Virus này có thể lây truyền trực tiếp khi tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong xảy ra trong 40-75% trường hợp và đã bùng phát ở Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ, Singapore.
Ngày 22/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã thông tin về tình hình các dịch bệnh tuần 7 của năm 2023 (từ ngày 13/2 đến 19/2).
Theo đó, về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, tính đến tuần 7, TPHCM phát hiện 3.916 trường hợp mắc bệnh, tăng khoảng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, trong tuần địa phương chỉ ghi nhận 378 trường hợp mắc bệnh, giảm hơn 22% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca nội trú và ngoại trú đều giảm nhiều và không có trường hợp tử vong.
Số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh so với 4 tuần trước nhưng vẫn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 (Ảnh: Hoàng Lê).
Về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, trong tuần TPHCM ghi nhận 48 ca bệnh, giảm 1% so với trung bình 4 tuần trước đó. Số mắc tích lũy đến tuần 7 là 366 ca.
Còn về dịch Covid-19, TPHCM chỉ ghi nhận 6 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 trong một tuần, trong đó có 1 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính. Số ca Covid-19 tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay là 116 ca. Tính từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, TPHCM phát hiện hơn 618.000 ca bệnh, trong đó có 839 ca nhập cảnh (tỉ lệ 0,14%).
Đến hết ngày 19/2, toàn TPHCM đã tiêm hơn 23,5 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19, trong đó có hơn 4,8 triệu mũi nhắc lần 1 và hơn 1,5 triệu mũi nhắc lần 2.
Ngoài các dịch bệnh trên, HCDC cũng dẫn thông tin từ trang web chính thức của CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để phát lên các khuyến cáo về bệnh do virus Nipah (NiV) gây ra.
Theo đó, NiV là một loại virus lây truyền từ động vật sang người và cũng có thể truyền trực tiếp từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh. Dơi ăn quả hoặc cáo bay (Pteropus) là vật chủ tự nhiên của virus này.
Nhiễm NiV có liên quan đến viêm não (sưng não) và có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, thậm chí tử vong. Các đợt bùng phát xảy ra gần như hàng năm ở các vùng của Châu Á, chủ yếu là Bangladesh và Ấn Độ.
Các triệu chứng nhiễm bệnh ban đầu bao gồm: sốt, đau đầu, ho, đau họng, khó thở, nôn mửa. Bệnh nhân cũng có thể mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn, như mất phương hướng, buồn ngủ hoặc nhầm lẫn, co giật, hôn mê, sưng não (viêm não). Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong khi nhiễm bệnh có thể xảy ra trong 40-75% trường hợp.
Thống kê cho thấy, những khu vực đã xảy ra bùng phát NiV là Bangladesh, Ấn Độ và 2 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia. Riêng tại Bangladesh, theo WHO, tính từ ngày 4/1 đến ngày 13/2, nước này đã phát hiện 11 trường hợp nhiễm NiV, trong đó có 8 ca tử vong.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Bangladesh đã triển khai các hoạt động giám sát, quản lý ca bệnh, phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm và thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ bùng phát bệnh.
Phân bố các trường hợp nhiễm virus Nipah, các địa điểm giám sát trong khoảng thời gian 2001-2023 (Trái) và các trường hợp nhiễm mới nhất từ đầu năm 2023 tại Bangladesh (Ảnh: WHO).
WHO khuyến cáo, để phòng chống bệnh do nhiễm NiV gây ra, người dân, nhất là những vùng đã bùng phát bệnh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, tránh tiếp xúc với dơi hoặc lợn ốm, tránh những khu vực có dơi đậu.
Ngoài ra, cần tránh ăn hoặc uống các sản phẩm có thể bị nhiễm virus từ dơi, chẳng hạn như nhựa cây chà là thô, trái cây được tìm thấy trên mặt đất. Tránh tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của bất kỳ người nào nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm NiV.
Virus Nipah lần đầu được phát hiện vào năm 1999, khi những người có tiếp xúc với lợn mang mầm bệnh ở Malaysia và Singapore được phát hiện bị nhiễm. Hậu quả, có hơn 100 bệnh nhân đã tử vong.
Từ năm 2001, Bangladesh đã báo cáo các đợt bùng phát nhiễm virus Nipah theo mùa từ tháng 12 đến tháng 5, tương ứng với mùa thu hoạch nhựa cây chà là diễn ra ở nước này.
Năm 2018, virus Nipah gây dịch và khiến 17 người ở Ấn Độ tử vong. Tháng 9/2021, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận một bé trai tử vong vì nhiễm bệnh do virus Nipah.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí