Nói về Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19 và những thập niên đầu thế kỷ 20 thì phải kể đến xà bông Cô Ba. Vì sao lại đặt tên là Cô Ba? Cô Ba là ai?
Có người cho rằng cái tên “Cô Ba” liên quan đến cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam do người Việt tổ chức vào năm 1865. Đó là cuộc thi Miss Sài Gòn dành riêng cho các người đẹp Việt Nam.
Tuy có tên như vậy nhưng điều lệ được phổ biến không chỉ ở phạm vi Sài Gòn mà còn lan ra nhiều vùng phụ cận, nên sau đó đã có gần 100 cô gái đăng ký dự thi.
Kết quả người đoạt vương miện Hoa hậu là cô Ba, con gái của ông Chánh, làm nghề thư ký. Trước vẻ đẹp rực rỡ của cô Ba, nhiều người Pháp đã đề nghị cô chụp ảnh để đăng báo ở chính quốc.
Họ rất muốn chụp cô trong trang phục áo tắm nhưng cô không đồng ý. Chân dung cô sau đó được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng có. Một thời gian sau đó, cô Ba lấy chồng Việt Nam bình thường và sống giản dị, bỏ lại đằng sau ánh hào quang phù phiếm và không bị ảnh hưởng bởi lối sống phương Tây.
Sở dĩ gọi cô là “cô Ba xà bông” vì hình của người đẹp này được in nổi trên các sản phẩm của Hãng xà bông Việt Nam do ông Trương Văn Bền lập ra. Các hình ấy xuất hiện cùng lúc với các mẫu xà bông hình vuông nhiều cỡ, nặng 250 gr, 500 gr hoặc chỉ 125 gr, về sau thêm loại lớn và dài nặng gần 1 kg đúc thành cây mua về cắt từng miếng nhỏ xài dần. Mỗi loại như thế đều có sự “hiện diện” của cô Ba, lưu hành đến các nơi đô hội, dần dần đến tận các chợ miền xa ngoài Sài Gòn và lục tỉnh.
Như thế cô Ba đã nghiễm nhiên trở thành “người mẫu” đầu tiên gắn liền với một thương hiệu Việt Nam mới ra đời đầu thế kỷ 20. Sự ra đời này cùng với hình ảnh cô Ba, theo một số nhà quan sát, đã nhấn mạnh sự có mặt của sản phẩm Việt và chấm dứt sự thao túng gần như độc quyền của Hãng xà bông Marseille của Pháp đối với người tiêu dùng Việt Nam lúc bấy giờ.
Về việc cô Ba được ông Trương Văn Bền chọn làm biểu tượng bên hương thơm xà bông Việt, tác giả “Sài Gòn năm xưa” đề cập đến một cách rõ nét rằng:
Trong giới huê khôi, nghe nhắc lại, trước kia, hồi Tây mới đến có cô Ba, con gái thầy thông Chánh là đẹp không ai bì, đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi Nhà nước in hình vào con tem Nhà Thơ Dây Thép (Bưu điện).
Cạnh cô Ba, tác giả cũng nhắc đến một số hoa khôi khác như Tư Nhị, Sáu Hương, Hai Thời… vốn là những người đẹp đã làm nghiêng ngả nhà cửa ruộng vườn của nhiều tay hiếu sắc.
Theo đó, các cô mỗi chiều ngồi trên xe Delage để mui trần, có tài xế riêng, hoặc ngồi trên xe Hoa Kỳ mới cáu cạnh để lượn đi lượn lại quanh các đường phố chính của Sài Gòn từ chợ Bến Thành qua đường Bonard (đường Lê Lợi ngày nay) vòng qua trường Chasseloup – Laubat (trường Lê Quý Đôn ngày nay), xuống khu Chợ Lớn, khoe sắc trên đường nhựa “để lên Thủ Đức ăn nem hoặc đến tắm suối Xuân Trường…
Tối lại dưới bóng đèn, các cô như bướm tề tựu đủ mặt cạnh sòng bài sòng me, hoặc năm ba người gầy mâm hút có đờn ca giúp vui, báo hại các cậu con chủ điền muốn lên mặt với chị em đành phải trốn về bán lúa vay bạc Chà, cố cầm sự nghiệp ông bà để lại” mà chạy theo cho kịp nếp ăn chơi của các hoa khôi đương thời.
Nhưng mà nếp sống ấy dường như không phù hợp với cô Ba xà bông. Có người bảo vì cô sinh ra trong một gia đình công chức nên không quen sống buông thả, người khác cho rằng bản tính của cô vốn vậy từ lâu.
Đăng lại có chỉnh sửa từ Saigonxua.org và Fanpage Saigonxua