Rượu pha methanol khiến người uống nhanh chóng ngộ độc phải vào viện cấp cứu với các triệu chứng nghiêm trọng.
Sau bữa tiệc cưới vào cuối tháng 7 vừa qua tại huyện Thường Tín (Hà Nội), 5 người đã bị ngộ độc nặng. Trong đó, 1 trường hợp tử vong tại nhà sau khi xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ra máu 2 lần. Bốn người còn lại được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu.
Ngoài các món ăn quen thuộc trong các tiệc cưới, cả 5 nạn nhân đều uống rượu ngâm táo mèo. Mỗi người uống khoảng 0,5 tới 1 lít. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. Khi vào viện, các bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu cao.
Tháng 7/2023, một vụ việc đau lòng khác liên quan tới ngộ độc rượu xảy ra tại Bình Phước khiến 1 người tử vong, 3 người phải đi cấp cứu.
Trước đó, chiều tối 12/7, gia đình anh N.X.H. (40 tuổi) tổ chức ăn nhậu cùng bạn bè. Sau khi cả nhóm uống hết 6 chai rượu (mỗi chai khoảng 500ml), anh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, nôn ói được đưa đi cấp cứu. Sáng 14/7, người này tử vong. Vợ con anh H. và một người đàn ông trong cuộc nhậu trên có các biểu hiện tương tự được đưa vào Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM).
Bác sĩ Võ Thành Hoài Nam, Phó trưởng khoa Thận Lọc máu, cho biết các bệnh nhân đến cấp cứu sau hơn 40 giờ uống rượu và không có mùi nồng của methanol. Kết hợp với biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm, ông nhận định có khả năng bệnh nhân không uống rượu methanol nguyên chất mà pha trộn với ethanol. Rượu có ethanol kèm theo nên đã làm chậm chuyển hóa và đào thải methanol, biểu hiện ngộ độc cũng muộn hơn.
Dù ngành y tế đã liên tục đưa ra các khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của methanol nhưng những cơ sở sản xuất vẫn cố tình dùng loại chất này để làm rượu do chi phí rẻ.
Ngành y tế khuyến cáo tuyệt đối không uống rượu pha methanol.
Mức độ nguy hiểm của ngộ độc rượu methanol
Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, là thành phần của xăng dầu, chất chống đông, dầu thơm, gỗ, dung môi sơn, chất tẩy rửa trong gia đình và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Methanol rất độc với cơ thể và bị cấm dùng làm rượu thực phẩm.
Ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Các triệu chứng nhiễm độc xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào lượng rượu và trong rượu có ethanol hay không (triệu chứng xuất hiện chậm hơn).
Triệu chứng thường gặp
Thần kinh: Người bệnh khi đến viện có thể còn tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có xuất huyết.
Mắt: Sau 12-24 giờ, nhìn mờ, nhìn đôi, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực.
Tim mạch: Giãn mạch, tụt huyết áp và suy tim.
Hô hấp: Thở yếu, ngừng thở; thở nhanh, sâu nếu có nhiễm toan chuyển hóa.
Tiêu hóa: Viêm dạ dày xuất huyết, viêm tuỵ cấp biểu hiện đau thượng vị, nôn, tiêu chảy. Ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể thay đổi chức năng gan.
Thận: Suy thận cấp, biểu hiện tiểu ít, vô niệu, nước tiểu đỏ hoặc sẫm màu nếu có tiêu cơ vân.
Có thể đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da lạnh, vã mồ hôi.
Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế:
1. Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có chứa methanol.
2. Không uống rượu không có nguồn gốc, không công bố tiêu chuẩn chất lượng.
3. Không sử dụng rượu bia nếu phải điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
4. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
5. Trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia.
6. Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương với: 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330ml (5%); một cốc bia hơi 330ml (4%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40ml (30%).
Theo VietNamNet