Phân tích dữ liệu của các nhà thống kê ở Canada cho thấy tuổi thọ cực hạn của con người có thể lên tới 180 tuổi, tạo tác động lớn đến xã hội.
Cụ bà Kane Tanaka - người cao tuổi nhất thế giới còn sống - kỷ niệm sinh nhật 119 tuổi hôm 2/1. Ảnh: Kyodo News
Giáo sư Léo Belzile của trường Đại học HEC Montréal ở Quebec cho rằng con người sẽ trở thành "siêu sinh vật" và kỷ lục sống thọ nhất có thể bị phá vỡ năm 2100. Theo tính toán, sẽ rất nhiều người có thể sống đến 130 tuổi vào cuối thế kỷ này. Trong khi đó, số tuổi cao nhất có thể đạt được lên tới 180. Ngoài ra, các dữ liệu khác cho thấy hầu hết mọi người đều có thể sống lâu hơn ít nhất là 3-10 năm.
Trong bảng Đánh giá hàng năm về Thống kê và Ứng dụng, Belzile cảnh báo việc nhiều người đẩy giới hạn tuổi thọ ngày càng lên cao có thể tác động lớn đến xã hội. Bên cạnh đó, con người sẽ phải chịu hóa đơn y tế tăng cao vì mắc các bệnh tuổi già nghiêm trọng. Nó cũng ảnh hưởng đến chăm sóc xã hội, lương hưu và các khoản chi trả cho an sinh xã hội, gây gánh nặng cho người đóng thuế.
Giáo sư Eileen Crimmins, một chuyên gia về tuổi thọ tại Đại học Nam California, nói với The Times: "Người dân sẽ phải trả số tiền lớn cho các chi phí chăm sóc sức khoẻ. Nếu muốn sống thọ và khoẻ mạnh, các bạn sẽ phải trả rất nhiều tiền để thay thế các bộ phận như đầu gối, giác mạc và thậm chí cả van tim. Chúng ta có thể làm được điều này, giống như việc giữ cho một chiếc xe cũ vẫn chạy được. Nhưng tất nhiên, đến cuối cùng nó cũng sẽ hỏng".
Cho đến nay, hơn một chục người còn sống được xác minh ở độ tuổi trên 110. Cơ sở dữ liệu quốc tế về tuổi thọ - theo dõi những người sống ít nhất đến 110 tuổi - cho biết nguy cơ tử vong tăng đều đặn từ tuổi 50 nhưng chậm lại ở tuổi 80 rồi chững lại ở tuổi 110. Khi một người đạt 110 tuổi, khả năng tử vong trong năm tiếp theo lại tăng tới 50%.
Kỷ lục người già nhất thế giới hiện tại thuộc về Jeanne Calment, một cụ bà người Pháp qua đời ở tuổi 122 vào năm 1997.
Tùng Anh (Theo Times)