Ngừng tuần hoàn là hiện tượng tim mất chức năng, không co bóp, mạch không đập, dẫn đến không thể cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể, ngay sau đó gây ra ngưng thở và mất ý thức.
Hình ảnh nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu cho du khách bị ngừng tuần hoàn ngay tại quán ăn ở Đà Nẵng - Ảnh cắt từ clip
Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, kể cả trong và ngoài viện với tiên lượng nặng nề, nguy cơ tử vong cao.
Nhiều người đang khỏe bỗng ngừng tuần hoàn
Nam bệnh nhân 56 tuổi vào Bệnh viện Hùng Vương Phú Thọ trong tình trạng hôn mê, thở ngáp, không bắt được mạch cảnh.
Khoảng vài phút sau bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn, nhanh chóng các bác sĩ đã xử trí đặt ống nội khí quản, ép tim, báo động đỏ toàn bệnh viện... Sau 3 phút cấp cứu ép tim bệnh nhân có mạch trở lại, được duy trì an thần, nitroglycerin.
Người nhà bệnh nhân cho biết bệnh nhân vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, nửa đêm đang ngủ thì tỉnh giấc kêu mệt, khó thở. Gia đình gọi cấp cứu vào viện ngay.
Tương tự, một nam bệnh nhân 42 tuổi đang điều trị tăng huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh thì đột ngột ngừng tim. Nhờ nỗ lực hồi sức tim phổi tích cực trong suốt 45 phút và sự phối hợp điều trị tích cực mới cứu được bệnh nhân...
Thực tế trong cuộc sống có rất nhiều người, kể cả trẻ em, thanh niên... đột ngột tử vong tại nơi làm việc, trên đường đi, trong nhà hay sàn tập do ngừng tuần hoàn.
Bác sĩ Lê Quang Khương, phó khoa hồi sức tích cực - thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho hay ngừng tuần hoàn là hiện tượng tim mất chức năng, không co bóp, mạch không đập, dẫn đến không thể cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể, ngay sau đó gây ra các rối loạn hô hấp và ý thức.
Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra đột ngột bất cứ đâu, cả trong và ngoài bệnh viện, thậm chí ngay trong phòng mổ hay khu hồi sức tích cực. Đây là tình trạng cấp cứu tối khẩn, với tiên lượng rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao nếu không xử trí kịp thời.
Chính vì vậy cấp cứu ngừng tuần hoàn có vai trò rất quan trọng đối với sinh mạng người bệnh.
Bệnh nhân ngừng tuần hoàn tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh đã hồi phục - Ảnh: BVCC
Phát hiện và xử lý nhanh, đúng cách, người bệnh có cơ hội sống
Bác sĩ Lê Quang Khương cho biết: "Trường hợp bệnh nhân H. ban đầu nhập viện điều trị vì tăng huyết áp, song diễn biến bệnh cấp tính, đột ngột ngừng tim và được cấp cứu tuần hoàn liên tục trong 45 phút.
Bệnh nhân còn khá trẻ nên chúng tôi kiên trì cấp cứu đến cùng, may mắn là nỗ lực được đền đáp xứng đáng khi trái tim bệnh nhân hồi sinh trở lại.
Dù vậy, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng nề nên người bệnh được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực nhất. Với sự nhạy bén, kịp thời cùng quyết tâm của các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn 45 phút.
Đây là minh chứng cho kỹ năng cấp cứu hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, giúp mang lại sự sống cho người bệnh và niềm hạnh phúc cho gia đình".
Hằng năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh định kỳ tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn cho 100% cán bộ, nhân viên y tế nhằm rèn luyện phản xạ, nâng cao năng lực xử trí trong các tình huống ngừng tim, ngừng thở bất ngờ xảy ra.
Việc phát hiện sớm tình trạng ngừng tuần hoàn, cấp cứu kịp thời và xử trí sớm, đúng cách giúp người bệnh có cơ hội sống cao hơn.
Các chuyên gia cho biết ngừng tuần hoàn là trạng thái ngừng tim đột ngột, ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, phổi...
Có 3 trạng thái ngừng tuần hoàn là vô tâm thu, rung thất và phân ly điện cơ. Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra khi nạn nhân bị điện giật, đuối nước, đa chấn thương, sốc phản vệ, hoặc là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như xơ gan, suy tim, suy thận, ung thư,...
Ngừng tuần hoàn là tình trạng cấp cứu cực kỳ nghiêm trọng. Khi đó, tim không co bóp được dẫn đến không cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt để lại di chứng nặng nề như tổn thương não vĩnh viễn, tổn thương mạch vành, phổi…
Trong điều kiện nhanh nhất có thể, cần cấp cứu ngừng hô hấp và tuần hoàn để cung cấp máu mang oxy đến cho tế bào não, đặc biệt là trong vòng 5 phút đầu kể từ thời điểm ngừng tim. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn cần tiến hành tại chỗ, thực hiện ngay và đúng kỹ thuật.
Chú ý những bệnh lý, nguyên nhân dễ ngừng tuần hoàn
- Nguyên nhân do tim: Mắc bệnh thiếu máu cơ tim, tắc mạch vành cấp, các bệnh cơ tim, viêm cơ tim, chấn thương tim chèn ép tim cấp hoặc kích thích trực tiếp vào tim;
- Nguyên nhân tuần hoàn: Tắc mạch phổi, thiếu khối lượng tuần hoàn cấp và cơ chế phản xạ dây phế vị;
- Nguyên nhân hô hấp: Do tràn khí màng phổi nặng, thiếu oxy cấp gây vô tâm thu (do dị vật, tắc đường thở), ưu thán (thừa CO2);
- Nguyên nhân rối loạn chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa kali, tăng catecholamin cấp, tăng canxi máu cấp, hạ thân nhiệt;
- Nguyên nhân do thuốc, nhiễm độc: Tác động trực tiếp của thuốc gây ngừng tim, tác dụng phụ của thuốc;
- Nguyên nhân khác: Điện giật, đuối nước...
Người bệnh được chẩn đoán ngừng hô hấp và tuần hoàn dựa trên các triệu chứng cơ bản:
Mất ý thức: Bệnh nhân khi được hỏi không có đáp ứng trả lời, không có phản xạ thức tỉnh;
Ngừng thở hoặc thở ngáp: Xác định khi lồng ngực và bụng bệnh nhân không có cử động thở;
Ngừng tim: Mất mạch cảnh hoặc mất mạch bẹn;
Triệu chứng khác: Da nhợt nhạt hoặc tím tái, giãn đồng tử hoặc mất phản xạ đồng tử với ánh sáng. Nếu bệnh nhân đang được phẫu thuật sẽ thấy máu ở vết mổ tím đen và ngừng chảy. Nếu bệnh nhân đang thở máy, hôn mê thì monitor tim sẽ báo động và SpO2 giảm đột ngột.
Ngừng tim là dấu hiệu người bệnh đang ngừng hô hấp và tuần hoàn.
Cấp cứu ngừng tuần hoàn (CPR) là kỹ thuật được sử dụng để cấp cứu những trường hợp bị ngừng tuần hoàn, với mục đích hỗ trợ cung cấp oxy cho não và các cơ quan quan trọng của nạn nhân trước khi nhận được các can thiệp cấp cứu y tế chuyên sâu.
Cấp cứu ngừng tuần hoàn bao gồm 3 kỹ thuật quan trọng:
Khai thông đường thở: Lấy bỏ dị vật. Giữ mũi, miệng và đường thở ở tư thế không khí có thể dễ dàng đi vào phổi bằng cách ngửa đầu nâng cằm hoặc đẩy hàm trong trường hợp nghi ngờ chấn thương cột sống cổ.
Duy trì nhịp thở: Giữ luồng không khí vào phổi bằng cách hô hấp nhân tạo miệng miệng hoặc miệng mũi.
Duy trì dòng máu trong hệ tuần hoàn: Giữ để máu được bơm từ tim đến toàn cơ thể, bằng cách ép tim ngoài lồng ngực.
HÀ LINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online