ung thư phổi…
Để thanh lọc phổi, phòng tránh bệnh đường hô hấp cũng như giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh, bỏ hút thuốc là việc đầu tiên mà chúng ta nên làm. (Ảnh minh họa)
2. Tăng cường bổ sung vitamin C
Bằng cách ăn thực phẩm giàu vitamin C như ổi, dứa, cherry, trái cây họ cam chanh, cà chua, ớt chuông, hành tây…, bạn sẽ nạp lượng vitamin C dồi dào vào cơ thể. Nếu không thích ăn, bạn có thể ép nước để uống.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung viên uống vitamin C để tăng cường chất chống oxy hóa, giúp cơ thể tăng miễn dịch, phổi khỏe mạnh, phòng tránh bệnh đường hô hấp tốt hơn. Nhất là những người không ăn đủ vitamin C trong chế độ ăn hàng ngày. Hoặc chị em muốn tăng cường bổ sung để làm đẹp da, uống viên vitamin C sẽ rất hữu ích nhưng đừng quên làm theo khuyến cáo của bác sĩ.
3. Bổ sung gia vị có tác dụng làm sạch phổi, giúp phổi khỏe mạnh hơn
Gừng sẽ giúp loại bỏ độc tố trong phổi, làm thông đường thở. Lá bạc hà có thể dùng trong các món ăn, làm tăng hương vị, hoặc cho vào trà, nước để uống, khoảng 3-5 lá mỗi ngày. Lá kinh giới cũng sẽ giúp thông mũi, lọc sạch phổi, hỗ trợ điều trị bệnh liên quan ở đường hô hấp. Nghệ chứa thành phần chính là curcumin, một hợp chất chống viêm mạnh có thể hỗ trợ giảm viêm đường thở, tăng cường sức khỏe phổi...
Thêm một loại gia vị yêu thích vào chế độ ăn uống mỗi ngày là ý tưởng không tồi cho lá phổi sạch khỏe hơn tại thời điểm này.
Thêm một loại gia vị yêu thích vào chế độ ăn uống mỗi ngày là ý tưởng không tồi cho lá phổi sạch khỏe. (Ảnh minh họa)
4. Ăn thực phẩm bổ phổi
Một số loại thực phẩm khác như các loại rau họ cải, cá béo, đậu, các loại hạt... cũng có tác dụng bổ phổi và cả thiện sức khỏe nói chung. Mọi người nên ăn nhiều hơn cùng việc uống nhiều nước mỗi ngày sẽ giúp phổi sạch khỏe, phòng tránh bệnh đường hô hấp.
5. Tập yoga, hít thở sâu
Yoga là bộ môn giúp cải thiện sức khỏe nói chung, kết hợp với hít thở sâu giúp cải thiện dung tích phổi, đẩy mạnh hơn việc thải tạp chất ra khỏi lá phổi của bạn. Đây là bộ môn bạn nên gắn bó nếu muốn thanh lọc phổi, tránh bệnh đường hô hấp trong tình hình thời tiết hiện nay.
6. Sử dụng máy lọc không khí
Nếu có điều kiện, trong nhà bạn có thể trang bị thêm máy lọc không khí để môi trường tốt hơn, cải thiện đường thở cũng như sức khỏe tổng thể tốt nhất.
Theo Tổ Quốc