Công việc nguy hiểm nhất thế giới: Lái chiếc xe nhanh nhất thế giới đạt vận tốc siêu thanh

Nhà tuyển dụng đang đi tìm một tài xế siêu cứng, khi phải có khả năng điều khiển chiếc xe nhanh nhất thế giới Bloodhound - có thể đạt kỷ lục tốc độ trên đất liền là 1.287km/h, tương đương với tốc độ siêu thanh.

1 Cong Viec Nguy Hiem Nhat The Gioi Lai Chiec Xe Nhanh Nhat The Gioi Dat Van Toc Sieu Thanh

Bloodhound được kỳ vọng có thể xác lập kỷ lục mới về tốc độ - Ảnh: Bloodhound

Trong 15 năm qua, Bloodhound đã ấp ủ ước mơ lập kỷ lục tốc độ trên mặt đất mới với một chiếc ô tô chạy bằng năng lượng tên lửa. Nhưng mục tiêu đạt tốc độ 1.287km/h không hề dễ dàng.

Thứ nhất, họ phải có tiền. Ước tính, công ty cần 12 triệu bảng Anh (14,77 triệu USD) để thực hiện dự án.

Thứ hai, họ phải tìm được một ai đó đủ mạo hiểm để điều khiển chiếc xe đủ nhanh để xô đổ kỷ lục trước đó.

Nhưng có khả năng lái thôi chưa đủ, tài xế còn phải mang theo cả… tiền. Bởi công ty kỳ vọng tài xế sẽ là một trong những "nhà đầu tư thiên thần" viết séc cho một phần khoản 12 triệu bảng kia.

Thông qua việc tuyển dụng nghe có vẻ khá hài hước này, Bloodhound cũng kỳ vọng có thể tìm kiếm thêm các nhà tài trợ. Hiện tại, họ đang đi vòng quanh nước Anh bằng bản sao kích thước thật của chiếc xe, dĩ nhiên không nhanh bằng, để thu hút thêm sự quan tâm đến dự án.

2 Cong Viec Nguy Hiem Nhat The Gioi Lai Chiec Xe Nhanh Nhat The Gioi Dat Van Toc Sieu Thanh

Cựu sĩ quan quân đội Anh Andy Green từng lái xe Bloodhound với tốc độ lên đến 1.010km/h - Ảnh: Bloodhound

Khi tìm được "tài xế", tay lái Andy Green, người đồng hành từ đầu với dự án Bloodhound, không bị loại. Ông chỉ chuyển sang vị trí huấn luyện, giúp đào tạo và cố vấn cho người mới.

Andy Green chính là người đã giúp Bloodhound được ghi nhận là một trong những chiếc xe nhanh nhất thế giới. Năm 2019, ông đã cầm lái Bloodhound băng qua sa mạc Nam Phi với tốc độ nhanh đến mức sơn tróc hết ra: 1.010km/h.

Thành tích này giúp Bloodhound trở thành 1 trong 8 chiếc xe nhanh nhất mọi thời đại, cùng với Sonic 1, Blue Flame, Thrust2, Budweiser Rocket, Sonic Arrow, Aussie Invader III và Thrust SSC.

Kỷ lục tốc độ trên mặt đất hiện tại là 1.227,986km/h được thiết lập vào năm 1997, cũng do chính Green lập với chiếc Thrust SSC. Bloodhound muốn vượt qua mốc này.

3 Cong Viec Nguy Hiem Nhat The Gioi Lai Chiec Xe Nhanh Nhat The Gioi Dat Van Toc Sieu Thanh

Andy Green ngồi trong Bloodhound trước khi giúp chiếc xe này bước vào hàng ngũ những chiếc xe nhanh nhất thế giới vào năm 2017 - Ảnh: Bloodhound

Cần bao nhiêu thời gian tập luyện để một người có thể lái chiếc xe chạm đến tốc độ siêu thanh? Chỉ có nói không khác gì trở thành một "top gun". Andy Green chính là cựu sĩ quan chỉ huy của không quân Anh. Cầm lái chiếc xe nhanh gấp 3 lần tốc độ cao nhất của một chiếc xe đua F1 hiện nay không hề đơn giản.

Quá trình tập luyện đó không chỉ để nâng cao tay lái, mà còn phải luyện cả một tinh thần thép "chống đạn". Cái chết bi thảm của Jessi Combs, người nuôi ý định trở thành "tay lái nữ nhanh nhất thế giới" với việc vượt qua mốc tốc độ 823km/h, là một ví dụ rõ ràng về mức độ nguy hiểm khi lái những chiếc xe nhanh hàng đầu thế giới.

"Họ phải có những kỹ năng và kinh nghiệm nhất định. Tôi cần một người có tâm trí siêu đặc biệt ngồi đằng sau tay lái Bloodhound. Một tinh thần thép trong một môi trường đầy thử thách", Stuart Edmondson, CEO của Bloodhound, cho hay.

Video của Bloodhound cho thấy Andy Green đã phải chuẩn bị như thế nào cho lần chạy năm 2017 - Video: Bloodhound

Bloodhound dự định thiết lập kỷ lục trên đường đua được chuẩn bị đặc biệt ở Northern Cape, Nam Phi vào tháng 6 hoặc 7-2025.

Còn chiếc xe chuẩn bị lập kỷ lục được trang bị động cơ tên lửa Nammo hoạt động phối hợp với động cơ phản lực Rolls-Royce EJ200 - cỗ máy được sử dụng cho nhiều máy bay chiến đấu trên khắp thế giới.

Khác với những chiếc máy bay đó, xe Bloodhound sẽ sử dụng nhiên liệu phản lực tổng hợp (còn gọi là nhiên liệu điện tử, e-fuel, được xem là giải pháp sạch hơn cho động cơ đốt trong) được thiết kế để thân thiện với môi trường hơn. Công ty kỳ vọng sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp hàng không vũ trụ vốn không dễ dàng điện khí hóa.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan