Châu Âu phóng tàu thăm dò khám phá sao Mộc

Tối 14-4 (giờ Việt Nam), tàu thăm dò JUICE của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã bắt đầu sứ mệnh 8 năm khám phá các mặt trăng băng giá của sao Mộc.

1 Chau Au Phong Tau Tham Do Kham Pha Sao Moc

Tên lửa mang theo tàu thăm dò JUICE được phóng đi từ sân bay vũ trụ của châu Âu ở thị trấn Kourou - Ảnh: AFP

Ông Stephane Israel - giám đốc điều hành của công ty Pháp Arianespace - cho biết tên lửa Ariane 5 do công ty này phát triển đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ của châu Âu ở thị trấn Kourou (thuộc vùng lãnh thổ hải ngoại Guiana thuộc Pháp), mang theo tàu thăm dò JUICE nặng 6 tấn và không có người lái.

Đúng như kế hoạch, JUICE đã tách thành công khỏi Ariane 5 khoảng 27 phút sau khi phóng, khi tên lửa đạt độ cao 1.500km. Dự kiến tàu sẽ thực hiện một hành trình dài và quanh co, bay qua Trái đất và Mặt Trăng để "lấy đà". Sau đó, nó di chuyển quanh sao Kim vào năm 2025 trước khi vòng lại Trái đất năm 2029, rồi mới tiến đến sao Mộc - nằm cách Trái đất 628 triệu km.

Dự kiến trong tháng 7-2031, tàu thăm dò JUICE sẽ đi vào quỹ đạo của sao Mộc. Ở thời điểm đó, 10 thiết bị khoa học của tàu thăm dò này sẽ phân tích thời tiết, từ trường, lực hấp dẫn và các yếu tố khác của hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời.

Tàu cũng sẽ phân tích 3 mặt trăng băng giá của sao Mộc là Europa, Ganymede và Callisto - được nhà thiên văn học Galileo Galilei phát hiện từ cách đây hơn 400 năm. 

JUICE sẽ tập trung chủ yếu vào Ganymede, mặt trăng lớn nhất của Hệ Mặt trời và là mặt trăng duy nhất có từ trường riêng, giúp bảo vệ nó khỏi bức xạ. 

Do không được thiết kế để đáp xuống và đi sâu vào bề mặt sao Mộc nên JUICE không thể phát hiện trực tiếp sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh. Tuy nhiên, tàu thám hiểm này được kỳ vọng sẽ xác định được liệu các mặt trăng có điều kiện thích hợp để tồn tại sự sống hay không.

Có gì trên tàu thám hiểm sao Mộc?

Sứ mệnh JUICE trị giá 1,6 tỉ euro (1,7 tỉ USD) đánh dấu lần đầu tiên châu Âu triển khai tàu vũ trụ ra phạm vi bên ngoài Hệ Mặt trời, sau sao Hỏa.

Con tàu được trang bị một tấm pin Mặt trời rộng kỷ lục 85 m2, nhằm thu thập nhiều năng lượng nhất có thể khi tới gần sao Mộc, nơi ánh sáng Mặt Trời yếu hơn 25 lần so với trên Trái đất.

Nó cũng được trang bị máy ảnh quang học, radar xuyên băng, quang phổ kế và từ kế...

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan