Đâu là nguyên nhân nhiều người đã tiêm ngừa Covid-19 vẫn dương tính?

Vắc-xin ngừa Covid-19 không hẳn đã bảo vệ toàn diện hoặc ngay lập tức cho cơ thể con người, có nghĩa là người được tiêm vẫn có thể mắc virus và có kết quả xét nghiệm dương tính.

132 1 Dau La Nguyen Nhan Nhieu Nguoi Da Tiem Ngua Covid 19 Van Duong Tinh

Trường hợp điển hình là Hạ nghị sĩ Dân chủ Mỹ Stephen Lynch từ bang Massachusetts. Ông có kết quả dương tính sau khi tiêm vắc-xin Pfizer liều thứ 2. Huấn luyện viên bóng rổ nổi tiếng Rick Pitino cũng dương tính sau khi tiêm liều đầu tiên.

CNN nêu ra một số lý do về hiện tượng này:

Độ trễ giữa tiêm chủng và cơ chế bảo vệ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, cần vài ngày tới vài tuần để vắc-xin phát huy hiệu quả. Vì vậy, một người vừa tiêm ngừa có thể nhận kết quả xét nghiệm dương tính vì vắc-xin chưa kịp làm cơ thể sinh kháng thể.

“Phải mất một thời gian để phản ứng miễn dịch phát triển”, CNN dẫn lời Tiến sĩ Robert Salata, Giám đốc Trung tâm Y tế toàn cầu và Y khoa thuộc Bệnh viện Đại học Roe Green ở Cleveland, giải thích. Liều tiêm đầu tiên có thể cung cấp một sự bảo vệ nào đó, nhưng CEO của Moderna là Stephane Bancel giải thích hôm 1/2 rằng, “chúng ta thực sự không có bất kỳ dữ liệu nào để chứng minh điều đó ở thời điểm này”.

Với vắc-xin của Pfizer, sau khi tiêm 14 ngày, mũi đầu tiên có hiệu quả ngừa bệnh khoảng 52%, theo ông Salata.

Vắc-xin không ngăn được hoàn toàn nguy cơ

Một người tiêm vắc-xin vẫn có thể có kết quả xét nghiệm dương tính vì vắc-xin không hiệu quả 100%. Hai vắc-xin được Mỹ cấp phép hiện nay có tính hiệu quả cao nhưng chúng không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh.

Vắc-xin Pfizer đạt hiệu quả 95% trong ngăn chặn bệnh ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng sau 2 liều tiêm.

Ngừa bệnh nhưng chưa chắc ngăn được lây nhiễm

“Thông tin chưa rõ ràng liệu các vắc–xin có ngăn được virus lây nhiễm cho con người và chúng ta vẫn nhiễm mà không có triệu chứng. Điều này vẫn đang được nghiên cứu”, Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và y tế dự phòng của Khoa Chính sách y tế Đại học Vanderbilt cho biết.

“Như chúng ta đã thấy, những vắc-xin này là nhân tố tạo thay đổi trong ngăn chặn dịch bệnh và giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhưng về tính hiệu quả thì những con số không nói lên được toàn cảnh, vì bạn vẫn có thể mắc Covid-19, nhưng các dấu hiệu cho thấy các ca nhiễm ít nghiêm trọng hơn ở những người đã tiêm so với những người chưa tiêm. Và điều này thực sự quan trọng”, CNN dẫn lời Namandje Bumpus, Giám đốc Khoa dược và khoa học phân tử Đại học Johns Hopkins giải thích thêm.

Các nhà sản xuất hiện vẫn đang nghiên cứu xem liệu vắc-xin có ngăn được sự lây nhiễm hoặc liệu chúng có thể bảo vệ con người hoàn toàn hay không. Một người không có biểu hiện bệnh vẫn có thể dương tính với Covid-19. Vì vậy dù đã tiêm ngừa, bạn vẫn có thể lây truyền bệnh. Đó cũng là lý do những người đã tiêm chủng vẫn cần đeo khẩu trang.

Vắc-xin không bảo vệ được người đã mắc bệnh

Một người có thể có kết quả xét nghiệm dương tính vì họ đã nhiễm trước khi được tiêm vắc-xin mà không hay biết. Điều này đã xảy ra với một số nhân viên y tế trong một nghiên cứu của CDC Mỹ công bố ngày 1/2.

Theo kết quả nghiên cứu, 22 trong số 4.081 nhân viên y tế có kết quả dương tính với Covid-19 sau khi tiêm liều thứ nhất.

Một thành viên nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Eyal Leshem thuộc Trung tâm Y khoa Sheba ở Israel, cho biết rõ ràng một số người dương tính “thực chất đã nhiễm Covid-19 trước khi họ tiêm mũi đầu tiên”.

Biến chủng của virus

Hiện đang có lo ngại rằng một số biến chủng virus đang lây lan ở Mỹ có thể khiến cho vắc-xin không có tác dụng bảo vệ cơ thể. Dữ liệu thí nghiệm ban đầu cho thấy, các vắc-xin có thể cung cấp sự bảo vệ, và các quan chức y tế muốn càng nhiều người được tiêm ngừa nhanh, để hạn chế nguy cơ virus biến đổi.

Các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 cho biết đang thử nghiệm xem liệu các vắc-xin có chống lại được các biến chủng virus hay không, đồng thời nỗ lực nâng cấp vắc-xin để cung cấp thêm sự bảo vệ cho con người trước các biến chủng đó.

Theo VNN

Bài liên quan