Cảnh báo nguy cơ bão Mặt trời tấn công Trái đất ngày 25-9

Mặt trời vừa phóng ra một luồng plasma khổng lồ. Hiện tại luồng plasma này đang lao về phía Trái đất với tốc độ hơn 1.046.073km/h.

1 Canh Bao Nguy Co Bao Mat Troi Tan Cong Trai Dat Ngay 25 9

Một vụ phun trào vành nhật hoa (CME) hồi tháng 8-2012 - Ảnh: NASA/GFSC/SDO

Vụ phun trào bất ngờ

Theo các nhà khoa học không gian, một vụ phun trào vành nhật hoa (CME) đã được ghi nhận vào lúc 21h39 ngày 22-9 giờ GMT (4h30 sáng 23-9 theo giờ Hà Nội) khi vết đen AR3835, vốn rất ổn định và không có dấu hiệu hoạt động mạnh trước đó, bất ngờ phát ra một cơn bão Mặt trời lớp M.

Đây là sự kiện mà các nhà khoa học không dự đoán trước được, bởi AR3835 đã được cho là không đủ năng lượng để phát nổ.

Hiện tại luồng plasma này đang lao về phía Trái đất với tốc độ hơn 1.046.073km/h. Mặc dù mô hình của NASA cho thấy phần lớn lượng plasma sẽ không đâm thẳng vào Trái đất mà chỉ ảnh hưởng nhẹ đến từ quyển - lớp bảo vệ hành tinh khỏi các tia bức xạ Mặt trời - song thời điểm xảy ra sự kiện này gần với ngày thu phân nên có thể tăng nguy cơ xảy ra bão từ (bão Mặt trời) vào ngày 25-9.

Mặc dù mức độ ảnh hưởng có thể không quá nghiêm trọng, các hệ thống liên lạc và điện lực tại các vùng vĩ độ cao vẫn có thể gặp phải một số rủi ro. 

Tại sao thời điểm thu phân lại quan trọng?

Thu phân là thời điểm đặc biệt khi cả hai bán cầu của Trái đất đều nhận được số giờ ánh sáng ban ngày và ban đêm bằng nhau, do trục quay của Trái đất không nghiêng hẳn về phía nào trong quỹ đạo quay quanh Mặt trời. Ngày thu phân năm 2024 rơi vào sáng 22-9, đánh dấu ngày đầu tiên của mùa thu ở bán cầu Bắc và ngày đầu tiên của mùa xuân ở bán cầu Nam.

Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy tần suất xảy ra bão từ tăng lên đáng kể trong khoảng thời gian gần ngày thu phân và xuân phân mỗi năm. Lý do chính cho sự gia tăng này liên quan đến cách mà từ quyển của Trái đất, lớp bảo vệ chống lại các hạt tích điện từ Mặt trời, tương tác với từ trường của Mặt trời trong khoảng thời gian này.

Vào những thời điểm khác trong năm, từ trường của Trái đất và từ trường của Mặt trời thường không hoàn toàn thẳng hàng, điều này giúp Trái đất tránh được phần lớn tác động từ các đợt phun trào hạt tích điện như CME hoặc gió Mặt trời.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần các ngày điểm phân, hai từ trường này lại thẳng hàng với nhau, làm giảm khả năng "đánh bật" các hạt tích điện và dẫn đến việc Trái đất dễ bị ảnh hưởng hơn bởi những cơn bão từ.

Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Russell-McPherron, được đặt tên theo hai nhà khoa học đã đề xuất giả thuyết này vào năm 1973 để giải thích sự thay đổi theo mùa của tần suất bão từ.

Dữ liệu thu thập từ năm 1932 đến 2014 cho thấy bão từ có khả năng xảy ra cao gấp đôi trong thời gian gần các ngày điểm phân so với thời điểm khác trong năm, đặc biệt là vào các tháng của hạ chí và đông chí, khi các cực của Trái đất hướng thẳng vào hoặc ra khỏi Mặt trời.

Bão từ ảnh hưởng gì đến Trái đất?

Bão từ có thể làm gián đoạn hệ thống liên lạc vô tuyến, ảnh hưởng đến hệ thống điện lưới, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng mất điện diện rộng. Ở các vĩ độ cao, những cơn bão từ còn có thể mang đến cảnh tượng ánh sáng tuyệt đẹp được gọi là cực quang.

Trung tâm Dự báo thời tiết không gian NOAA xếp loại bão từ theo thang từ G1 đến G5, trong đó bão từ cấp G5 là mạnh nhất, có thể gây ra sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống điện và liên lạc.

Những cơn bão từ yếu hơn, như G1 hoặc G2 có thể xảy ra vào ngày 25-9 tới, chỉ có khả năng ảnh hưởng nhẹ đến cơ sở hạ tầng ở các khu vực gần cực Bắc hoặc cực Nam của Trái đất.

TTXVN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan