Giải mã 'người nhiễm nCoV không triệu chứng, kẻ chết nhanh chóng'

Các nhà nghiên cứu đang tìm lời giải cho câu hỏi "tại sao có người mắc Covid-19 nhưng không xuất hiện triệu chứng trong khi nhiều người chết nhanh chóng?".

132 1 Giai Ma Nguoi Nhiem Ncov Khong Trieu Chung Ke Chet Nhanh Chong

Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế giữa tuần qua phát hiện rằng ở một số người bệnh Covid-19 nặng, cơ thể tấn công hệ thống phòng thủ miễn dịch thay vì chống lại nCoV. Điều này thường xảy ra ở nam giới, giúp giải thích tại sao nCoV tấn công nam nhiều hơn nữ.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cho thấy miễn dịch của trẻ em tốt hơn người lớn nhờ các tế bào miễn dịch có đáp ứng đầu tiên mạnh mẽ và yếu dần theo tuổi tác.

Hệ thống miễn dịch bao gồm hệ miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thu được (còn gọi là miễn dịch tập nhiễm). Miễn dịch bẩm sinh là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể. Ngay khi cơ thể phát hiện ra kẻ xâm nhập, các phân tử tín hiệu được tạo ra, điển hình là protein interferon và cytokine gây viêm, chúng phát động một cuộc tấn công trong cơ thể.

Các tế bào miễn dịch bẩm sinh thích ứng với đáp ứng trong quá trình nhiễm trùng và cải thiện khả năng nhận diện kẻ xâm nhập. Tế bào B bắt đầu tạo ra các kháng thể chống lại virus, các protein này đang được chú ý trong quá trình sáng chế vaccine. Các tế bào T tiêu diệt những tế bào nhiễm nCoV. Cả tế bào T và B đều có khả năng ghi nhớ, hoạt động nhanh hơn những lần xâm nhập sau.

 

132 2 Giai Ma Nguoi Nhiem Ncov Khong Trieu Chung Ke Chet Nhanh Chong

nCoV trên bề mặt tế bào với các gai protein đặc trưng. Ảnh:RML.

Thông thường, khi virus xâm nhập vào tế bào, các protein được gọi là interferon loại I bắt đầu hoạt động, bảo vệ tế bào bằng cách ngăn sự phát triển của virus. Nghiên cứu mới cho thấy những phân tử quan trọng đó không xuất hiện ở người mắc Covid-19 nặng.

Một dự án nghiên cứu quốc tế đã phát hiện hai lý do. Phân tích máu của gần 1.000 bệnh nhân Covid-19 nặng, các nhà nghiên cứu phát hiện 1/10 kháng thể tự động tấn công nhầm đích. Đặc biệt ngạc nhiên là thông thường rối loạn tự miễn dịch phổ biến ở phụ nữ, nhưng 95% bệnh nhân Covid-19 gặp tình trạng này là nam.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu không tìm thấy các phân tử tín hiệu ở những bệnh nhân Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Trong 660 bệnh nhân Covid-19 nặng khác, 3,5% người mang gene đột biến không tạo ra interferon loại I. Tiến sĩ Jean - Laurent Casanova, một nhà di truyền học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Rockefeller ở New York, cho biết mỗi lỗ hổng đủ cộng thêm lợi thế cho virus.

Hiện nay, một số interferon được sử dụng làm thuốc và đang được nghiên cứu như một phương pháp tiềm năng điều trị Covid-19.

Một nghiên cứu khác về miễn dịch trẻ em do Tiến sĩ Betsy Herold từ Đại học Y Albert Einstein, New York cùng cộng sự, thực hiện. Nhóm so sánh miễn dịch giữa 60 người trưởng thành và 65 trẻ em, thanh thiếu niên tại hệ thống Sức khỏe Monterfiore New York.

Kết quả cho thấy những đứa trẻ tạo ra lượng lớn cytokine, đây là một trong những phản ứng đầu tiên của hệ miễn dịch bẩm sinh. Giai đoạn tiếp theo, cả người lớn và trẻ em đều tạo ra kháng thể nhắm vào nCoV. Khác biệt ở điểm phản ứng miễn dịch thích ứng của người lớn có thể kích hoạt phản ứng viêm quá mức.

Ông Herold cho biết phản ứng miễn dịch mạnh mẽ của trẻ có thể đánh bại virus, đáp ứng quá mức ít xảy ra hơn và giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Chủng nCoV gây ra đại dịch Covid-19. Tuy nhiên nhà nghiên cứu Alessandro Sette đến từ Viện Miễn dịch La Jolla, San Diego, đã nghiên cứu các mẫu máu lưu trữ trong tủ đông trước đại dịch. Ông tìm thấy một số tế bào T ghi nhớ và nhận biết một phần nhỏ nCoV mới trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu ở Đức, Anh và nhiều nước khác cũng phát hiện tương tự.

nCoV có điểm tương đồng với virus cúm mùa thông thường, do đó các nhà nghiên cứu tin rằng các tế bào T đó có thể là tàn dư của các đợt cảm lạnh trong quá khứ. Rory de Vries, nghiên cứu tế bào T tương tự ở Hà Lan, cho biết mình "chưa rõ về sự khác biệt tế bào T ở bệnh nhân Covid-19 nặng".

Nhà miễn dịch học Bali Pulendran của Đại học Stanford cho biết: "Chúng ta cần phải nhìn rộng hơn và không vội kết luận sớm bất kỳ khía cạnh nào của hệ thống miễn dịch". Ông cũng đã tìm thấy một số tế bào miễn dịch bẩm sinh "ở trạng thái ngủ đông" ở người trưởng thành mắc Covid-19 nặng, đang tìm kiếm sự khác biệt trước và sau khi con người mắc bệnh.

Tiến sĩ Anita McElroy, chuyên gia về miễn dịch virus tại Đại học Pittsburgh cho rằng không chỉ tìm hiểu về hệ thống miễn dịch, mà còn là cách dự đoán người có nguy cơ cao nhất. Ông nói "Chúng ta còn một chặng đường dài nữa".

Như vậy, trên thực tế đến nay câu hỏi "tại sao có người mắc Covid-19 song không xuất hiện triệu chứng trong khi có người chết rất nhanh", vẫn được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và chưa đưa ra kết luận.

 

Nguyễn Ngọc (Theo AP)

Nguồn: vnexpress.net

Bài liên quan